15:52, 17/03/2015
Ngày 16-3 đánh dấu kỷ niệm một năm ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý đã dẫn tới việc Cộng hòa Crimea sáp nhập trở lại với Nga, sau 60 năm nằm dưới sự quản lý của Ukraine.
Trang tin Sputnik nói rằng Crimea đã không chấp nhận tính hợp pháp của chính quyền mới tại Kiev lên nắm quyền sau cuộc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych vào đầu năm 2014. Vùng đất này đã bỏ phiếu cắt đứt quan hệ với Ukraine và sáp nhập vào Nga. Trong cuộc trưng cầu dân ý, hơn 96% người dân Crimea đã ủng hộ việc sáp nhập.
Cuộc đảo chính lật đổ ông Yanukovych diễn ra ở Kiev vào tháng 2-2014 đã gây bất bình cho 2,4 triệu người dân Crimea, với đại đa số nói tiếng Nga. Người Nga đã tới sống rất đông tại bán đảo này, kể từ khi nó bị đế quốc Nga chiếm khỏi tay đế quốc Ottoman hồi thế kỷ 18.
|
Lực lượng binh sĩ Ukraine tại chiến trường miền Đông. (Nguồn: AFP) |
Trong một bộ phim tài liệu sắp công chiếu có tên ''Crimea. Way Back Home'' (tạm dịch “Crimea. Đường về Tổ quốc”), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ nhiều tình tiết về các sự kiện đã diễn ra trước cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ông nói rằng giới chức Crimea còn tiến hành thăm dò nguyện vọng của công chúng trong việc sáp nhập với Nga. Theo ông Putin, cuộc thăm dò cho thấy 75% người Crimea ủng hộ việc sáp nhập.
Ngày 11-3-2014, Crimea và chính quyền thành phố Sevastopol đã tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Ukraine, đồng thời yêu cầu được sáp nhập với Nga. Một cuộc trưng cầu dân ý trên quy mô toàn bán đảo đã diễn ra sau đó vào ngày 16-3. Cuối cùng Crimea và Kremlin đã ký hiệp ước sáp nhập trong ngày 18-3. Việc ký hiệp ước đã khởi đầu cho một tiến trình sáp nhập kéo dài gần một năm trời, trong đó cử tri Crimea đã đi bỏ phiếu lần đầu vào tháng 9 năm ngoái để bầu hội đồng lập pháp và chính quyền địa phương.
Phương Tây hiện vẫn chưa công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Họ gọi vụ sáp nhập là “cuộc thôn tính” của Nga. AP đưa tin, ngày 16-3, phát ngôn viên Chính phủ Đức, Steffen Seibert tuyên bố rằng nước này sẽ không công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Phát biểu với báo giới tại thủ đô Berlin, ông Seibert khẳng định Đức ủng hộ Ukraine "bên trong đường biên giới được quốc tế công nhận". Bên cạnh đó, ông còn cho biết Đức cũng quan ngại về tình hình nhân quyền ngày càng xấu đi ở Crimea. Bình luận trên được ông Seibert đưa ra ngay trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tới Đức để gặp Thủ tướng Angela Merkel.
Về phía Nga, theo lời Tổng thống V.Putin, Moskva đã sẵn sàng trước những phản ứng đối với quyết định thu nhận Crimea của mình. Nước này cũng có kế hoạch kỷ niệm một năm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý và việc ký kết hiệp ước sáp nhập với các buổi hòa nhạc ở Simferopol - thủ phủ Crimea và ở Moskva.
Trong một diễn biến khác, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin, Tổng thống Ukraine Petro Porochenko hôm 16-3 bày tỏ hy vọng Liên minh châu Âu sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt với Nga nếu các thỏa thuận đạt được hồi giữa tháng 2 tại thủ đô Minsk, Belarus không được tôn trọng.
|
Thủ tướng Đức gặp Tổng thống Ukraine ngày 16-3 (ảnh: Reuters) |
Theo ông, Liên minh châu Âu không nên chỉ giữ nguyên các lệnh trừng phạt hiện nay, mà còn cần phải mở rộng nó nhằm duy trì sức ép với Nga. “Lập trường của chúng tôi là rõ ràng, một lựa chọn thay thế cho thỏa thuận Minsk là không tồn tại. Thỏa thuận này cần phải được thực thi và các bên phải tôn trọng các nghĩa vụ của mình. Nếu các cam kết không được tôn trọng đầy đủ, thì tôi thực sự hy vọng rằng tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu diễn ra ngày 19-3 tới, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ ra tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không chỉ duy trì mà sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt với Nga” - ông Poroshenko nói.
Tuy nhiên vấn đề này lại đang gây chia rẽ Liên minh châu Âu. Trong khi một số nước thành viên muốn gia tăng các lệnh trừng phạt ngay lúc này thì một số nước lại cho rằng cần phải đợi kết quả lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine nhằm tạo cơ hội cho hòa bình. Thủ tướng Đức Merkel nói: “Tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng để áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Song bản thân nó không phải là một mục tiêu. Dù không muốn song nếu cần thiết, chúng tôi vẫn sẽ thực thi. Tuy nhiên, trước tiên chúng tôi muốn làm tất cả những gì có thể để thỏa thuận Minsk được tôn trọng”.
Trong khi đó cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lại ủng hộ lập trường của Tổng thống Poroshenko khi tỏ ra hoài nghi thiện chí của Nga và cho rằng việc cần làm lúc này là duy trì sức ép. Tại Mỹ, phát biểu sau cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng một lần nữa khẳng định, Mỹ sẵn sàng gia tăng trừng phạt với Nga nếu thỏa thuận Minsk không được tôn trọng.
Giữa tuần trước, chính phủ Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 nhân vật đối lập tại Ukraine và một ngân hàng Nga, với cáo buộc nước này tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng tới miền Đông Ukraine bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được hôm 12-2.
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
Ý kiến bạn đọc