Multimedia Đọc Báo in

Chiến binh IS "vào ra" rầm rộ ở châu Âu

17:20, 10/03/2015
Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maizière, ngày 9-3, đến nay đã có khoảng 650 người Đức tới các khu vực chiến sự ở Iraq và Syria để gia nhập lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngoài ra, còn có trên 1.000 đối tượng có nguy cơ cao cũng bị giới chức Đức đưa vào tầm ngắm.
 
Quân đội Đức thừa nhận rằng họ không thể khoanh tay trước những thông tin nói rằng có trên 20 cựu binh Đức đang chiến đấu trong hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
 
Trả lời phỏng vấn trên báo Thế giới của Đức, người đứng đầu Cục Tình báo quân đội (MAD) Christof Gramm nói rằng hiện có khoảng 20 cựu binh sĩ từng tham gia quân đội liên bang Đức đang chiến đấu cho IS ở Iraq và Syria. Ông Gramm cũng cho biết những kẻ tiến hành vụ tấn công hai tháng trước nhằm vào tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) là những kẻ có kỹ năng quân sự. Ông đồng thời khuyến nghị tiến hành kiểm tra tất cả các đơn xin gia nhập quân đội để đảm bảo rằng các đơn vị huấn luyện quân sự ở Đức không trở thành các trại đào tạo cho lực lượng cực đoan. Ông Gramm nói: "Chúng tôi nhận thấy nguy cơ Quân đội liên bang có thể bị lạm dụng làm trại huấn luyện cho các đối tượng Hồi giáo sẵn sàng gây bạo lực. Chúng tôi muốn biết liệu trong tương lai còn có sự ngờ vực nào đó về lòng trung thành với Hiến pháp của các binh sĩ hay không. Hoặc liệu có một đối tượng Hồi giáo nào được quân đội Đức đào tạo làm gì mà chúng tôi chưa biết hay không".
 
Trong một diễn biến có liên quan, tờ Sunday Telegraph ngày 8-3 đưa tin, khoảng 320 phần tử thánh chiến “nguy hiểm” trong tổng số khoảng 700 người Anh tới Syria để tham chiến cùng IS nay đã trở về nước. Con số trên cao hơn so với con số ước tính trước đó là 500 người rời đi và 250 đã trở về nước. 
Ảnh minh họa. (Nguồn:www.dailymail.co.uk)
Ảnh minh họa. (Nguồn:www.dailymail.co.uk)
Theo thông báo của Bộ Nội vụ Anh, Chính phủ nước này ngày 10-3 công bố luật mới cho phép ngăn chặn các hãng hàng không chuyên chở những hành khách có thể gia nhập lực lượng thánh chiến "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Đạo luật này sẽ giúp ngăn chặn công dân Anh ra nước ngoài để tham chiến sau đó quay trở lại nước Anh, đồng thời giúp tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát hành động của những đối tượng có thể tạo ra các mối nguy. Luật quy định các hãng hàng không chuyên chở những hành khách loại này đều phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Hệ thống tự động dựa trên danh sách hành khách do các hãng hàng không cung cấp sẽ đưa ra các cảnh báo về những hành khách được liệt vào hàng có nguy cơ cao và giúp ngăn chặn những người này lên máy bay.
 
Đây cũng là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Anh nhằm ngăn chặn những người nước ngoài tới Syria bằng các chuyến bay thương mại để tham chiến trong hàng ngũ IS. Động thái trên được đưa ra vài tuần sau vụ ba nữ sinh Anh ở thủ đô London rời khỏi nước này để gia nhập IS. Điều phối viên của Anh phụ trách vấn đề chống khủng bố Helen Ball ngày 8-3 cho hay năm ngoái, có ít nhất 22 gia đình tại Anh thông báo về trường hợp phụ nữ và các bé gái bị mất tích, những người được cho là đã chạy sang Syria.
 
Bộ Nội vụ Anh ước tính hàng nghìn người nước ngoài từ trên 80 nước và khoảng 600 người Anh - bao gồm cả đao phủ bịt mặt có biệt danh "John Thánh chiến" xuất hiện trong các đoạn băng ghi cảnh chặt đầu các con tin trong tay tổ chức khủng bố IS tự xưng - đã tới Syria hoặc Iraq để tham gia IS và các lực lượng Hồi giáo cực đoan khác.
 
Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp iTele, Thủ tướng Pháp Manuel Valls ngày 8-3 cảnh báo số người châu Âu tham gia lực lượng thánh chiến ở hai nước Trung Đông nêu trên tính tới cuối năm nay có thể lên tới 10.000 người, cao gấp ba lần con số hiện tại. Pháp và Bỉ là hai quốc gia có số người rời bỏ đất nước để tham gia lực lượng IS tự xưng nhiều nhất.
 
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, SGGP)
 

Ý kiến bạn đọc