Tổng thống Nga Putin tiết lộ về khả năng tranh cử vào năm 2018
17:00, 24/11/2014
Ngày 23-11, Hãng thông tấn TASS công bố cuộc phỏng vấn với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong khuôn khổ dự án truyền thông với tên gọi “Những nhân vật hàng đầu”.
Tổng thống Nga cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chỉ có Hiến pháp mới hạn chế nhiệm kỳ làm việc của ông. Trước câu hỏi thẳng thắn của phóng viên rằng, ghế tổng thống đối với ông có là mãi mãi hay không? Ông Putin trả lời: “Không. Điều này đối với đất nước là không đúngvà tôi cũng không cần. Nhiệm kỳ (tổng thống) được quy định bởi Hiến pháp Nga. Tôi cho rằng, tuân thủ những yêu cầu của Luật nền tảng này là quan trọng. Trong bất kỳ trường hợp nào, nhiệm kỳ làm việc của tôi chỉ bị hạn chế bởi Hiến pháp”.
Tổng thống Nga Putin chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh tại Moscow, ngày 20-11-2014 (Ảnh Ria) |
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn TASS, Tổng thống Nga Putin đã cáo buộc phương Tây làm cho quan hệ giữa hai bên xấu đi kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Ông Putin tuyên bố, Nga sẽ không cho phép mình bị quốc tế cô lập với “Bức màn sắt” mà phương Tây đặt ra. Tổng thống Nga Putin cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Nga, cộng với việc giá dầu giảm, đồng Rúp trượt giá sẽ không thể gây ra “hậu quả lớn” đối với kinh tế Nga.
Trước đó, vào ngày 22-11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên án các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga. "Đằng sau các biện pháp trừng phạt kinh tế, rõ ràng Mỹ các nước phương Tây đang nỗ lực nhằm thay đổi chế độ chính quyền nước Nga", Ngoại trưởng Nga Lavrov phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng chính sách ở Moscow.
Lời phát biểu của Ngoại trưởng Nga cho thấy mối quan hệ xuống mức thấp nhất giữa Nga - Mỹ và phương Tây trong mối liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Phương Tây tiếp tục cáo buộc Nga gửi quân và vũ khí cung cấp cho lực lượng đối lập ở miền đông Ukraine chống lại quân chính phủ nước này. Moscow đã từng gửi nhiều đoàn xe cứu trợ vào khu vực miền đông Ukraine, nhưng khẳng định nhiều lần rằng nước này không hề can thiệp quân sự vào khu vực. Nhằm gây áp lực cho Nga về tình hình Ukraine, Mỹ và châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm mục tiêu các công dân Nga, các quan chức và các ngành công nghiệp.
CNN dẫn lời chuyên gia Nga Ben Judah phân tích rằng, lời phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy "một mức thấp mới trong quan hệ" giữa Nga- Mỹ và phương Tây. Chuyên gia này viết rằng: "Kể từ năm 1984, không một ngoại trưởng Nga nào mô tả mối quan hệ giữa nước này với phương Tây và cáo buộc kế hoạch của họ là nhằm "thay đổi chế độ" như vậy". Lời phát biểu của ông Lavrov được đưa ra tiếp sau ý kiến của ông Putin trước đó rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang nỗ lực "khuất phục" nước Nga.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở mức tồi tệ nhất của họ kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 4.300 người thiệt mạng kể từ khi bạo lực nổ ra ở miền đông hồi giữa tháng 4-2014. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây làm thiệt hại nền kinh tế Nga và khiến đồng Rúp đã mất giá khoảng 30% trong năm nay. Thiệt hại kinh tế đang trở nên nghiêm trọng bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu, một trong hàng xuất khẩu chính của Nga. Tổng thống Nga khẳng định, nếu giá dầu tiếp tục bị hạ xuống vì mục đích chính trị thì “gậy ông đập lưng ông”, những nước xuất khẩu dầu lớn như Mỹ, Saudi Arabia cũng sẽ bị thiệt hại do giá dầu thấp.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc