Căng thẳng tại Yemen leo thang, thế giới phản ứng về sự can thiệp quân sự tại Yemen
21:12, 28/03/2015
Ngày 25-3, lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi tuyên bố đã bắt giữ Bộ trưởng Quốc phòng Yemen Mahmud al-Subaihi khi lực lượng này tiến về thành phố cảng miền Nam Aden, nơi Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi ẩn náu.
Cùng ngày, sân bay quốc tế ở Aden đã phải ngừng hoạt động. Đài Truyền hình al-Massira dẫn tuyên bố của người phát ngôn Houthi nêu rõ ông Subaihi bị bắt giữ ở thành phố Houta thuộc tỉnh Lahj. Một quan chức an ninh tại Dinh Tổng thống Yemen cho biết, máy bay chiến đấu đã oanh tạc dinh thự của ông Hadi tại Aden. Ngoại trưởng Yemen Riad Yassin đã kêu gọi các nước Arập can thiệp quân sự ngay lập tức nhằm chặn đứng bước tiến của phiến quân Houthi.
Trước tình hình đó, Saudi Arabia và các đồng minh vùng Vịnh đã tiến hành một chiến dịch quân sự, trong đó có các vụ không kích nhằm vào thành phố Aden ở miền Nam Yemen, nơi Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi đang lánh nạn. Đại sứ Saudi Arabia al-Jubeir cho hay liên minh 10 nước đã tham gia chiến dịch quân sự này nhằm "bảo vệ chính phủ hợp pháp" của Tổng thống Hadi. Ông cũng cho biết rằng Saudi Arabia đã tham vấn với phía Mỹ nhưng Washington sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự trên. Chiến dịch mang tên “Siêu bão” này sẽ không hạn chế ở một thành phố hay khu vực cụ thể nào của Yemen và phía lực lượng Houthi đã nắm quyền kiểm sát lực lượng không quân Yemen.
Hàng ngàn người dân Yemen tham gia biểu tình chống lực lượng Houthi tại thủ đô Sanaa (ảnh: AFP) |
Ngày 26-3, Mohammed al-Bukhaiti - một thủ lĩnh của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen cho rằng các vụ không kích của Saudi Arabia nhằm vào phong trào Hồi giáo dòng Shiite này không khác gì một cuộc xâm lược quốc gia Trung Đông này, đồng thời cảnh báo hành động này sẽ leo thang thành một cuộc chiến trên phạm vi khu vực. Ông al-Bukhaiti - một thành viên trong bộ máy chính trị của Houthi - phát biểu trên đài truyền hình al Jazeera đóng trụ sở ở Doha (Qatar) rằng: "Đang có cuộc xâm lược Yemen và chúng tôi sẽ dũng cảm đương đầu. Các chiến dịch quân sự sẽ kéo khu vực này vào một cuộc chiến lớn".
Cũng trong ngày 26-3, 4 tàu hải quân Ai Cập đã vượt qua kênh Suez hướng tới Yemen trong một sứ mệnh đảm bảo an ninh cho Vịnh Aden và nhóm tàu này đã tới Biển Đỏ vào tối cùng ngày. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Abdel Raheem Mohammed Hussein cũng thông báo nước ông đã bắt đầu di chuyển lực lượng để tham gia chiến dịch "Siêu Bão" cả trên bộ và trên không.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hội đàm trực tuyến với ngoại trưởng các nước vùng Vịnh để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Yemen. Ông Kerry "ca ngợi chiến dịch quân sự của liên minh vùng Vịnh nhằm vào lực lượng phiến quân Houthi" và nêu bật sự hỗ trợ của Washington "trong các hoạt động như chia sẻ thông tin tình báo, chỉ thị mục tiêu và cố vấn cũng như hỗ trợ hậu cần cho các cuộc không kích chống lại phiến quân Houthi". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố ủng hộ chiến dịch quân sự của Saudi Arabia chống lại lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite Houthi ở Yemen, đồng thời kêu gọi nhóm phiến quân này và "những kẻ hậu thuẫn ở nước ngoài" chấm dứt hành động có nguy cơ đe dọa tới hòa bình và an ninh khu vực. Trước đó, Saudi Arabia đã thông báo trước cho Ankara về chiến dịch không kích lực lượng Houthi ở Yemen. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Nabil al-Arabi cũng tuyên bố hoàn toàn ủng hộ chiến dịch không kích mang tên "Siêu Bão" (Firmness Storm) do Saudi Arabia đứng đầu nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi tại Yemen.
