Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu bàn kế sách chống khủng bố

08:26, 20/01/2015

Sau vụ khủng bố nhằm vào Tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp và một số âm mưu khủng bố bị triệt phá ở Bỉ, Đức, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-1 khẩn cấp họp tại Brussels, Bỉ  để bàn cách hợp tác ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đang ngày càng biến tướng khó lường .

Trước thềm cuộc họp, Giám đốc Cơ quan cảnh sát châu Âu Rob Wainwright nhận định, an ninh ở châu Âu hiện nay là phức tạp nhất kể từ sau vụ khủng bố nước Mỹ 11-9-2001. Ông Wainwright cho biết cảnh sát đã phát hiện nhiều đối tượng độc lập và bán độc lập tự giác ngộ thành những phần tử cấp tiến qua Internet hoặc thời gian tham chiến ở Iraq và Syria. Điều này khiến an ninh ở châu Âu giờ đây nguy hiểm hơn sau cuộc tấn công kinh hoàng ở Mỹ, thời điểm châu Âu duy trì được cơ cấu chỉ huy và kiểm soát đồng bộ.

Trả lời hãng tin CBS, Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận đây là thời kỳ cực kỳ nguy hiểm khi châu Âu đối mặt với nguy cơ cao bị tấn công, đồng thời nhấn mạnh việc đối phó với các phần tử cực đoan là công việc lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và cần sự tham gia của cả quân đội. Theo nhà lãnh đạo này, châu Âu cần thể hiện rõ những giá trị cần được bảo vệ và coi trọng. Phát biểu trên kênh truyền hình CNN của Mỹ, Thượng nghị sĩ nước này Richard Burr cho rằng các vụ tấn công ở Paris chứng tỏ thế giới cần đánh giá lại khả năng kiểm soát những mối đe dọa có thể xảy ra.

Binh sĩ Pháp tuần tra tại thủ đô Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Pháp tuần tra tại thủ đô Paris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc tấn công bạo lực ở Paris làm 17 người thiệt mạng không chỉ khiến người dân thành phố này và cả thế giới bàng hoàng mà còn làm dấy lên những câu hỏi bằng cách nào thủ phạm có thể lọt qua mạng lưới an ninh? Giới chức tình báo cho rằng châu Âu đang đối mặt với 2 “nguồn” khủng bố: một là những phần tử sau khi tham chiến ở Trung Đông trở về châu Âu để lên kế hoạch tấn công. Hai là, các ổ nhóm cực đoan nội địa đang ẩn mình “chờ thời”. Được biết, hai thủ phạm vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo ở Paris có liên hệ với các nhóm thánh chiến ở Yemen và Syria. Một trong hai thủ phạm vụ này và tay súng sát hại bốn con tin tại một siêu thị từng ngồi tù.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu như Bỉ, Anh, Đức, Pháp nâng cấp độ cảnh báo an ninh. Từ sau vụ Charlie Hebdo, lực lượng an ninh châu Âu đã bắt giữ ít nhất 28 người trên khắp châu lục này. Cảnh sát Đức hôm nay ra lệnh cấm các cuộc biểu tình do một phong trào bài đạo Hồi tổ chức và các cuộc tuần hành ngoài trời ở Dresden vì cho rằng, có âm mưu khủng bố nhằm vào đoàn người biểu tình.

Nước Anh đang tăng cường tuần tra ở khu vực cộng đồng Do Thái do lo sợ bùng phát các cuộc tấn công vì hận thù sắc tộc, tôn giáo. Báo “Người quan sát” của Anh cho biết, một nhóm 30 phụ nữ Anh đặt căn cứ ở miền bắc Syria đang sử dụng các trang mạng xã hội để tuyển mộ chiến binh cực đoan tiến hành các vụ tấn công trên đất Anh. Trong khi đó, Bỉ triển khai 300 binh sĩ trên đường phố và các địa điểm trọng yếu như đại sứ quán, khu người Do Thái, bởi kẻ cầm đầu một ổ nhóm lên kế hoạch tấn công cảnh sát vẫn chưa bị sa lưới.

Sau cơn ác mộng ở Pháp, giới chức Pháp và châu Âu đặt câu hỏi: châu Âu đang có những lỗ hổng an ninh nào? Liệu châu Âu đã có đủ nguồn lực tình báo và quân sự để ngăn chặn cực đoan? Một số ý kiến kêu gọi tăng cường kiểm soát biên giới và kiểm soát chặt vấn đề nhập cư. Lãnh đạo Đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen đi xa hơn khi kêu gọi tước quốc tịch của những phần tử thánh chiến.

Chủ nghĩa khủng bố không có biên giới, do vậy cần sự hợp tác chặt chẽ trong nội bộ các nước EU cũng như hợp tác với các đối tác ở Trung Đông. Vì thế, các ngoại trưởng châu Âu cũng có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên đoàn Arab trong ngày 19-1.

Châu Âu thắt chặt an ninh sau vụ khủng bố ở Pháp (ảnh: BBC)
Châu Âu thắt chặt an ninh sau vụ khủng bố ở Pháp (ảnh: BBC)

Thủ tướng Bỉ Charles Michel thì đề xuất tăng cường các biện pháp an ninh đặc biệt: “Chúng tôi kêu gọi các nước châu Âu bổ sung các biện pháp an ninh. Ví dụ, châu Âu cần thống nhất lên danh sách những phần tử trở về nước từ các cuộc thánh chiến để tạo điều kiện chia sẻ thông tin. Chúng tôi cũng đang kêu gọi Nghị viện châu Âu sớm bỏ phiếu về dự luật thiết lập hệ thống theo dõi những hành vi bất thường đối với hành khách trên bầu trời châu Âu. Chúng ta cần có một hội nghị thượng đỉnh chính thức, chứ không phải hội nghị bất thường bởi chỉ có hội nghị chính thức mới cho phép chúng ta đưa ra các quyết định và kế sách”.

Cuộc họp các ngoại trưởng châu Âu ngày 19-1 được cho sẽ tạo tiền đề cho những quyết định quan trọng có thể được đưa ra tại Hội nghị tiếp theo của châu Âu vào ngày 22-1 tới. Hội nghị tiếp theo sẽ có sự tham gia của hơn 20 nước trong đó có Mỹ, các nước Arab, tập trung bàn về việc đánh bại tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo, tổ chức được cho là đang truyền cảm hứng cho các phần tử cực đoan ở châu Âu.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những đề xuất siết chặt an ninh, chính phủ các nước châu Âu cần tìm cách xóa bỏ những mâu thuẫn giữa các cộng đồng sắc tộc tôn giáo, bởi đây có thể là căn nguyên nảy sinh tư tưởng cực đoan đang hình thành ở chính những công dân sinh trưởng ở châu Âu.

H.T (tổng hợp)



 


Ý kiến bạn đọc