Multimedia Đọc Báo in

Hy Lạp trông đợi vào tân Thủ tướng trẻ tuổi

11:06, 28/01/2015
Ông Alexis Tsipras trở thành vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua và là Thủ tướng đầu tiên ở Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức đi ngược lại với truyền thống
 
Theo kết quả kiểm phiếu ngày 26-1 sau cuộc bầu cử Hy Lạp, Đảng cánh tả Syriza đã giành 36,37 % số phiếu, vượt xa số phiếu bầu của đảng Dân chủ kiểu mới theo đường lối bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras với 28%. Với tỷ lệ này, Đảng Syriza đã giành được 149 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội.
 
Tuy nhiên, vì không giành được đa số 151 ghế cần thiết trong Quốc hội, Đảng Syriza phải “bắt tay” liên kết với đảng Hy Lạp Độc lập (ANEL) để thành lập được chính phủ liên minh theo đường lối dân tộc chủ nghĩa. 
Lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras tại Athens sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras tại Athens sau khi kết quả tổng tuyển cử được công bố. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cùng ngày, ông Alexis Tsipras (40 tuổi), thủ lĩnh Đảng Syriza đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp. Như vậy, lãnh đạo Đảng Syriza cánh tả này đã chính thức trở thành vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua tại xứ sở thần thoại. Phát biểu tại lễ nhậm chức ở thủ đô Athen trước sự chứng kiến của Tổng thống Karolos Papoulias, ông Tsipras cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp. 
 
Tuổi trẻ tài cao, Alexis Tsipras đã khiến nhiều người ngưỡng mộ trước chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hy Lạp lần này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người đặt câu hỏi rằng Alexis Tsipras thực sự là ai? Người dân Hy Lạp có thể trông chờ điều gì vào tân Thủ tướng của mình?
 
Vị Thủ tướng có nhiều điểm khác biệt
 
Thích đi xe gắn máy hơn là xe hơi limousine, không thích đeo cà vạt, sống trong một căn hộ chung cư của khu vực đông dân cư nhất của Hy Lạp, Tân Thủ tướng Alexis Tsipras có lẽ là một chính trị gia có nhiều điểm khác biệt so với những người khác thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước này. Ông Alexis Tsipras cũng là Thủ tướng đầu tiên ở Hy Lạp tuyên thệ nhậm chức đi ngược lại với truyền thống. Buổi tuyên thệ của ông Tsipras không có một quyển sách Kinh Thánh nào, không có cành nguyệt quế và nước, cũng như không nhận lời chúc phúc từ các Tổng giám mục.
 
The Guardian nhận định, có lẽ chính những điều khác biệt này đã khiến cho ông Tsipras có nét hấp dẫn riêng. Tân thủ tướng Hy Lạp cũng đã từng đùa rằng: “Tôi sẽ không đeo cà vạt chỉ để gặp Giáo hoàng… Chắc tôi sẽ đeo nếu chúng ta có thể giảm được nợ”.
 
Theo báo chí phương Tây, người con trai út trong gia đình Tân Thủ tướng Tsipras được đặt tên là “Ernesto” (tên khai sinh của nhà cách mạng Che Guevara). Việc đặt tên cho cậu con trai út như vậy chính là sự vinh danh của ông Tsipras dành cho nhà cách mạng người Argentina: Che Guevara.
 
Có lẽ vì sự yêu mến Che Guevara, mà trong bản thân ông Tsipras cũng có chút hơi hướng của nhà cách mạng vĩ đại này. Ở tuổi 34, ông Tsipras đảm nhận chức vụ lãnh đạo của Đảng Syriza vào năm 2008. Đây cũng chính là lúc cuộc khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Cũng năm đó, vụ việc cảnh sát Hy Lạp đã bắn chết một thiếu niên ở nước này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình khắp đất nước. Ông Tsipras đã lên tiếng ủng hộ những người nổi dậy. 
Ông Tsipras ký vào sổ trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Athen
Ông Tsipras ký vào sổ trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở Athen
Tuy nhiên, sự lên tiếng này lại gây ra phản ứng ngược. Cuộc bầu cử Hy Lạp tiếp theo, Đảng Syriza chỉ nhận được 4,6% số phiếu bầu- một con số quá thấp,Telegraph cho biết. Khi cuộc khủng hoảng kinh tế nhấn chìm Hy Lạp vào năm 2010, đất nước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất, các cử tri bắt đầu nghiêng về phía Đảng Syriza, và lắng nghe Tsipras nhiều hơn.
 
