Multimedia Đọc Báo in

Lỗ hổng an ninh ở châu Âu mở đường cho làn sóng cực đoan

09:20, 14/11/2014
Ngày 12-11, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa thuộc Hạ viện Mỹ Michael McCaul cảnh báo những lỗ hổng trong công tác kiểm soát an ninh ở nhiều nước châu Âu đã vô hình chung hình thành "tuyến quốc lộ lớn" tạo thuận lợi cho các phần tử Hồi giáo cực đoan và hiếu chiến nước ngoài từ Syria trở về nước.
 
Trong bài báo đăng trên tạp chí Time (Thời đại), ông McCaul cho biết kẽ hở an ninh ở các nước châu Âu, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, đã tạo thuận lợi cho các tay súng thánh chiến nước ngoài dễ dàng hồi hương mà không bị phát giác. Ông McCaul nêu rõ mỗi tháng có khoảng 1.000 tay súng nước ngoài - trong đó có nhiều cá nhân đến từ các nước phương Tây - đổ về các vùng xung đột để gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Những phần tử này sau khi được vũ trang và huấn luyện sẽ trở về nước để thực hiện các cuộc tấn công. Người đứng đầu Ủy ban an ninh nội địa thuộc Hạ viện Mỹ chỉ trích một số quốc gia châu Âu trong liên minh chống IS đã không sớm thực hiện đầy đủ các biện pháp nhằm đối phó với làn sóng hồi hương của các tay súng thánh chiến từ Iraq và Syria trở về. 
 
Ông McCaul nêu ra một số chính sách an ninh lỏng lẻo của Liên minh châu Âu (EU) như không kiểm tra an ninh tại sân bay đối với các công dân EU di chuyển giữa các nước trong khối. Ông McCaul cho rằng sơ hở này đã tạo thuận lợi cho các tay súng thánh chiến châu Âu có thể dễ dàng về nước mà không bị chú ý, cũng như có thể sang Mỹ dưới diện miễn thị thực nhập cảnh. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ông McCaul cũng chỉ trích nước này không đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không, đường thủy, đường bộ, tạo cơ hội cho các phần tử cực đoan lợi dụng, trà trộn vào làn sóng hàng nghìn người tị nạn Syria đổ về quốc gia Tây Nam Á này. 
Cảnh sát đặc nhiệm Pháp dẫn giải một người tình nghi bị bắt tại Strasbourg. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh sát đặc nhiệm Pháp dẫn giải một người tình nghi bị bắt tại Strasbourg. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lời cảnh báo của ông McCaul không phải là không có cơ sở khi gần đây các nước châu Âu đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng hậu thuẫn cho khủng bố. Cụ thể, cũng trong ngày 12-11, cảnh sát Đức đã bắt giữ 9 nghi can hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Syria, trong đó có nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, và chuẩn bị có "hành động bất hợp pháp gây nguy hiểm cho đất nước”. Những đối tượng bị bắt tuổi từ 22 đến 58, trong đó có 8 người quốc tịch Đức xuất thân từ gia đình theo Hồi giáo và 1 người Pakistan. Những người này bị tình nghi đã tham gia đưa các tay súng thánh chiến từ Đức sang Syria để chiến đấu trong hàng ngũ IS. Ngoài ra, các đối tượng trên còn có hoạt động quyên góp tài chính hàng nghìn euro để ủng hộ IS và các nhóm cực đoan khác. Cũng trong chiến dịch này, cảnh sát còn tiến hành khám xét nhà của 20 đối tượng ủng hộ đạo Hồi bảo thủ cực đoan.
 
Theo nguồn tin từ Cơ quan hình sự liên bang, ở Đức có khoảng 1.000 người ủng hộ chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, trong đó 230 người có nguy cơ tiến hành hoạt động khủng bố trong nước. Cơ quan phản gián Đức cũng cho biết, kể từ khi xung đột vũ trang nổ ra tại Syria, khoảng 450 đối tượng đã rời Đức để tham gia chiến đấu trong hàng ngũ các băng nhóm cực đoan tại đây, gần 150 người trong số đó đã quay trở về Đức. Bộ Nội vụ nước này hiện đang xây dựng cơ chế tước giấy tờ tùy thân của những đối tượng trên để không cho họ quay trở lại Syria.
 
Trước đó, vào ngày 7-11, Cảnh sát London (Anh) cho biết đã bắt giữ 4 người đàn ông có liên hệ với một tổ chức tội phạm Hồi giáo nhằm tiến hành một vụ tấn công khủng bố trên lãnh thổ nước Anh. Theo Sở Cảnh sát London, những đối tượng này ở độ tuổi từ 19-27, bị bắt giữ trong đêm 6-11, tại khu vực phía tây thủ đô London do bị "nghi ngờ có liên quan đến việc lên kế hoạch, chuẩn bị hoặc kích động những hành động khủng bố". Vụ bắt giữ và khám xét này là một phần của cuộc điều tra hoạt động khủng bố liên quan đến các phần tử Hồi giáo cực đoan. Tháng trước, cảnh sát thành phố London cũng bắt giữ 5 nghi can trong hai vụ riêng rẽ do nghi ngờ tham gia, chuẩn bị hoặc kích động các hành động khủng bố ở Anh. Hồi tháng 8 vừa qua, Anh đã nâng cấp mối đe dọa quốc tế của mình từ "đáng kể" lên "nguy hiểm", đồng nghĩa với khả năng sắp xảy ra một vụ tấn công, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định nhóm phiến quân IS ở Iraq và Syria đặt ra nguy cơ an ninh nghiêm trọng đối với nước này, đặc biệt sau khi IS hành quyết 2 nhân viên cứu trợ người Anh và 2 nhà báo người Mỹ để trả thù các vụ không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào nhóm này ở Iraq
 
Ngày 30-10, một công dân Mỹ cũng đã thú nhận ủng hộ và cung cấp hỗ trợ vật chất cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành ở Iraq và Syria. Giới chức Mỹ cho biết đối tượng Donald Ray Morgan, 44 tuổi, đến từ Carolina Bắc, thừa nhận đã cung cấp vũ khí và dịch vụ riêng cho IS trong khoảng thời gian từ tháng 1-2014 đến lúc bị bắt. Vào thời điểm đó, y bị bắt giữ với tội danh sở hữu vũ khí trái phép từ tháng 1-2012. Tuy nhiên, công tác điều tra sau đó cho thấy Morgan đã từng ít nhất một lần có ý định từ Lebanon đến Syria để gia nhập IS. 
 
Trước đó, hồi tháng 9 vừa qua, giới chức thực thi luật pháp Mỹ cũng đã khởi tố một chủ nhà hàng người Mỹ gốc Yemen với tội danh tuyển mộ chiến binh cho IS, đồng thời tài trợ tiền và mua vũ khí cho tổ chức khủng bố nguy hiểm này. 
 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc