Multimedia Đọc Báo in

Liên minh cầm quyền Ukraine ưu tiên gia nhập NATO

16:33, 22/11/2014
Theo AFP, các chính đảng thân phương Tây ở Ukraine ngày 21-11 đã nhất trí ưu tiên việc Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong một thỏa thuận thành lập liên minh cho phép họ nắm giữ đa số ghế trong quốc hội.
 
Thỏa thuận liên minh được ký kết bởi 5 chính đảng (Đảng "Mặt trận Nhân dân", Đảng "Cấp tiến", Đảng "Tự lực", "Khối Petro Poroshenko" và Đảng "Tổ Quốc"), quy định đến cuối năm phải thông qua một điều luật xác nhận ý định của Ukraine thúc đẩy việc gia nhập NATO.
 
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh bất kỳ bước đi nào của Kiev hướng đến việc gia nhập NATO cũng đều khiến Nga thêm tức giận, giữa lúc căng thẳng Đông - Tây đã lên đến đỉnh điểm do cuộc giao tranh giữa các lực lượng Ukraine và phe nổi dậy.
 
Nga đã nhiều lần kêu gọi Ukraine không gia nhập NATO và coi đó là điều kiện tối quan trọng để duy trì hòa bình trong khu vực. Ngày 19-11, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đã kêu gọi Ukraine không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khẳng định "quy chế không liên kết" phục vụ cho lợi ích của quốc gia thuộc Liên Xô trước đây này.
 
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với người đồng cấp Peter Szịjjarto của Hungaria, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: "Rõ ràng quy chế không liên kết (của Ukraine) đóng vai trò quan trọng, không chỉ đối với việc đảm bảo sự ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương mà với cả các lợi ích quốc gia căn bản của người dân Ukraine". Ông Lavrov đồng thời khẳng định những lời đảm bảo miệng của phương Tây rằng NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông là chưa đủ. 
 
Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva từ lâu đã đề xuất một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý đề cao các nguyên tắc "không chia cắt về an ninh", song phương Tây đã gạt bỏ đề xuất này. Trước đó một ngày, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga muốn "nhận được sự đảm bảo 100% rằng không ai nghĩ đến việc Ukraine gia nhập NATO". 
Quân đội Ukraine tham gia chiến dịch quân sự ở miền Đông (Nguồn: AP)
Quân đội Ukraine tham gia chiến dịch quân sự ở miền Đông (Nguồn: AP)
Trước đó, Nga và NATO đã có cuộc "khẩu chiến" về tình hình căng thẳng ở Ukraine. Ngày 17-11, Nga đã chỉ trích Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Tại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vì đã đưa ra những bình luận chống lại Moskva trong thời gian gần đây, đồng thời cho rằng người đứng đầu tổ chức quân sự này lại ủng hộ "những điều bịa đặt vô căn cứ”. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho rằng thay vì tìm kiếm những biện pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine, ông Stoltenberg lại tham gia vào nỗ lực tuyên truyền "những điều bịa đặt vô căn cứ" cho rằng lực lượng vũ trang Nga đã vượt qua biên giới vào quốc gia láng giềng Ukraine. Theo bà Zakharova, những bình luận của ông Stoltengerg càng củng cố lập trường của phe ủng hộ sử dụng giải pháp quân sự tại Ukraine, đồng thời tác động tiêu cực đến tiến trình giải quyết hòa bình vốn mong manh trong cuộc khủng hoảng nội bộ ở quốc gia Đông Âu này.
 
Trước đó, phát biểu với báo giới Italy ngày 14-11, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự này có bằng chứng cho thấy Nga di chuyển đơn vị quân sự đến gần biên giới Ukraine. Ông cũng cho rằng máy bay quân sự Nga đã bay vào không phận châu Âu là mối đe đọa đối với ngành hàng không dân dụng. Nhà lãnh đạo NATO cũng thừa nhận sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của khối này ở Đông Âu, song cho rằng điều này là cần thiết để ngăn cuộc khủng hoảng ở Ukraine leo thang thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong khi đó, Nga luôn khẳng định rằng đây là một sự biện hộ và những hành động này là nhằm chống lại Nga. 
 
Quan hệ giữa Nga và NATO đã trở nên căng thẳng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và từ tháng 4-2014, NATO đã chấm dứt mọi sự hợp tác với Nga và hai bên hiện chỉ còn duy trì liên lạc từ cấp đại sứ trở lên. 
 
H.T (tổng hợp)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.