Biểu tình bạo động tại nhiều nước phản đối Charlie Hebdo
10:19, 18/01/2015
Hàng nghìn người Hồi giáo trên khắp thế giới ngày 16-1 đã xuống đường biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo của Pháp mới đây đăng tranh biếm họa mới về Nhà tiên tri Mohammed.
Bộ Nội vụ Niger cho biết ngày 16-1 đã có 4 người thiệt mạng và 45 người bị thương tại Zinder, thành phố lớn thứ 2 của Niger trong làn sóng biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo. Theo Bộ trưởng Nội vụ Massaoudou Hassoumi, 1 cảnh sát và 3 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Ngoài ra,1 trung tâm văn hóa Pháp và 3 nhà thờ cũng bị thiêu rụi.
Biểu tình phản đối tranh biếm họa của tạp chí Charlie Hebdo tại Lahore, Pakistan. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tại Dakar (Senegal), cảnh sát đã phải bắn đạn hơi cay để giải tán đám đông khoảng 1.000 người biểu tình. Còn tại thủ đô Nouakchott của Mauritani, những người biểu tình đã đốt cờ Pháp sau khi lực lượng an ninh ngăn không cho họ tiến đến Đại sứ quán Pháp. Tổng thống Mauritani Mohamed Ould Abdel Aziz cho rằng việc đăng hình biếm họa Nhà tiên tri Mohammed là hành động "tấn công đạo Hồi cũng như toàn bộ tôn giáo trên thế giới."
Trong khi đó, giới chức Qatar và Bahrain cũng lên tiếng cảnh báo việc tạp chí Charlie Hebdo đăng hình biếm họa mới về Nhà tiên tri Mohammed có thể thổi bùng sự giận dữ trong thế giới Hồi giáo. Cùng ngày, hàng nghìn người đã đổ xuống các đường phố của thủ đô Bamako của Mali và Amman của Jordan.
Tại Algieria, hàng nghìn người dân thủ đô Algiers đã xuống đường biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo của Pháp đăng tranh biếm họa có nội dung báng bổ Nhà tiên tri Mohamed. Những người biểu tình mang theo biểu ngữ: "Tất cả chúng tôi là Mohamed," "Chúng tôi hy sinh cuộc sống vì Mohamed"... Cảnh sát đã phong tỏa đoàn biểu tình ở Đại lộ Amirouche, chặn những người biểu tình muốn kéo tới khu vực trụ sở Quốc hội. Tuy nhiên, hàng trăm người đã tìm cách vượt qua cảnh sát để kéo tới khu vực Hạ viện (APN) và biểu tình hòa bình trong khoảng thời gian nửa giờ. Nhiều thanh niên biểu tình đã ném đá vào cảnh sát. Hàng chục người bị bắt giữ và đám đông đã bị giải tán.
Tại thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem, hàng trăm người Palestine đã biểu tình trong im lặng. Trong khi đó, hàng nghìn người cũng đã xuống đường biểu tình tại một số khu vực đang bị lực lượng chống chính phủ kiểm soát ở Syria, kêu gọi thể hiện sự tôn trọng đối với đạo Hồi. Giới chức Syria cũng đã lên án việc tạp chí Charlie Hebdo đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed, coi đây là hành động "khủng bố", song biểu tình không diễn ra tại những khu vực do chính phủ kiểm soát.
Cũng trong ngày 16-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên tiếng cho rằng việc tạp chí Charlie Hebdo đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed là "một hành động khiêu khích". Theo ông, "việc xuất bản các ấn phẩm chống lại Thiên chúa giáo và Hồi giáo không thể được gọi là sự tự do", do đó, việc đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed bị coi là "hành động khủng bố vi phạm sự tự do của người khác".
Tuy nhiên, Mỹ đã lên tiếng phản đối các cuộc biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo đăng tranh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed tại một số quốc gia Hồi giáo, trong đó một số vụ biểu tình đã biến thành bạo lực.
Trong một diễn biến khác, ngày 17-1, Tổng thống Pháp Francois Hollande tiếp tục bảo vệ quyền tự do ngôn luận, trong phản ứng đầu tiên sau làn sóng biểu tình xảy ra tại nhiều nước phản đối tạp chí Charlie Hebdo tại Paris. Tổng thống Hollande khẳng định, nước Pháp có những nguyên tắc, giá trị, đáng chú ý đó là quyền tự do ngôn luận.
Biểu tình phản đối tạp chí Charlie Hebdo biến thành bạo lực |
Trong khi đó, chính phủ các nước châu Âu cũng tăng cường nỗ lực đối phó với những mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan.
Chỉ trong ngày 16-1, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 15 người. Vụ bắt giữ diễn ra sau khi cảnh sát tấn công một căn hộ, tiêu diệt 2 tay súng tình nghi đang chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công. Bỉ hiện vẫn được đặt trong tình trạng báo động cao, với lực lượng quân đội cũng được huy động để tăng cường an ninh. Tuy nhiên, Chính phủ Bỉ vẫn khẳng định, chưa có một mối đe dọa cụ thể nào nhằm vào nước này. Cảnh sát Pháp ngày 16-1 cũng bắt giữ 12 người bị tình nghi hỗ trợ cho các tay súng trong một vụ tấn công tại Paris cách đây 1 tuần.
Tại Đức, cảnh sát đã tấn công 11 địa điểm tại Berlin, bắt giữ 2 người tình nghi có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Quy mô của các cuộc truy quét cho thấy mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tại châu Âu - nơi có nhiều người trở về từ cuộc chiến tại Iraq và Syria.
H.T
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc