Multimedia Đọc Báo in

Liên minh 60 nước chống IS họp cấp cao lần đầu tiên

23:05, 04/12/2014
Ngày 3-12, lần đầu tiên liên minh 60 quốc gia do Mỹ đứng đầu đã tổ chức cuộc họp cấp cao tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở thủ đô Brussels (Bỉ) để bàn cách tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì cuộc họp này. 
 
Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng John Kerry, Thủ tướng Iraq Haider Al-Abadi cùng ngoại trưởng các nước châu Âu, Arab và một số quốc gia khác tập trung thảo luận chiến lược quân sự nhằm chống IS một cách hiệu quả; ngăn chặn IS tuyển mộ chiến binh nước ngoài… Ngoài ra, các ngoại trưởng cũng tìm kiếm cách thức chặn nguồn thu mà IS có được từ hoạt động bán dầu mỏ, tống tiền, cướp bóc, buôn người và bán các tác phẩm cổ ở Syria. 
 
Cuộc họp khẳng định đã chặn đứng bước tiến của IS tại Iraq và Syria. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp nêu rõ: “Chiến dịch toàn cầu nhằm tiêu diệt IS đã có kết quả, bước tiến của lực lượng IS trên toàn Iraq và Syria cuối cùng đã bị chặn đứng. Các lực lượng của Iraq và người Kurd được sự hỗ trợ của chiến dịch không kích đang giành lại lãnh thổ từ tay nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan”.
 
Tại cuộc họp, các thành viên liên minh đã bàn thảo chiến lược quân sự chống IS một cách hiệu quả và nhất trí thực thi một chiến dịch đa phương diện để tiêu diệt IS, trong đó bao gồm cả việc ngăn chặn các tay súng nước ngoài tham gia lực lượng thánh chiến, cũng như cắt đứt nguồn viện trợ tài chính và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn, xóa xổ cái tên ‘Nhà nước Hồi giáo”. Ước tính, hiện Nhà nước Hồi giáo có khoảng 30.000 tay súng hoạt động tại Iraq và Syria. Tổ chức Hồi giáo cực đoan này nổi lên thành mối đe dọa an ninh nguy hiểm với toàn thế giới, khi thu hút và chiêu mộ được binh sĩ từ nhiều nước phương Tây và cả các nước châu Á.
 
Phát biểu trong cuộc họp báo ở Brussels, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry một lần nữa thừa nhận cuộc chiến chống IS là khó khăn và sẽ mất nhiều năm. “Chúng ta đã đạt được bước tiến đáng kể trong 2 tháng rưỡi vừa qua, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng sẽ còn nhiều việc phải làm để tiêu diệt IS. Nhà nước Hồi giáo vẫn đang thực hiện những tội ác khủng khiếp, nhưng chúng ta nhất trí rằng sau 2 tháng rưỡi các hành động tội ác trước đây đã bị ngăn chặn. IS đã bị buộc phải thay đổi chiến thuật và điều này đã làm giảm đáng kể khả năng hoạt động của nhóm khủng bố so với trước đây”, ông Kerry nói. 
Ngoại trưởng John Kerry tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng John Kerry tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị Ngoại trưởng NATO. Ảnh: Reuters

Các nước thành viên trong liên minh đặc biệt lo ngại về việc hàng nghìn chiến binh nước ngoài đầu quân cho IS sẽ tiến hành các cuộc tấn công ở phương Tây. Hiện Washington đang cùng các nước châu Âu, Arab bàn cách kiểm soát chặt biên giới và thiết lập danh sách những đối tượng bị cấm đi lại ở châu Âu.

Liên minh chống khủng bố đồng thời thảo luận về hoạt động viện trợ nhân đạo cho những người Iraq và Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến chống IS. Để ngăn IS tuyển mộ quân, các nước trong liên minh sẽ tìm cách vô hiệu hóa việc lực lượng này sử dụng hệ thống trang mạng xã hội lôi kéo các chiến binh và người ủng hộ. Giải pháp cụ thể cho vấn đề này sẽ được các bên thảo luận chi tiết trong cuộc họp ở Morocco ngày 15-12 tới.
 
Mỹ đã mở các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq từ tháng 8 và sau đó một tháng đã mở rộng phạm vi tấn công sang Syria. Liên minh chống khủng bố cho biết đã thực hiện khoảng 1.000 cuộc không kích tại Iraq và Syria, phá hủy mạnh mẽ các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo trong hơn 2 tháng qua.
 
Tuy nhiên, theo Tổng thống Syria Bashar al-Assad, các cuộc không kích của liên minh quốc tế nhằm vào phiến quân Nhà nước Hồi giáo không có tác dụng. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi từng thẳng thừng tuyên bố, Mỹ không đóng vai trò gì trong thắng lợi của Iraq trước IS. Phát biểu tại Paris (Pháp) hôm 3-12, ông al-Abadi cũng nhấn mạnh những chiến thắng của quân đội Iraq trước lực lượng Hồi giáo cực đoan. “Quân đội Iraq đang tiến về phía Bắc. Chúng tôi đã mở tuyến đường lớn từ Baghdad tới Nineveh và có được những bước tiến tại al-bar…Chúng tôi đã giải phóng được hầu kết các khu vực tại tỉnh Salahuddin. Chúng tôi sẽ tiến tới giải phóng các phần lãnh thổ bị IS chiếm đóng”, ông al-Abadi nói.
 
Thực tế là IS đang bị đánh bật khỏi nhiều khu vực tại Iraq và Syria. Nhưng để xóa sổ cái tên “Nhà nước Hồi giáo” phải cần đến nỗ lực và sự phối hợp thống nhất giữa các nước trong cuộc chiến với mối đe dọa an ninh toàn cầu nguy hiểm nhất hiện nay.
 
H.T ( tổng hợp
 

Ý kiến bạn đọc