Ông Tsipras đã cáo buộc chính phủ Hy Lạp lúc bấy giờ cố tình “phủ nhận thực tế”, tuân theo một chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ khiến hơn 1 triệu người thất nghiệp (trong một đất nước chỉ có 11 triệu dân). Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ dưới 25 tuổi là 50%. Telegraph cho biết thêm, những người phản đối Tsipras, những người thuộc chính phủ liên minh bảo thủ, lúc bấy giờ đã lập luận rằng một chính phủ do Đảng Syriza dẫn đầu sẽ phá vỡ nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp, đồng thời có nguy cơ mất đi nguồn tiền trợ cấp của nước này (Để nhận được gói cứu trợ trị giá 320 tỷ euro, cứu nền kinh tế khỏi vỡ nợ, các chủ nợ quốc tế đã cam kết cho Hy Lạp vay với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt).
 
Nhưng Tsipras lại chỉ ra rằng những người bảo thủ cũng sẽ không thể thực hiện được lời hứa bảo vệ thu nhập của người dân Hy Lạp sau khi áp đặt một loạt các loại thuế trong mấy năm qua. “Ông ấy (tức Tsipras) rất giỏi làm chrệch hướng những lời chỉ trích đối với mình và thường sử dụng lời chỉ trích để tạo nên lợi thế. Chiến dịch tranh cử của ông ấy được lên kế hoạch khéo léo và rất am hiểu về truyền thông”, tiến sĩ Eleni Panagiotarea, một nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện chính sách Eliamep của Hy Lạp nói.
 
Có lẽ người dân Hy Lạp cũng đã bắt đầu chán ghét chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính quyền, nên sự ủng hộ dành cho Đảng Syriza ngày càng cao. Cuộc bầu cử năm 2015, Đảng Syriza giành chiến thắng với hơn 36% số phiếu bầu.
 
Ông Alexis Tsipras nhậm chức khi Hy Lạp vẫn còn có quá nhiều khó khăn. Các chính sách cắt giảm chi tiêu công, giảm bớt lao động khiến tỷ lệ thất nghiệp ở nước này lên tới mức cao kỷ lục 24,8%. Và hơn ai hết, người dân Hy Lạp đều hy vọng rằng cuộc bầu cử sẽ chọn được Đảng cầm quyền xứng đáng giúp cải thiện tình hình đang rất khó khăn hiện nay. Hiện quốc gia này vẫn đang phải gánh khoản nợ công lên tới 175% GDP cùng với nhiều hệ lụy do cuộc suy thoái kinh tế trong 5 năm qua. Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn “sống” nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB và EU). Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" rất nghiêm ngặt. 
 
Với chủ trương rõ ràng phản đối chính sách kinh tế hà khắc dài suốt 5 qua tại Hy Lạp, ông Tsipras tuyên bố rằng, trong vài ngày nữa “các kế hoạch khắc khổ sẽ thuộc về quá khứ, một tương lai tốt đẹp có thể bắt đầu từ đây". Đảng Syriza cũng cam kết sẽ  ngừng cắt giảm lương và chi tiêu công, đồng thời yêu cầu đàm phán lại với các nhà cứu trợ quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về những điều kiện của gói cứu trợ tài chính trị giá hàng trăm tỷ Euro. Người chịu trách nhiệm về chính sách kinh tế của Syriza cho biết, trong trường hợp đảng này lên nắm quyền, các chương trình hợp tác với Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), còn gọi là Eurogroup, sẽ phải chấm dứt.
 
Một trong những điều khoản ông Tsipras yêu cầu đàm phán lại với các chủ nợ đó là giảm 50% khoản nợ trị giá 318 tỷ EUR của Hy Lạp. Báo Welt am Sonntag của Đức đã ví von về việc đàm phán này như sau: “Hai chiếc xe thể thao lao vào nhau. Chiếc xe đầu tiên do ông Tsipras lái. Ông đòi hỏi xóa khoản nợ công đáng kể và từ bỏ đường lối kinh tế cứng rắn để cứu người Hy Lạp khỏi thảm họa nhân đạo. Nhấn ga trong chiếc xe đua thứ hai là 3 chủ nợ quốc tế. Họ chống lại việc giảm nợ và nhấn mạnh vào việc tiếp tục thi hành cải cách. Nếu không ai chịu nhường đường sẽ có tai nạn xảy ra. Hy Lạp ra khỏi EU, với những hậu quả khó lường cho các liên minh tiền tệ”.
 
Quốc tế phản ứng trước kết quả tổng tuyển cử tại Hy Lạp
 
Trước việc đảng cảnh tả theo đường lối cấp tiến Syriza giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hy Lạp cuối tuần qua có thể tác động đến tiến trình thực thi chính sách khắc khổ ở châu Âu, chính giới châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên.
 
