IMF hối thúc Ukraine tiến hành cải cách sâu rộng nền kinh tế
10:57, 14/03/2015
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12-3 cảnh báo việc Ukraine trì hoãn cải cách sâu rộng nền kinh tế có thể làm gián đoạn quá trình tái cơ cấu nợ cũng như cản trở kế hoạch triển khai gói cứu trợ tài chính trị giá 40 tỷ USD cho quốc gia Đông Âu này.
Vụ Phó Vụ châu Âu Thanos Arvanitis cho biết IMF đang chờ đợi Ukraine hoàn thành chương trình tái cơ cấu nợ trước mùa hè năm 2015 để bảo đảm rằng Kiev sẽ nhận được khoản vay mới trị giá 17,5 tỷ USD từ thể chế tài chính này nhằm vực dậy nền kinh tế bị đình đốn.
Chương trình tái cơ cấu nợ nói trên là phần chính trong gói hỗ trợ quốc tế chống khủng hoảng 40 tỷ USD cho Ukraine. Trong tổng số tiền này, IMF đóng góp 17,5 tỷ USD, dự kiến 5 tỷ USD có thể được giải ngân nhanh chóng cho Kiev trong thời gian tới, 5 tỷ USD tiếp theo sẽ được cung cấp trước cuối năm nay. Trước tháng 6 tới, IMF sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá việc thực hiện chương trình của Kiev.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko (phải) bắt tay Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew (ảnh: AFP) |
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko ngày 12-3 cho biết, nếu nhận khoản giải ngân đầu tiên khoảng 5 tỷ USD trong chương trình cứu trợ của IMF, Ngân hàng trung ương sẽ nhận khoảng 2,2 tỷ USD để ổn định đồng nội tệ. Số tiền còn lại sẽ dành cho Chính phủ. Bà Natalie Jaresko cho biết: “Khoản giải ngân đầu tiên trong gói cho vay của Qũy Tiền tệ quốc tế chúng tôi dự kiến nhận trong ngày 13-3. Khoản tài chính này sẽ giúp chúng tôi tăng cường nguồn dự trữ tại Ngân hàng trung ương và Chính phủ để trả những khoản cần thiết. Số tiền này sẽ giúp ổn định hệ thống tài chính Ukraine, bởi vì nó không chỉ dành cho người dân, Chính phủ mà còn cho cả hệ thống tài chính để ổn định các ngân hàng”.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine cũng cho biết, nước này sẽ phát động một chương trình tư nhân hóa các công ty nhà nước vào cuối năm nay. Ngày 13-3, Kiev cũng bắt đầu cuộc đối thoại với các chủ nợ quốc tế về cơ cấu các khoản nợ, nhấn mạnh mong muốn tìm ra giải pháp về vấn đề này trong vòng ít nhất 2 tháng nữa.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Ukraine cho rằng khoản tiền hỗ trợ 5 tỷ USD đầu tiên sẽ chưa tác động được đến nền kinh tế của nước này và sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Các nhà phân tích cho rằng động thái đó chỉ mang tính hình thức khi so sánh với khoản hỗ trợ trị giá 17,5 tỷ USD của IMF trong năm 2014, mà trong đó Kiev mới chỉ nhận được 4,8 tỷ USD.
Trong biên bản ghi nhớ về chính sách tài chính và kinh tế giữa Ukraine và IMF công bố ngày 12-3, Kiev cam kết với IMF rằng sẽ tăng tuổi nghỉ hưu thêm năm năm trước năm 2025 và hạn chế tiền lương hưu cho những người đã về hưu nhưng vẫn đang lao động. Ngoài ra, cũng tăng thời gian công tác lên 5 năm đối với những người có quyền được nghỉ hưu trước thời hạn. Ước tính, những biện pháp trên sẽ giúp Ukraine tiết kiệm được 1,6 tỷ hryvnia (tương đương gần 730 triệu USD) trong năm 2015.
Hồi tháng trước, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde tuyên bố tổ chức này và Ukraine đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về gói cứu trợ tài chính cho Kiev trị giá 40 tỷ USD có thời hạn 4 năm. Đổi lại, Ukraine phải cải cách sâu rộng nền kinh tế và tái cấu trúc tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogas để nhận số tiền trên. Sau một năm biến động chính trị và chiến tranh, nền kinh tế của Ukraine đang trong tình trạng suy sụp với giá trị tiền tệ ở mức thấp kỷ lục trong khi các mức lãi suất cao nhất trong vòng 15 năm qua. Theo số liệu chính thức, lạm phát của Ukraine hiện ở mức 28,5% khi đồng nội tệ hryvnia trong năm qua đã mất giá không phanh do cuộc xung đột tại Donbass, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế chung tại Ukraine.
Ảnh minh họa. (Nguồn:Bloomberg) |
Liên tiếp nhận được sự hỗ trợ tài chính quốc tế nhưng theo các chuyên gia, điều đó không thể giải quyết hết được những nguy cơ mà Ukraine đang phải đối mặt. Một loạt thỏa thuận của Ukraine với Liên minh châu Âu ký tháng 6 năm ngoái mang lại những ưu đãi về thương mại và hỗ trợ tài chính cho Kiev. Tuy nhiên, một chuyên gia cố vấn ngành tài chính của Chính phủ Ukraine cho rằng, rất khó để Ukraine có thể giảm thâm hụt tài chính thông qua việc tăng cường xuất khẩu, bởi vì nhiều sản phẩm của nước này cũng không đáp ứng được một số tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu. Chuyên gia kinh tế Boris Kushniruk cho biết: “Thỏa thuận với Liên minh châu Âu không thể ổn định nền kinh tế Ukraine. Nó chỉ giảm nhẹ những nguy cơ mà nước này đang phải đối mặt. Theo Ngân hàng trung ương quốc gia, thâm hụt tài chính của Ukraine năm ngoái đạt khoảng 5 tỷ USD. Tình hình tài chính đang thắt chặt và nhiệm vụ hiện nay đó là ủng hộ một số doanh nghiệp, giúp các sản phẩm của họ đáp ứng được tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và tăng cường xuất khẩu tới châu Âu”.
Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo, chương trình cứu trợ 40 tỷ USD dành cho Ukraine đối mặt với nhiều nguy cơ cao trong quá trình thực hiện, như hoàn toàn có thể thất bại nếu thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng đối lập tại miền Đông bị phá vỡ, hoặc những vấn đề chính trị trong nước cũng như quá trình thực hiện các cải cách mà Ukraine phải tuân theo.
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
Ý kiến bạn đọc