EU kéo dài việc tạm ngừng một số biện pháp trừng phạt Iran
11:18, 28/11/2014
Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định kéo dài việc tạm ngừng một số biện pháp trừng phạt hạn chế nhằm vào Iran đến ngày 30-6-2015.
Thông cáo báo chí của Hội đồng châu Âu (EC) cho biết quyết định trên được thông qua sau khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc là Anh, Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc cộng với Đức) vừa đưa ra quyết định kéo dài thời gian đàm phán hạt nhân đến 1-7-2015.
Quyết định mới của EU cho phép nối lại các hoạt động bảo hiểm và vận chuyển dầu thô của Iran cho các khách hàng hiện nay; các hoạt động nhập khẩu, mua hoặc vận chuyển các sản phẩm hóa dầu của Iran; việc trao đổi vàng và kim loại quý với chính phủ và các tổ chức nhà nước của Iran và việc tăng mức trần các giáo dịch tài chính với Iran.
EU đã tạm ngừng áp dụng những biện pháp trừng phạt này sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông báo Iran đã tuân thủ thỏa thuận tạm thời đạt được tháng 11-2013 về giảm chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Tại vòng đàm phán từ ngày 20 đến 25-11 vừa qua ở thủ đô Vienna của Áo, Iran và P5+1 đã không đạt thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran đúng thời hạn chót nhằm khai thông bế tắc trong tiến trình đàm phán kéo dài 12 năm qua, song các bên đã nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng (đến 1-7-2015) để đi đến thỏa thuận này.
Các nhà đàm phán sẽ tiếp tục gặp nhau trong bảy tháng tới, song sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại mới.
![]() |
Đại diện của Iran và nhóm P5+1 sau khi đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong suốt thời gian đó, các bên sẽ tiếp tục thực hiện các điều khoản của thỏa thuận tạm thời đạt được cách đây một năm tại Geneva (Thụy Sĩ). Các nước phương Tây sẽ không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt trong khi Iran cam kết giữ nguyên chương trình hạt nhân của mình ở quy mô hiện tại. Ngoài ra, Tehran sẽ được nhận 700 triệu USD mỗi tháng trong tài khoản của nước này bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài.
Tuần đàm phán từ ngày 18 đến 24-11 vừa qua được xem là cơ hội tốt nhất đã bị bỏ lỡ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Sau 10 năm nỗ lực không thành công, các bên đều đặt kỳ vọng rất lớn vào vòng đàm phán lần này nhằm mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ với Iran.
Mặc dù vẫn tồn tại bất đồng sâu sắc giữa Iran và các nước phương Tây, nhưng chưa bao giờ các cuộc thảo luận lại có bước tiến triển đến vậy. Đây là lần đầu tiên cả Mỹ và Iran có chung nguyện vọng đạt được thỏa thuận và đều ý thức được rằng thời gian không còn nhiều để hai bên đi tới thỏa thuận toàn diện cuối cùng. Trong suốt tuần đàm phán, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp tay đôi và tay ba với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif cũng như đại diện Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton nhằm nỗ lực tháo gỡ bế tắc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đều muốn biến kỳ tích ngoại giao này thành chiến thắng chính trị. Một thỏa thuận hạt nhân lịch sử không chỉ giúp khép lại 35 năm quan hệ thù địch giữa hai nước mà còn mở ra hàng loạt lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Tuy nhiên, các nỗ lực và ý chí chính trị nói trên vẫn chưa đủ để Mỹ và Iran vượt qua những trở ngại trên bàn đàm phán. Ngoài sức ép từ trong nước, sự bất đồng giữa hai bên còn quá lớn để có thể khỏa lấp chỉ trong vòng một tuần lễ ngắn ngủi. Sau vòng đàm phán tại Vienna, hai bên gần như không tìm thấy tiếng nói chung về ba điểm chính liên quan đến quy mô làm giàu urani của Iran, tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thời gian kéo dài thỏa thuận. Thậm chí, các nhà ngoại giao gần như không đạt được thỏa thuận đáng kể nào để biện minh cho việc phải phá vỡ thời hạn chót từng cam kết. Việc kéo dài các cuộc thảo luận tới đầu tháng 7-2015 cũng cho thấy các bên chưa tiến được xa sau một năm đàm phán cấp tập.
Theo các nhà phân tích, thất bại trong việc tìm kiếm thỏa thuận toàn diện sẽ ảnh hưởng tới uy tín của cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, đồng thời củng cố thêm cho phe cứng rắn tại hai nước. Ngay trong ngày 24-11, một số nhà lập pháp của đảng Cộng hòa ở Mỹ đã lên tiếng kêu gọi siết chặt thêm các biện pháp bao vây phong tỏa Iran nhằm gia tăng áp lực buộc nước này phải nhượng bộ. Điều này có thể sẽ tạo thêm căng thẳng giữa hai bên và khiến cơ hội đạt được thỏa thuận trở nên xa vời hơn.
Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt - một trong những yêu cầu cơ bản của Iran - cũng không dễ dàng do phe Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ Quốc hội lưỡng viện của Mỹ từ đầu năm tới. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian đàm phán có thể sẽ kéo theo những nguy cơ nghiêm trọng. Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông có thể tăng tốc trong thời gian tới. Hiện Saudi Arabia, đối thủ truyền thống của Iran, đã đặt các nền móng cho chương trình hạt nhân dân sự. Cuộc đua này có thể còn thu hút cả Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ khác. Điều đó không chỉ đe dọa đến an ninh khu vực mà có thể còn gây khó khăn cho cuộc vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
![]() |
Đại diện các bên tại vòng đàm phán ở Vienna, Áo ngày 24-11. (Nguồn: AFP/ TTXVN) |
Hiện vẫn có những tín hiệu để dư luận quốc tế nuôi hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran sẽ sớm được "tháo ngòi”. Kết thúc vòng đàm phán không có kết quả rõ ràng tại Vienna, giới chức Mỹ và Iran vẫn bày tỏ thái độ lạc quan và tránh công kích lẫn nhau. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được những "tiến bộ đáng kể" . Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc sẽ được hoàn tất bất chấp việc các bên bỏ lỡ thời hạn chót. Điều này cho thấy Washington và Tehran vẫn mong muốn có được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, tạo không khí thuận lợi để bắt tay hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề trong khu vực.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc