11:41, 18/03/2015
Ngày 15-3, cuộc xung đột dai dẳng tại Syria, bùng phát từ làn sóng biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad hồi trung tuần tháng 3-2011, đã tròn 4 năm.
Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh ngày 15-3 công bố báo cáo cho biết ít nhất 215.518 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài 4 năm qua ở Syria, trên 66.000 trong số đó là dân thường, với 10.808 trẻ em và gần 7.000 phụ nữ.
Tuy nhiên, theo Giám đốc SOHR Rami Abdel Rahman, con số này là chưa đầy đủ bởi có hàng chục nghìn người, kể cả dân thường lẫn các tay súng, được xem là mất tích. Trong khi đó, Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết cuộc xung đột tại Syria đã dẫn tới thảm họa nhân đạo lớn nhất trong thời đại này.
Khoảng 4 triệu người đã phải rời Syria ra nước ngoài lánh nạn, trong đó hơn 1 triệu tới tị nạn ở nước láng giềng Liban. Chưa kể hơn 7 triệu người phải sơ tán bên trong lãnh thổ Syria. Hiện hơn 60% dân số Syria sống nghèo khổ. Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng và các chuyên gia đánh giá nền kinh tế Syria đã bị "thụt lùi" tới 30 năm.
Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) ngày 12-3 công bố báo cáo cho biết có khoảng 14 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do cuộc xung đột leo thang ở Syria và Iraq, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong khu vực này thời gian gần đây.
Báo cáo của UNICEF cho biết cuộc xung đột ở Syria đang "cướp đi cả một thế hệ trẻ" ở nước này. Hơn 5,6 triệu trẻ em Syria đang sống trong tình trạng tuyệt vọng tại các trại tị nạn ở các nước láng giềng như Liban, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và thiếu thốn trầm trọng các dịch vụ y tế, giáo dục và an ninh. Cuộc khủng hoảng này ngày càng ảnh hưởng tới Iraq, buộc hơn 2,8 triệu trẻ em phải rời bỏ gia đình, nhiều trẻ bị mắc kẹt trong khu vực kiểm soát của các nhóm vũ trang.
|
Cảnh đổ nát sau một cuộc không kích tại thành phố Aleppo. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nhận định cuộc xung đột ở Syria vẫn chưa tìm được bất kỳ giải pháp nào trong tương lai gần. Trong khi những người trẻ tuổi ở các nước khác đang đứng trước nhiều lựa chọn cho cuộc sống tương lai thì lớp trẻ Syria vẫn đang cố gắng để tồn tại. Quá nhiều trẻ em phải đối mặt với sự tàn ác dã man, bị ép phải làm việc khổ cực để nuôi sống gia đình, buộc phải kết hôn trong khi vẫn còn vị thành niên, hoặc bị tuyển dụng vào các nhóm vũ trang. Ông Philip Duamel, trưởng đại diện của UNICEF tại Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ trẻ em Syria. Ông đã cảnh báo nguy cơ Syria sẽ mất đi một thế hệ trẻ đầy tiềm năng, đồng thời kêu gọi quốc tế cần nỗ lực hành động để mang lại cuộc sống bình yên cho các em.
Trước đó, một báo cáo do Liên hiệp quốc phối hợp điều tra vừa công bố ngày 11-3 cho biết cuộc nội chiến tại Syria đã đẩy 80% dân số nước này vào cảnh nghèo khổ, khiến tuổi thọ người dân giảm 20 năm và gây thiệt hại kinh tế lớn - ước tính tới hơn 200 tỷ USD - kể từ khi cuộc xung đột xảy ra năm 2010.
Trong báo cáo, Trung tâm nghiên cứu chính trị của Syria đã vẽ lên một bức tranh ảm đạm về "sự suy giảm và phá hủy có hệ thống" của các tổ chức kinh tế của Syria, cho rằng tài nguyên quốc gia, cơ sở hạ tầng, thể chế và nhiều lực lượng lao động đang dần bị "xóa sổ”. Gần 3 triệu người Syria mất việc làm trong các cuộc xung đột, điều này có nghĩa là khoảng 12 triệu người mất nguồn thu nhập quan trọng. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt từ 14,9% trong năm 2011 lên 57,7% vào cuối năm 2014.
Báo cáo nêu rõ cuộc xung đột kéo dài bốn năm đi đôi với tình trạng suy thoái kinh tế của đất nước và sự tan rã của xã hội đã dẫn đến kết quả dân số giảm 15%, từ 20,87 triệu người trong năm 2010 xuống còn 17,65 triệu người vào cuối năm 2014. Syria hiện là nước có số người tỵ nạn lớn thứ hai trên thế giới sau Palestines với 3,33 triệu người chạy sang các nước khác. Thêm vào đó, 1,55 triệu Syria đã rời bỏ quê hương để tìm việc làm và cuộc sống an toàn ở nước khác trong khi 6,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa nhưng vẫn ở lại Syria.
