Multimedia Đọc Báo in

Iran và IEAE vẫn chưa thể giải quyết được các vấn đề chính

05:56, 11/03/2015
TASS và Reuters đưa tin, ngày 10-3, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết trong các cuộc đàm phán hôm 9-3, các chuyên gia của Iran và IAEA vẫn chưa thể giải quyết được hai vấn đề về yếu tố quân sự tiềm tàng trong chương trình nghiên cứu hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo này. 
 
Theo thông cáo của IEAE, hai bên đã nhất trí tổ chức một cuộc đàm phán khác vào trung tuần tháng 4 tới để tiếp tục trao đổi thông tin về hai vấn đề còn tồn đọng: mô phỏng vụ nổ hạt nhân và thử nghiệm các vật liệu nổ. 
 
Hồi tháng 11-2013, IAEA và Tehran đã nhất trí xem xét từng bước các vấn đề tranh cãi mà giới chuyên gia quốc tế đưa ra. Iran đã triển khai 2 “gói giải pháp thực tế”. Tuy nhiên, IAEA cho biết 2 trong số 5 bước được thống nhất hồi tháng 5-2014 vẫn chưa được triển khai.  
Một cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phó giám đốc IAEA Tero Varjoranta cho biết tổ chức này chờ đợi Iran cung cấp thêm thông tin về chương trình hạt nhân của nước này sau khi đạt được tiến triển trong đàm phán song song với các cuộc thương lượng giữa Tehran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
 
Trong một diễn biến khác, một nhóm gồm 47 Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa mới đây đã gửi thư tới Chính phủ Iran cảnh báo một thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm các cường quốc thế giới sẽ không thể tồn tại lâu dài. 
 
Động thái trên của các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã ngay lập tức vấp phải những phản ứng gay gắt từ phía Nhà Trắng và điều này cho thấy bất đồng sâu sắc lâu nay giữa Tổng thống Barack Obama với Đảng Cộng hòa ngày càng lớn. 
 
Chỉ vài giờ sau khi có thông tin một nhóm Thượng nghị sỹ Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa gửi thư tới Chính phủ Iran, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest chỉ trích hành động can thiệp của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là không khác gì “ném đá” vào các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an và Đức. Theo ông Earnest, bức thư trên là “một chiến lược mang tính phe phái nhằm hủy hoại nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc triển khai chính sách đối ngoại cũng như đảm bảo nền an ninh quốc gia”. 
 
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama cũng đã “mỉa mai” hành động vừa nêu của các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là nhằm tạo lập “một kênh hậu thuẫn” với các thành phần bảo thủ ở Iran, coi đây là “một liên minh khác thường”. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, mối quan tâm của ông hiện nay là kết quả của các cuộc đàm phán hạt nhân giữa giữa nhóm P5+1 với Iran, với hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận khung trước ngày 31-3 tới. Tổng thống Obama nói: “Thật là mỉa mai khi các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa lại đang cố gắng tạo lập “một kênh hậu thuẫn” với các thành phần bảo thủ ở Iran. Đây là một liên minh bất bình thường. Theo tôi, điều mà chúng tôi đang cố gắng tập trung giải quyết hiện nay chính là làm sao để đạt đạt được thỏa thuận với Iran. Nếu làm được, có nghĩa là chúng tôi đã làm lợi cho người dân Mỹ và tôi tin tưởng là chúng tôi có thể thực hiện được”.  
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran (Ảnh AFP)
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran (Ảnh AFP)
Những tuyên bố trên của Nhà Trắng và ông Obama cho thấy, mối quan hệ đảng phái ngày càng căng thẳng giữa Nhà Trắng với cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối. Bất đồng không chỉ dừng lại ở các vấn đề đối nội mà đã lan sang cả các vấn đề đối ngoại. 
 
Trong một tuyên bố trước báo giới, Thượng nghị sĩ Mỹ Harry Reid nhận xét: “Thành phần chính tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân Iran là Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc và Nga. Chính phủ Mỹ là một bên của đàm phán và cuộc đàm phán ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới. Thế nhưng, bức thư mà các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa gửi tới nhà chức trách Iran là “một cái tát mạnh” không chỉ đối với nước Mỹ mà cả  đối với các đồng minh của chúng tôi. Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa có những bất đồng về chính sách ngoại giao song từ trước đến nay chưa hề có việc một đảng phái chính trị lại can thiệp trực tiếp vào các cuộc đàm phán quốc tế, với mục tiêu duy nhất là làm xấu mặt Tổng thống”. 
 
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.