Từ London, Bộ Ngoại giao Anh cho biết nước này ủng hộ quyết định của Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh can thiệp quân sự vào Yemen và coi các hành động gần đây của lực lượng Houthi là dấu hiệu cho thấy nhóm phiến quân này xem thường tiến trình chính trị. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Anh cũng nêu rõ cuối cùng, hướng giải quyết cuộc khủng hoảng phải là một giải pháp chính trị.
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Federica Mogherini cho rằng hành động quân sự không phải là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Yemen. Trong một tuyên bố, bà Mogherini nêu rõ tại thời điểm quyết định này, tất cả các bên liên quan trong khu vực phải hành động một cách có trách nhiệm và mang tính xây dựng, và vấn đề khẩn cấp hiện nay là tạo điều kiện để các bên trở lại đàm phán. Bà nhận định giao tranh mới đây nhất tại Yemen càng khiến tình hình trở nên xấu đi và có nguy cơ gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho khu vực.
Iraq cũng lên tiếng phản đối các cuộc không kích trên, cho rằng can thiệp quân sự không phải là một giải pháp. Phát biểu với báo giới trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng AL, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari tuyên bố phản đối sự can thiệp của nước ngoài, và ủng hộ "cách tiếp cận hòa bình" cho cuộc xung đột ở Yemen. Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) kêu gọi liên minh do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen, các lực lượng chính phủ Yemen và các nhóm vũ trang tuân thủ luật chiến tranh, đồng thời bày tỏ lo ngại trước thông tin nhiều dân thường thương vong sau các vụ không kích.
Ngày 26-3, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên và các nước thành viên kiềm chế các hành động gây nguy hại đến sự thống nhất, chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen. Tổng Thư ký cho biết Quốc vương Saudi Arabia đã thông báo về việc Riyadh mở chiến dịch quân sự tại Yemen theo đề nghị của Tổng thống nước này Mansur Hadi.
Hiện trường một vụ không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở Yemen do Saudi Arabia tiến hành gần sân bay thủ đô Sanaa, Yemen ngày 26-3. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tổng Thư ký đã nhắc lại một Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngày 22-3 - văn bản ủng hộ Tổng thống Hadi và kêu gọi các nước kiềm chế can thiệp từ bên ngoài nhằm tránh kích động xung đột, thay vào đó ủng hộ giải pháp chuyển tiếp chính trị. Tổng Thư ký kêu gọi tất cả các bên liên quan tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật nhân đạo quốc tế nhằm đảm bảo an toàn cho dân thường Yemen, nhân viên Liên hiệp quốc, các nhân viên nhân đạo; cũng như tuân thủ các quy định và nguyên tắc của luật nhân quyền và tị nạn quốc tế. Tổng Thư ký nhấn mạnh đàm phán là "lựa chọn duy nhất" để giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng tại Yemen.
Trong phản ứng của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch tại Yemen. Điện Kremlin cho biết trong một cuộc điện đàm giữa ông Putin với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình đang xuống cấp tại Yemen. Tổng thống Nga kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" tại Yemen và nhấn mạnh cần chấm dứt thù địch để nhường chỗ cho các lựa chọn giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay. Ông Putin nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực, kể cả nỗ lực của Liên hợp quốc, nhằm xây dựng các phương án giải quyết hòa bình.
Syria cũng bày tỏ lo ngại và nhấn mạnh cần tôn trọng chủ quyền và độc lập của Yemen, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại nhằm đạt giải pháp chính trị, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Trước đó, Iran cũng đã kêu gọi ngừng ngay chiến dịch quân sự tại Yemen. Phong trào Hồi giáo dòng Shi’ite Hezbollah của Liban lên án các cuộc không kích tại Yemen, coi đó là “hành động xâm lược bất công”, chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực. Hezbollah cũng kêu gọi Saudi Arabia và các đồng minh lập tức chấm dứt vô điều kiện các cuộc không kích.
Cùng ngày, trong phản ứng đầu tiên kể từ khi Saudi Arabia phát động chiến dịch không kích, thủ lĩnh Houthi, Abdulmalik al-Houthi lên án sự can thiệp quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen là "phi lý" và kêu gọi những người ủng hộ mình đương đầu với "hành động xâm lược" này.
H.T (tổng hợp từ SGGP, VOV, Vietnamplus)
Ý kiến bạn đọc