Với sự hợp tác của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc và Cơ quan Liên hiệp quốc về người tị nạn Palestine, bản báo cáo cho biết do nền kinh tế Syria tiếp tục rơi vào suy thoái nên GDP ước tính mất khoảng 119,7 tỷ USD - khoảng 59% trong tổng số 202,6 tỷ USD vào cuối năm 2014. Bạo lực gia tăng, số người chết trong cuộc xung đột tăng mạnh lên đến 210.000 người. Nếu tính cùng với 840.000 người bị thương, con số thương vong trong các cuộc xung đột sẽ tương đương với 6% dân số Syria.
Báo cáo cũng cho biết thêm, ngoài những con số thiệt hại lớn có thể thống kê được kể trên còn có những thảm họa "âm thầm" đáng phải nói đến, đó là tuổi thọ trung bình của người Syria đã giảm khoảng 27%, từ 75,9 hồi năm 2010 xuống 55,7 vào cuối năm 2014. Ngoài ra, giáo dục cũng giảm sút trên toàn quốc với 50,8% trẻ em trong lứa tuổi đến trường không được đi học từ năm 2014-2015 và gần 50% trong số này không được đến trường trong ba năm qua
Bên cạnh đó, tình trạng xung đột và bất ổn tại Syria cũng tạo môi trường để tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gia tăng hoạt động.
Tròn 4 năm ngày nổ ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ dẫn đến nội chiến kéo dài tại Syria, nhiều người dân Syria cho biết điều họ hy vọng nhất lúc này là chiến tranh chấm dứt, hòa bình sẽ trở lại với Syria để những khổ đau mà người dân Syria phải gánh chịu trong suốt thời gian qua sẽ tan biến.Một trẻ em Syria nói: “Bất ổn đến nay đã tròn 4 năm. Năm 2014, cha của cháu đã qua đời. Cháu cầu Chúa hãy chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình cho Syria để mọi người được bình yên. Chúng cháu có thể sống trong hòa bình, không còn chết chóc nữa”. Một người dân khác bày tỏ: “Đây là vết thương của tôi. Đầu gối của tôi vẫn hoạt động song phần dưới chỉ là chân giả. Tôi đã trở thành người tàn phế”.
|
Tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau các cuộc không kích tại Douma, phía Đông thủ đô Damascus hôm 9-2-2015. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Cuộc xung đột tại Syria đến nay vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm bớt về mức độ tàn bạo, khốc liệt, mà trái lại còn trầm trọng hơn, tiếp tục gây ra những hậu quả khôn lường đối với người dân. Con số người chết trong các vụ xung đột đẫm máu vẫn chưa dừng lại. Phụ nữ, thanh niên và trẻ em thường xuyên phải đối mặt với bạo lực, bị tước đi các quyền cơ bản của con người, bị bắt cầm súng ngoài ý muốn, tương lai lại hết sức ảm đạm.
Trước tình hình trên, người đứng đầu của nhiều tổ chức, cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc như Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chương trình lương thực thế giới (WFP),.. đã ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại trước những hậu quả khôn lường cuộc xung đột đẫm máu tại Syria đang gây ra cho nhân dân nước này, cũng như toàn khu vực Trung Đông và nền hòa bình, an ninh thế giới.
Liên quan vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn ngày 15-3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận Mỹ cần đàm phán với Tổng thống Bashar al-Assad để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria. Theo Ngoại trưởng Mỹ, Washington đang dốc sức để thúc đẩy các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.
Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho biết Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ bởi điều này có thể mở đường cho sự trỗi dậy của các phần tử cực đoan Hồi giáo.
Các cuộc xuống đường biểu tình chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu ngày 15-3-2011, tương tự như những sự kiện diễn ra trong cái gọi là làn sóng "Mùa xuân Arab" ở Ai Cập và Tunisia. Kể từ đó, tình trạng bất ổn và bạo loạn đã đẩy đất nước này vào cuộc chiến triền miên giữa chính phủ và các lực lượng chống đối. Hai vòng đàm phán hòa bình Geneva I (tổ chức tháng 6-2012) và Geneva II (cuối tháng 1-2014) nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria đã diễn ra mà không thu được kết quả đáng kể nào.
Đến tháng 12-2014, chính quyền Syria và nhiều nhóm đối lập chủ chốt đã đồng ý tiếp tục tham gia đàm phán hòa bình dưới vai trò trung gian của Nga. Cuộc đàm phán giữa các bên ở Syria tại thủ đô Moskva (Nga) hồi tháng 1-2015 diễn ra trong không khí tích cực, tuy nhiên cũng không đạt được kết quả như mong muốn.
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
Ý kiến bạn đọc