Multimedia Đọc Báo in

Số người nhiễm Ebola có thể tăng lên 10.000 ca/tuần

12:13, 25/10/2014
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 23-10 thông báo dịch Ebola vẫn trong tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu khi cơ quan này ghi nhận dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn tại các quốc gia Tây Phi gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea.
 
Sau phiên họp của Ủy ban khẩn cấp về Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới ra tuyên bố cho biết: tình hình lây lan loại virus chết người này tại các quốc gia trên hiện vẫn là mối lo ngại lớn đối với toàn cầu. Mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch Ebola như thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống Ebola (Ebola VSV-ZEBOV) cho kết quả khả quan. Người bị lây nhiễm đầu tiên ngoài vùng châu Phi đã được chữa khỏi, không có ca lây nhiễm mới nào được ghi nhận tại Mỹ... song số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới công bố một ngày trước cho thấy số người thiệt mạng do virus vẫn tăng mạnh, hiện đã lên tới 4.900 người trong tổng số 9.936 trường hợp nhiễm bệnh. Tổ chức này cũng cảnh báo số người nhiễm có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 tới, nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp hiệu quả và kịp thời để dập dịch. 
Một bệnh nhân Ebola được điều trị tại bệnh viện (Ảnh AP)
Một bệnh nhân Ebola được điều trị tại bệnh viện (Ảnh AP)
Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo, người đứng đầu phái bộ Liên hiệp quốc về ứng phó khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), ông Anthony Banbury nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc huy động các nguồn lực trên phương diện quốc tế. Chúng ta cần rất nhiều nhân viên y tế, đặc biệt cần đội ngũ chuyên gia - những người có thể điều hành các cơ sở y tế và quản lý các cơ sở y tế này cũng như biết cách để bảo vệ các nhân viên y tế để họ không bị nhiễm bệnh. Việc quản lý các cơ sở y tế này đòi hỏi một kỹ năng đặc biệt và có vai trò rất quan trọng trong việc đối phó dịch Ebola”.
 
Trước diễn biến đáng sợ của dịch Ebola hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng cường công tác phòng chống dịch Ebola và cảnh báo rằng cả thế giới có thể đang bị đe dọa. 
 
Chỉ trong hơn 10 năm qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 1,8 tỷ dân từng là điểm nóng của các đại dịch gây nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế của không chỉ khu vực này mà còn cả thế giới như SARS và cúm gia cầm. Trong khi đó, báo cáo mới đây của WB cho rằng “nỗi lo sợ” chính là tác nhân cốt yếu khiến kinh tế thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo cáo này nhắc lại rằng, khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, những chi phí trực tiếp như y tế, lao động giảm sút,... chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong việc tác động đến kinh tế song những chi phí gián tiếp như việc đóng cửa hệ thống giao thông, sân bay, doanh nghiệp xuất phát từ nỗi lo sợ lây nhiễm, chiếm tới 80-90%.
 
Ngày 20-10, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cần tăng cường hơn nữa mọi nỗ lực ngăn chặn nạn dịch Ebola lây lan ra toàn cầu. Nỗ lực đó phải được đồng thuận, phối hợp và đẩy mạnh hơn nữa trong toàn khối. Trong tuyên bố chung của 28 nước EU đưa ra tại cuộc họp cấp Ngoại trưởng tại Luxembourg, EU cũng nhấn mạnh các nước có dịch và các nước láng giềng phải được hỗ trợ một cách thích hợp và đầy đủ. Tại đây, các ngoại trưởng cũng quyết định lập chức danh điều phối viên đặc biệt cho công tác chống dịch Ebola và dự kiến việc bổ nhiệm sẽ được tiến hành trong tuần này.
 
Điều phối viên của EU về Ebola sẽ đảm bảo việc hợp tác giữa các quốc gia và thể chế trong nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài nhằm hỗ trợ hiệu quả các nước Tây Phi đang là ổ dịch. Ngoài ra, EU cũng sẽ lập các nhóm phản ứng nhanh, gồm các chuyên gia y tế tự nguyện để khoanh vùng các ổ dịch, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Một quỹ hỗ trợ trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,27 tỷ USD) cũng được EU nhất trí huy động từ nay đến cuối tuần dành cho các nước Tây Phi. Cho tới nay, quỹ chống Ebola của EU hiện xấp xỉ 500 triệu euro (tương đương 640 triệu USD).
 
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc người dân nước này không nên bị kích động hay quá sợ hãi về dịch Ebola, đồng thời cảnh báo rằng việc đối phó với loại virus chết người này cần sự chung tay của toàn thể cộng đồng, các quan chức chính phủ và cả giới truyền thông. Ông Obama tuyên bố sẽ không ban hành lệnh cấm các chuyến bay từ các nước Tây Phi tới Mỹ vì điều này sẽ chỉ gây ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực viện trợ và các biện pháp kiểm tra và khiến tình hình tồi tệ thêm. Tuyên bố dịch trên được Tổng thống Obama đưa ra trong bối cảnh người dân Mỹ đang ngày càng lo sợ về sự lây lan của virus Ebola, sau khi ba người đã được chuẩn đoán nhiễm Ebola trên đất Mỹ (nạn nhân đầu tiên đã tử vong) và hơn 100 người khác đang bị giám sát chặt chẽ do đã từng tiếp xúc với những người bị nhiễm.
 
