16:01, 25/03/2015
Theo AFP. ngày 23-3, Nhà Trắng đã lên tiếng cảnh báo Israel cần chấm dứt việc chiếm đóng vùng đất của người Palestine, qua đó bác bỏ nỗ lực của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thực hiện các cam kết gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử trước đó.
Với một giọng điệu gay gắt khác thường cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước đồng minh, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough tuyên bố “ách chiếm đóng kéo dài gần 50 năm qua cần phải chấm dứt”. Ông McDonough cũng chỉ trích cam kết trước bầu cử của Thủ tướng Netanyahu về việc ngăn cản thành lập một Nhà nước Palestine, mục tiêu cuối cùng của các cuộc hòa đàm vô vọng kéo dài hàng chục năm qua. Ông McDonough, một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Barack Obama, nói: “Chúng ta không thể đơn giản giả vờ rằng những bình luận này chưa bao giờ được đưa ra hoặc chúng không làm dấy lên các câu hỏi về cam kết của Thủ tướng Netanyahu trong việc đạt được hòa bình qua thương lượng trực tiếp. Người dân Palestine phải có quyền được sống và tự quản lý trên chính quốc gia của mình".
|
Thủ tướng Benjamin Netanyahu. (Nguồn: nytimes.com) |
Cùng ngày, ông Netanyhu cũng đã lên tiếng xin lỗi về những bình luận của mình trong giai đoạn bầu cử trước đó lên án những người Israel gốc Arab – vốn cũng đã bị Mỹ chỉ trích gay gắt. Trong cuộc gặp các đại diện của những cộng đồng thiểu số tại Israel ngày 23-3, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã xin lỗi về những phát biểu của ông trong chiến dịch tranh cử được cho là mang tính phân biệt chủng tộc đối với người Israel gốc Arab.
Tuy nhiên, đại diện đảng tranh cử của cộng đồng được xin lỗi trên cho rằng những tuyên bố của ông Netanyahu chống lại quyền bỏ phiếu của họ. Thông báo từ phía cộng đồng Arab Israel nêu rõ rằng luật phân biệt chủng tộc nằm trong kế hoạch công tác của ông Netanyahu cho Quốc hội khóa tới nên "chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc bác bỏ lời xin lỗi này và tiếp tục đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người Arab Israel".
Ông Netanyahu đưa ra lời xin lỗi sau khi thừa nhận rằng những phát biểu của ông "gây tổn thương một số công dân tại Israel và người Israel Arab". Tuy nhiên, ông cho biết những tuyên bố trên là không cố ý và hứa hẹn sẽ đầu tư lớn vào các cộng đồng thiểu số để chứng minh cho lời giải thích này.
Khúc mắc giữa Mỹ và Israel về hòa bình Trung Đông chưa kịp tháo gỡ thì một cơn sóng gió nữa lại ập đến cho mối quan hệ này khi Tạp chí Phố Wall ngày 24-3 đưa tin, Israel đang do thám các cuộc đàm phán giữa Iran với nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Chính quyền Tổng thống Barack Obama càng thất vọng hơn về hành động lén lút này khi đồng minh Israel dùng thông tin thu thập được để vạch ra chiến lược vận động hành lang Quốc hội Mỹ hòng phá hoại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Theo Tạp chí Phố Wall, ngay sau khi Mỹ và các cường quốc bước vào các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran năm 2014, các quan chức chính phủ Mỹ đã biết rằng Israel đang do thám các cuộc hội đàm kín này. Tạp chí Phố Wall dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, các hoạt động do thám đàm phán hạt nhân Iran chỉ là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiến hành nhằm tác động gián tiếp vào tiến trình đàm phán và ngăn cản một thỏa thuận tổng thể cuối cùng.
Theo các quan chức này, ngoài việc nghe lén, Israel còn lấy thông tin từ những báo cáo mật của Mỹ hay những người cung cấp tin và các mối quan hệ ngoại giao ở châu Âu.
Các quan chức Israel bác bỏ việc trực tiếp do thám các nhà đàm phán Mỹ nhưng thừa nhận họ có thu thập thông tin thông qua những cách khác, như theo dõi các nhà lãnh đạo Iran và nhận những thông tin chia sẻ từ các đối tác châu Âu, đặc biệt là Pháp, nước minh bạch hơn cả với Israel về các cuộc thảo luận kín trong khuôn khổ đàm phán hạt nhân Iran. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng Israel lâu nay đứng đầu danh sách những nước do thám nhiều nhất đối với Mỹ, vì thế Mỹ cũng đã triển khai các hàng rào chống do thám đối với Israel nhiều hơn bất cứ đồng minh nào.
