Multimedia Đọc Báo in

IS hành quyết gần 1.500 người tại Syria trong vòng 5 tháng

09:42, 19/11/2014
Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh ngày 17-11 công bố kết quả thống kê cho biết "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã hành quyết 1.429 người tại Syria trong vòng 5 tháng kể từ khi tổ chức này tuyên bố thành lập hồi tháng 6 vừa qua.
 
Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman cho biết phần lớn nạn nhân bị IS hành quyết là dân thường. Trong số nạn nhân bị IS chặt đầu hoặc bắn chết trong các vụ tàn sát, có 879 người là dân thường, trong đó khoảng 700 người là thành viên của bộ tộc Shaitat người Hồi giáo Sunni nổi lên chống IS từ giữa năm 2014. Ngoài ra có khoảng 63 nạn nhân là thành viên của các nhóm nổi dậy khác hoặc mặt trận Al-Nusra, một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda từng giao tranh với IS tại miền Bắc và Đông Syria. Có 483 nạn nhân là binh sĩ chính phủ.
IS tổ chức hành quyết người dân ngay giữa đường phố. (Nguồn: news.com.au)
IS tổ chức hành quyết người dân ngay giữa đường phố. (Nguồn: news.com.au)
Theo ông Rami, mục đích các vụ hành quyết của IS là nhằm khủng bố tinh thần của người dân cũng như những nhóm vũ trang chống IS, gieo rắc sự khiếp sợ trong cộng đồng quốc tế, đồng thời tuyển mộ thêm các chiến binh Hồi giáo. SOHR cũng cho biết hiện IS vẫn đang giữ hàng trăm con tin.
 
Trong một diễn biến khác, AFP dẫn một công văn từ Lầu Năm Góc cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị xem xét lại toàn diện chính sách của Mỹ về các vụ bắt cóc con tin "liên quan tới khủng bố ở nước ngoài." 
 
Công văn trên được tiết lộ chỉ một ngày sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố trên Internet một đoạn video man rợ ghi lại cảnh nhóm này chặt đầu nhân viên cứu trợ người Mỹ Peter Kassig.
 
Trong văn bản đăng trên trang tin The Daily Beast Monday, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Christine Wormuth nói rõ: "Mới đây, Tổng thống đã chỉ thị đánh giá lại toàn diện chính sách của Chính phủ Mỹ đối với các trường hợp bắt cóc con tin liên quan tới khủng bố ở nước ngoài”. Trong công văn đề ngày 17-11, bà Wormuth cho biết công tác đánh giá sẽ tập trung "vào rà soát quan hệ gia đình, hồ sơ tình báo và các chính sách can dự ngoại giao". 
Peter Kassig, con tin người Mỹ mới nhất bị IS sát hại. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Peter Kassig, con tin người Mỹ mới nhất bị IS sát hại. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo Thứ trưởng Wormuth, động thái trên được đưa ra trong bối cảnh "ngày càng xảy ra nhiều vụ bắt cóc công dân Mỹ ở nước ngoài, cũng như các hiểm họa có thực từ các nhóm khủng bố cụ thể". Ngày 17-11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã cảnh báo các phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rằng Washington “không bị đe dọa” sau khi có thêm một con tin người Mỹ nữa bị IS hành quyết.
 
Phát biểu tại một diễn đàn chính sách thường niên ở Washington, ông Kerry nhấn mạnh sự tàn bạo của IS và nguy cơ nhóm này mở rộng hoạt động ra khắp thế giới là lý do chính trong số nhiều lý do khiến Mỹ phải duy trì sự can dự sâu vào khu vực Trung Đông. Ông đồng thời khẳng định khu vực này liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.
 
H.T ( tổng hợp)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.