Cách đây một tuần, ông Obama cũng đã có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon thảo luận về tính cấp thiết tăng cường thêm nỗ lực quốc tế "mạnh mẽ" nhằm đối phó với dịch bệnh Ebola gây tử vong cao đang lây lan mạnh ở Tây Phi. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, ngoài việc kêu gọi nhanh chóng gửi hàng viện trợ của cộng đồng quốc tế tới các vùng dịch, hai ông Obama và Ban Ki-moon kêu gọi cần có những cam kết mạnh mẽ hơn, theo đó các nước thành viên nên "ủng hộ đề nghị của Liên hiệp quốc cung cấp nhân lực, trang thiết bị và hàng tiếp tế cần thiết để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh Ebola.
 
Cũng trong ngày 20-10, Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) đã tổ chức hội nghị bất thường tại Cuba để thảo luận và thống nhất các biện pháp phòng chống, cũng như kế hoạch hành động chống Ebola đang bùng phát mạnh ở Tây Phi. Với sự tham dự của nguyên thủ các nước thành viên, đại diện của Liên hiệp quốc và WHO, Chủ tịch nước chủ nhà Raul Castro kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực hành động khẩn trương để đối phó được với nạn dịch nguy hiểm này. Theo ông Castro, đây là một thách thức lớn đối với nhân loại, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động dưới sự điều hành của WHO và các phái bộ của Liên hiệp quốc. 
 
Trước nhận định của ông Castro cho rằng nếu không ngăn chặn và giải quyết hiệu quả, dịch bệnh Ebola ở Tây Phi sẽ trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử loài người, ALBA đã nhất trí sẽ thành lập một trung tâm kiểm soát chung về bệnh Ebola bên cạnh các nhóm phản ứng nhanh chịu trách nhiệm khi xảy ra tình trạng khẩn cấp ở các nước thành viên. Về phần mình, tập đoàn Fujifilm Holdings của Nhật Bản cho biết sẽ sản xuất thêm thuốc chống cúm Avigan nhằm đề phòng trường hợp có một số lượng lớn bệnh nhân nhiễm virus Ebola. Thông báo của Fujifilm được đưa ra trong bối cảnh một bệnh nhân nhiễm Ebola ở Tây Ban Nha sau khi uống loại thuốc này - được biết dưới tên gọi Favipiravir, đã hồi phục sức khỏe. Fujifilm cho biết Chính phủ Pháp và Guinea dự kiến sẽ tiến hành các ca thử nghiệm điều trị lâm sàng sử dụng Avigan vào giữa tháng 11. Hiện tập đoàn này dự trữ kho thuốc đủ để điều trị cho 20.000 bệnh nhân trong trường hợp xảy ra đại dịch ở Nhật Bản và một kho bổ sung nguyên liệu cho 300.000 đợt điều trị. Avigan hiện đã được sử dụng ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Na Uy để điều trị cho các bệnh nhân Ebola. 
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu bàn thảo về các biện pháp chống dịch Ebola. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu bàn thảo về các biện pháp chống dịch Ebola. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chương trình Lương thực thế giới (WFP) mới đây đã cảnh báo các quốc gia bùng phát dịch Ebola đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực nghiêm trọng. WFP cho hay tình trạng thiếu lương thực tại các nước đang bị dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất như Guinea, Liberia và Sierra Leone đang diễn ra ở nhiều cấp độ. Nhằm ngăn virus lây lan, chính quyền các nước đã tiến hành phân vùng cách ly nhiều khu vực cộng đồng, khiến nông dân không thể canh tác và chăn nuôi gia súc. Kể từ tháng 4, WFP đã phân phát hơn 9.000 tấn lương thực cho gần 530.000 người dân bị ảnh hưởng bởi Ebola.
 
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chỉ trong một thời gian ngắn, đại dịch Ebola không chỉ cướp đi sinh mạng hàng ngàn người mà còn tàn phá nền kinh tế Tây Phi và ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế thế giới. Ngay sau thông tin Mỹ đã phát hiện trường hợp nhiễm virus Ebola đầu tiên, cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ và nhiều chuỗi khách sạn lớn đều sụt giảm. Trong khi đó, các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu cũng đang có những phản ứng tiêu cực với thông tin dịch bệnh Ebola ngày càng lan rộng. WB cảnh báo nếu dịch bệnh không được nhanh chóng kiểm soát và tiếp tục đà lây lan như hiện nay thì nền kinh tế châu Phi sẽ phải chịu thiệt hại lên tới 32,6 tỷ USD vào năm 2015 và đây sẽ là một thảm họa đối với khu vực này. Tổng sản lượng trong nước (GDP) của ba nền kinh tế Tây Phi (Sierra Leone, Liberia và Guinea) bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Ebola có thể bị sụt giảm từ hơn 2% đến gần 12% trong năm 2015, nếu bệnh dịch này không được khống chế kịp thời.
 
Trước khi dịch Ebola xảy ra, ba nền kinh tế Sierra Leone, Guinea và Liberia là những “điểm sáng” của châu Phi, với triển vọng tăng trưởng kinh tế cao. Kinh tế Liberia đã tăng trưởng liên tục ở mức 10%/năm từ năm 2005 đến nay, trong khi Sierra Leone được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ tăng trưởng 14% trong năm nay. Tuy vậy, dịch Ebola bùng phát với số người tử vong hiện vào khoảng 8.000 người và có thể tăng vọt lên mức 0,55-1,4 triệu người vào đầu năm tới, nếu không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả ngay từ bây giờ như cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã làm đảo lộn các kế hoạch phát triển kinh tế. Không chỉ sản xuất bị thiệt hại, thương mại đình đốn mà các nền kinh tế này còn phải chi ra nhiều khoản tiền lớn để chữa trị và kiềm chế đà lây lan của dịch.
 
H.T (tổng hợp)
 
 

Ý kiến bạn đọc