Việc Washington và Tel Aviv do thám lẫn nhau không phải là vấn đề mới mẻ. Thực chất, chính phủ Mỹ phát hiện ra hoạt động do thám của đồng minh cũng chính là nhờ các thông tin trao đổi bí mật giữa những quan chức Israel do cơ quan tình báo Mỹ thu thập được. Nhưng điều khiến chính quyền Tổng thống Obama thất vọng hơn cả là Israel, vì muốn giảm bớt sự ủng hộ đối với thỏa thuận hạt nhân lâu dài với Iran, lại chia sẻ thông tin này với các nghị sĩ Mỹ, trong khi Nhà Trắng lâu nay đã “mắt nhắm mắt mở” đối với sự can dự lén lút của Israel vào giới nghị sĩ Mỹ.
|
Ông Netanyahu (trái) và ông Obama (ảnh: politico) |
Dưới lớp vỏ bọc của những lời có cánh mà 2 bên dành cho nhau như “mối quan hệ Mỹ và Israel là không thể phá vỡ”, thực chất chính quyền Tổng thống Obama đã không tiếc lời chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Netanyahu. Tạp chí Phố Wall dẫn lời một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ bày tỏ cảm giác họ đang bị “bán đứng”, đồng thời cảnh báo Israel nên cẩn thận vì trong số những người bị “bán đứng” này sẽ có những người tiếp tục nắm quyền trong chính phủ kế nhiệm. Đây là sự đáp trả đanh thép cho bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon tháng 12 -2014 rằng, “chính quyền hiện nay của Mỹ sẽ không tồn tại mãi mãi”, ám chỉ việc Tel Aviv đang mong chờ một chính trị gia theo phe Cộng hòa lên nắm quyền ở Mỹ sau 2 năm nữa, hoặc ít nhất là một Tổng thống có thể hâm nóng mối quan hệ giữa 2 nước.
Thủ tướng Netanyahu và Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer ý thức được, chiến dịch vận động hành lang Quốc hội Mỹ có thể làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Nhà Trắng nhưng vẫn cho rằng đó là cái giá có thể chấp nhận được để tái định hình thỏa thuận hạt nhân Iran, thậm chí khiến thỏa thuận này “chết yểu”.
Mới đây, 47 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ đã gửi một bức thư tới các nhà lãnh đạo Iran cảnh báo, bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào do Tổng thống Obama ký cũng phải được Quốc hội thông qua. Nếu không thể vận động đủ số phiếu tại Quốc hội Mỹ để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống Obama, Israel vẫn còn cách khác để gây áp lực với Nhà Trắng, cụ thể tuần này, Thủ tướng Netanyahu đã cử một phái đoàn đến Pháp với ý đồ biến Pháp thành rào cản cho thỏa thuận cuối cùng giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).
Quan hệ giữa Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Obama xấu đi khi ông Obama triển khai đối thoại bí mật với Iran năm 2012. Các quan chức Mỹ giải thích rằng, sở dĩ ông Obama không muốn chia sẻ thông tin này với Thủ tướng Netanyahu vì không muốn có quá nhiều cản trở cho một vấn đề vốn đang bế tắc. Trong khi đó, phía Israel tuyên bố họ đã biết kế hoạch này của Tổng thống Obama qua các kênh thông tin riêng của Israel và cảm thấy “thất vọng vì bị gạt ra ngoài”.
Trước đó, vào ngày 19-3, Washington đã tuyên bố sẽ "đánh giá lại" quan hệ song phương cũng như công khai cảnh báo có thể rút bỏ “chiếc ô” bảo trợ cho nhà nước Do Thái này tại Liên hiệp quốc.
Tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm chúc mừng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã một lần nữa tái khẳng định cam kết của Washington theo đuổi một giải pháp hai nhà nước cho mối quan hệ giữa Israel và Palestine. Một quan chức Nhà Trắng yêu cầu giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tình hình căng thẳng hiện tại trong quan hệ Mỹ-Israel, cho biết Mỹ sẽ "đánh giá lại" các phương án của nước này trong quan hệ đồng minh song phương cũng như trong chính sách ngoại giao Trung Đông.
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
Ý kiến bạn đọc