Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Barack Obama cải tổ luật nhập cư

16:24, 22/11/2014
Trong một bước đi phản ánh rõ chiều hướng quan hệ căng thẳng hơn giữa Nhà Trắng và phe Cộng hòa vừa giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, ngày 20-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo sắc lệnh hành chính tự cải tổ luật nhập cư, nhập tịch mà không cần tới Quốc hội.
 
Đây được coi là một hành động sẽ càng làm tăng sự chia rẽ và mâu thuẫn đảng phái trong chính trường Mỹ.
 
Phát biểu trên truyền hình trực tiếp tối 20-11 từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết vì Quốc hội không hành động và bất hợp tác, ông phải sử dụng quyền của người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất của nước Mỹ để thực thi các biện pháp cải tổ hệ thống nhập cư của nước Mỹ mà ông cho là đã lạc hậu. Một trong những biện pháp trong kế hoạch cải cách tổng thể của Tổng thống Obama là mở rộng sắc lệnh hành chính năm 2012, theo đó khoảng 4,7 triệu trẻ em các nước nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ 5 năm trở lên có cha mẹ là công dân hoặc cư dân thường trú hợp pháp ở Mỹ, nếu không phải là tội phạm, sẽ được phép ở lại Mỹ mà không bị đe dọa bị trục xuất. Ngoài 4,7 triệu trẻ em nói trên còn có khoảng 270.000 người được cha mẹ đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, cũng sẽ không bị trục xuất. Trong sắc lệnh của mình, Tổng thống Obama cũng quyết định mở rộng một chương trình cho phép cấp thị thực tạm thời cho những sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các ngành nghề đặc biệt và các chương trình công nghệ cao tại các trường cao đẳng và đại học của Mỹ, mở rộng việc cấp thị thực cho những sinh viên và người nước ngoài có khả năng đặc biệt.
 
Đây được coi là biện pháp cải tổ sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ qua trong hệ thống nhập cư của Mỹ.
 
Tổng thống Obama quyết định biện pháp này bất chấp sự chỉ trích của phe Cộng hòa cho rằng việc cho phép những người nhập cư bất hợp pháp không chỉ được ở lại làm việc mà còn có cơ hội trở thành công dân Mỹ giống như một “cuộc đại ân xá” cho khoảng 12 triệu người nhập cư không đủ giấy tờ đang có mặt trên lãnh thổ Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định quyết định của ông không chỉ hợp hiến mà là việc làm mà nhiều tổng thống Mỹ trong nữa thế kỷ qua, cả Cộng hòa và Dân chủ, đều đã từng làm. Tổng thống Obama cũng một lần nữa hối thúc Quốc hội sớm thông qua một dự luật cải cách toàn diện hệ thống nhập cư, nhập tịch của Mỹ.
 
Phe Cộng hòa ngay lập tức lên tiếng chỉ trích bước đi này, cho rằng Tổng thống Obama đã vượt qua quyền hiến định. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner cho rằng “thay vì hợp tác với Quốc hội để sửa đổi luật nhập cư đã lỗi thời, Tổng thống Obama lại chọn việc tự hành động và đây không phải là lối làm việc dân chủ. Hơn nữa, Tổng thống Obama từng nói rằng ông không phải là vua mà cũng không phải là một hoàng đế”. 
 
Phát biểu với báo giới trước khi ông Obama công bộ các biện pháp cải tổ trên đây, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, người sẽ nắm quyền lãnh đạo Thượng viện từ tháng 1-2015, tuyên bố “nếu Tổng thống tự hành động, tự áp đặt ý nguyện của mình, qua mặt Quốc hội thì Quốc hội cũng sẽ hành động. Chúng tôi đang cân nhắc một loạt phương án”. Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Ted Cruz đăng bài trên tờ Politico ngày 19-11 nói rằng nếu Tổng thống Obama cứ hành động đơn phương, Thượng viện sắp tới do phe Cộng hòa kiểm soát “sẽ trả đũa bằng việc trước mắt không phê chuẩn bất cứ sự đề cử nội các nào”.
 
Quyết định ngày 20-11 của Tổng thống Obama được đưa ra khi một cuộc thăm dò chung của báo Wall Street Journal và kênh truyền hình NBC cho biết có 48% những người Mỹ được hỏi ý kiến không tán thành việc giải quyết vấn đề nhập cư bằng các sắc lệnh hành chính. Tuy nhiên, các Tổng thống Mỹ gần đây như George W. Bush và Tổng thống Ronald Reagan cũng đã từng sử dụng quyền hành pháp để thay đổi luật nhập cư. Song, vấn đề người nhập cư bất hợp pháp chưa bao giờ gây nhiều tranh cãi như dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama. 
Tổng thống Obama phát biểu về chính sách nhập cư tại Las Vega, bang Nevada (Ảnh Reuters)
Tổng thống Obama phát biểu về chính sách nhập cư tại Las Vega, bang Nevada (Ảnh Reuters)
Cách đây hai năm, Tổng thống Obama đã kêu gọi cải tổ luật nhập cư, tuy nhiên, mọi nỗ lực của Nhà Trắng cho tới nay đều bị các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội ngăn chặn. Năm 2013, Thượng viện khóa 113 của Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật cải tổ luật nhập cư, nhưng Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số không chịu đưa dự luật ra biểu quyết.
 
Giới quan sát cho rằng đây là "cách thức" ông Obama “mua” lá phiếu của cho ứng cử viên Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.
 
Chính sách nhập cư này được Tổng thống Obama theo đuổi từ năm 2008, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Trong một bài phát biểu trước đây, Tổng thống Obama đã từng nói: “Mỹ là đất nước dành cho người nhập cư, đặc biệt những người trẻ tuổi biết cống hiến cho học vấn, sự nghiệp của họ nói riêng và cho nước Mỹ nói chung chính là đối tượng mà đất nước cần đến”. Vì vậy, "không nên trục xuất những người trẻ tuổi tài năng khỏi đất nước". Chính sách nhập cư này được coi là mang đậm bản sắc Obama, là mục tiêu của đảng Dân chủ đưa ra trong chiến dịch tranh cử của mình từ năm 2008. Thực tế là chính nhờ cương lĩnh tranh cử này, cùng sự ủng hộ của người Mỹ gốc Phi cũng như đông đảo người nhập cư trên đất Mỹ đã mang lại thắng lợi cho ông Obama cũng như đảng Dân chủ trong 2 cuộc bầu cử Tổng thống 2008 và 2012.
 
Trên cương vị Tổng thống chỉ còn hai năm nữa, trước những khó khăn khi đảng Dân chủ thất thế nhưng thì việc kiên quyết thực hiện chính sách “cứu” người nhập cư được nhận định là sự lựa chọn quyết đoán và khôn khéo của ông Obama. Điều này không chỉ mang lại dấu ấn cho cá nhân ông mà còn có khả năng tác động đến tỷ lệ phiếu bầu cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016.
 
  H.T  (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.