Ngày 26-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hy vọng chính phủ mới của Hy Lạp sẽ thực hiện những cam kết với các chủ nợ quốc tế. Phát biểu với báo giới, phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel nêu rõ theo quan điểm của Berlin rằng điều quan trọng là chính phủ mới tại Athens phải thực hiện các biện pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế. Điều này có nghĩa Hy Lạp cần bám sát vào những cam kết trước đây. Berlin cũng tuyên bố Đức mong muốn được hợp tác cùng chính phủ mới của Hy Lạp trong khi sẽ xem xét thận trọng những chính sách, kế hoạch cũng như quá trình thực hiện các cam kết của Athen trong tương lai.
 
Cùng trong Liên minh châu Âu, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb khẳng định nước ông sẽ phản đối đề xuất xóa một phần nợ cho Hy Lạp, song nhấn mạnh Helsinki sẵn sàng thảo luận các điều khoản và gia hạn nợ cho Athens.
 
Trong một tuyên bố, Chính phủ Cyprus nêu rõ sẽ theo dõi sát những diễn biến tại Hy Lạp sau khi chính phủ mới lên nắm quyền, đồng thời mong chờ chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras để thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.
 
Trong khi đó, lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã gửi điện chúc mừng chiến thắng của đảng Syriza. Bày tỏ mong muốn tăng cường song phương với chính phủ mới của Hy Lạp, Trung Quốc đã gửi lời chúc mừng tới đảng cánh tả Syriza. Mỹ chúc mừng người dân Hy Lạp đã thực hiện thành công cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn đồng thời hy vọng chính phủ hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới.
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron đã chúc mừng ông Tsipras và thắng lợi của đảng cánh tả Syriza, đồng thời cam kết hỗ trợ Hy Lạp trong thời gian tới. Bộ trưởng các vấn đề EU của Italia Sandro Gozi cũng cho biết nước này đã sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Hy Lạp… 
Người dân ủng hộ đảng cánh tả Syriza ăn mừng chiến thắng.
Người dân ủng hộ đảng cánh tả Syriza ăn mừng chiến thắng.
Ngoài khả năng Hy Lạp không chấp nhận yêu cầu trả nợ và ra khỏi EU, giới quan sát còn quan ngại về hiệu ứng domino từ chiến thắng của đảng cánh tả Syriza. Thắng lợi từ một đảng chống thắt lưng buộc bụng sẽ tiếp thêm tinh thần cho các đảng theo đường lối tương tự ở châu Âu như Podemos ở Tây Ban Nha. Sau thắng lợi của đảng cánh tả Syriza, thủ lĩnh đảng Podemos Pablo Iglesias đã có bài phát biểu với người ủng hộ tại TP Valencia, Tây Ban Nha rằng: “Hy vọng của chúng ta đã tới. Syriza, Podemos sẽ cùng chiến thắng”.
 
Trong một tuyên bố ra ngày 26-1, một ngày sau khi đảng cánh tả Syriza của Hy Lạp giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde nói rằng định chế này đã sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Athens và sẽ tiến hành thảo luận với Chính phủ mới của nước này. 
 
Trước đó, ngày 29-12-2014, IMF đã thông báo tạm ngừng các cuộc đàm phán với các nhà chức trách Hy Lạp liên quan đến việc giải ngân khoản cứu trợ tài chính cho tới khi nước này thành lập được Chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 25-1. Đợt đánh giá thứ sáu chương trình cho vay cứu trợ thời hạn 4 năm trị giá 35 tỷ USD - nằm trong khuôn khổ gói cho vay cứu trợ 240 tỷ euro của bộ ba chủ nợ dành cho Hy Lạp - là nhằm đảm bảo Chính phủ Hy Lạp đạt được các mục tiêu ngân sách và cải cách trước khi IMF tung ra đợt giải ngân mới. 
 
Sau khi đảng Syriza giành chiến thắng, các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách EU nói rằng họ sẵn sàng cho Athens thêm thời gian để trả nợ, nhưng hầu như không có hy vọng họ sẽ giảm nợ hay xóa một phần nợ cho Hy Lạp, bởi điều này trái với quy định của Eurozone và có thể tạo tiền lệ cho các nước khác như Bồ Đào Nha và Ireland đưa ra những yêu cầu tương tự. "Núi nợ" của Hy Lạp hiện ở mức trên 170% GDP, vượt ra ngoài mức mà hầu hết các nhà kinh tế cho là có thể kiểm soát được. 
 
Tại cuộc họp ngày 26-1 tại Brussels (Bỉ), bộ trưởng tài chính các nước Eurozone đã tiến hành thảo luận việc đối phó với vấn đề Hy Lạp khi nước này có chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh gói cho vay cứu trợ 240 tỷ euro đề cập trên sắp đáo hạn.
 
H.T ( tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc