Multimedia Đọc Báo in

Iran và nhóm P5+1 đã đạt thỏa thuận sơ bộ

14:31, 30/03/2015
Theo AFP/Reuters, các nhà ngoại giao phương Tây tham gia tiến trình đàm phán về hạt nhân tại Thụy Sĩ ngày 29-3 cho biết Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các phần then chốt của một thỏa thuận vốn sẽ hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân Tehran.
 
Một trong số các nhà ngoại giao trên cho biết Iran đã "gần như" nhất trí cắt giảm hơn 2/3 số lượng máy ly tâm và chuyển hầu hết kho nhiên liệu hạt nhân của nước này ra nước ngoài. Trong khi đó, các cường quốc phương Tây đang xem xét ý tưởng cho phép Iran tiến hành các hoạt động liên quan tới làm giàu, có giới hạn và bị giám sát chặt chẽ, để phục vục các mục đích y tế tại cơ sở dưới lòng đất Fordow. 
Một cơ sở được cho là nơi Iran làm giàu urani ở ngoại ô Qom. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một cơ sở được cho là nơi Iran làm giàu urani ở ngoại ô Qom. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hiện Iran và nhóm P5+1 đang nghiên cứu những thỏa thuận tiềm tàng nhằm tháo gỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân vào ngày 29-3 bất chấp việc các quan chức cảnh báo rằng họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận và khó có thể xóa bỏ một số điểm khác biệt.
 
Hai ngày cuối tuần này được xem là mang tính quyết định đối với các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và P5+1 cho thấy quyết tâm đạt được một thỏa hiệp lịch sử nhằm chấm dứt hơn 1 thập kỷ căng thẳng giữa Iran và phương Tây liên quan tới bản chất của chương trình này. 
 
Ba ngày trước thời hạn chót 31-3, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tỏ ra khá lạc quan về kết quả vòng đàm phán lần này khi cho rằng tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết. Phát biểu sau các cuộc gặp lần lượt với Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, ông Zarif tin tưởng các bên có thể đạt được những bước tiến cần thiết để giải quyết mọi vấn đề và bắt đầu soạn thảo thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran. Ông Zarif nói: “Chúng tôi đã sẵn sàng cho các buổi làm việc căng thẳng nhằm thúc đẩy một thỏa thuận và tôi cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể thúc đẩy được tiến trình đàm phán. Như tôi đã nói nhiều lần, Iran đã đưa ra một quyết định chính trị để thực hiện các cam kết đã đưa ra. Tôi tin rằng, các đối tác đàm phán cũng phải đưa ra quyết định tương tự. Tôi tin, họ đã nhận ra rằng, các lệnh trừng phạt, các hành động gây sức ép và một thỏa thuận là không thể song hành”.
 
Giới quan sát cũng có chung nhận định rằng, từ nay đến ngày 31-3, nhóm P5+1 và Iran sẽ đạt được một sự nhất trí về nguyên tắc. Dù các bên đều khẳng định vẫn còn nhiều điểm chưa được giải quyết, song điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi giải quyết cuộc khủng hoảng gây cản trở các mối quan hệ quốc tế trong suốt hơn 10 năm qua và cụ thể hóa một khối lượng công việc khổng lồ chỉ trong hơn 1 năm điều không hề đơn giản.
 
Phát biểu sau cuộc gặp Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier bày tỏ hy vọng, các bên sẽ nhìn những gì đã làm được để không bỏ phí những nỗ lực trong suốt hơn 1 năm qua: “Đây là thời điểm mang tính quyết định đối với chúng ta sau gần 12 năm đàm phán với Iran. Tiến trình đàm phán kéo dài cũng đã bắt đầu đi tới hồi kết. Đối với tôi, tiến trình này cũng giống như một đỉnh núi, mà càng tới những mét cuối cùng thì càng khó khăn hơn, song lại mang tính quyết định. Đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến nhiều bất ổn và hỗn loạn như hiện nay, thì việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân Iran cũng có thể làm dịu căng thẳng.”
 
Trước đó, sáng cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đã có mặt tại Lausanne (Thụy Sĩ) để tham gia các cuộc thảo luận mang tính quyết định. Nổi tiếng là một trong những nhà đàm phán cứng rắn nhất, song ông Fabius cũng một lần nữa khẳng định, ông đến Lausanne với mong muốn thúc đẩy một thỏa thuận mạnh mẽ.
 
Mục tiêu của thỏa thuận mà các nhà ngoại giao Iran và P5+1 nỗ lực đạt được trong suốt hơn 1 năm rưỡi qua là đảm bảo Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân, đổi lại phương Tây sẽ phải dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt quốc tế đang gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước này. Các nhà đàm phán đã đặt ra thời hạn chót ngày 31-3 để đạt được một thỏa thuận khung, mở đường cho việc đi tới một thỏa thuận toàn diện cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran từ nay tới hết ngày 30-6. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và vấn đề nghiên cứu, phát triển lĩnh vực hạt nhân tại Iran là 2 vấn đề gây bất đồng chính hiện nay. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, các cuộc đàm phán là khó khăn và có những bất đồng, song các bên đều nỗ lực giải quyết những vấn đề này. 
Trước hội nghị 3 bên Đức-Mỹ-Pháp về Iran ở Lausanne (Ảnh: Reuters)
Trước hội nghị 3 bên Đức-Mỹ-Pháp về Iran ở Lausanne (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc Iran đưa ra những quyết định cần thiết để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Theo các nhà phân tích, những phát biểu mạnh mẽ này đã cho thấy, vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ diễn ra cam go đến tận phút chót và các bên chắc chắn sẽ đưa ra những nhượng bộ quan trọng. Hai bên sẽ cố tận dụng mọi cơ hội để đạt được thỏa thuận khung có nội dung bao quát nhằm tránh cho tiến trình đàm phán bị "đứt gánh giữa đường", không chỉ gây ảnh hưởng tới toàn bộ tiến trình và còn gây ảnh hưởng tới nhiều hồ sơ nóng khác tại khu vực.
 
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng AFP/Reuters, ngày 29-3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên án một thỏa thuận hạt nhân "nguy hiểm" mà nhóm P5+1 và Iran đang theo đuổi, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này vượt xa những gì mà chính quyền Tel Aviv lo ngại.
 
Phát biểu trong một cuộc họp nội các được phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh, ông Netanyahu tuyên bố: "Một thỏa thuận nguy hiểm đang được đàm phán tại Lausanne (Thụy Sĩ) minh chứng cho những mối quan ngại của chúng tôi và thậm chí còn tồi tệ hơn".
 
Trong một dấu hiệu cho thấy cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran sẽ phải đi tới phút cuối cùng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hủy các kế hoạch tham dự một sự kiện quan trọng ở thành phố Boston vào ngày 30-3 để tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran tại Thụy Sĩ. Cùng ngày, ngay trước thời hạn chót cho một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc tại Lausanne (Thụy Sĩ), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã buộc tội Iran cố chế ngự toàn bộ Trung Đông, đồng thời kêu gọi ngăn trục Iran-Lausanne-Yemen.
 
Phát biểu tại cuộc họp nội các thường kỳ, ông Netanyahu tuyên bố: "Sau trục Beirut-Damascus-Baghdad, Iran đang tiến hành một động thái gọng kìm từ phía Nam để tiếp quản và chiếm toàn bộ Trung Đông. Trục Iran-Lausanne-Yemen rất nguy hiểm với nhân loại và phải bị chặn đứng". Ông Netanyahu giải thích rằng trong khi các cuộc đàm phán diễn ra ở Lausanne, các lực lượng được Iran bảo trợ tại Yemen đang nhanh chóng chiếm đóng các vùng lãnh thổ lớn của Yemen và cố giành quyền kiểm soát tuyến đường biển chiến lược Ba'ad el-Mandeb có ý nghĩa then chốt cho hoạt động vận chuyển dầu mỏ thế giới.
 
Sau các cuộc gặp với thủ lĩnh Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell và thủ lĩnh Đảng Dân chủ Harry Reid cuối tuần qua, ông Netanyahu cho biết lãnh đạo lưỡng đảng của Mỹ đều khẳng định sự ủng hộ "vững chắc, mạnh mẽ và xuyên suốt" đối với Israel xét tới mối lo ngại của nước này về thỏa thuận hạt nhân đang định hình giữa các cường quốc với Iran. Nhấn mạnh tới những bước tiến của lực lượng đồng minh với Iran ở Yemen và các nước Arab khác, Thủ tướng Israel cho rằng thỏa thuận hạt nhân đang hình thành tại Lausanne cho thấy tất cả những mối lo ngại của quốc gia này.
 
H.T (tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.