Multimedia Đọc Báo in

Thời khắc "then chốt" của đàm phán hạt nhân Iran và P5+1

10:32, 26/03/2015
Thời hạn chót 31-3 cho thỏa thuận khung về hiệp định hạt nhân Iran đã cận kề. Đây được xem là một vòng đàm phán có tính bước ngoặt nhằm xây dựng nền tảng cho một thỏa thuận hạt nhân toàn diện giữa các bên. Cả Iran, Mỹ và các bên liên quan đều đặt kỳ vọng lớn vào vòng đàm phán lần này.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24-3 đã lên tiếng hối thúc các bên nỗ lực để đạt một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo ông Obama, việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ là vô cùng tốt với các bên song đó phải là một thỏa thuận minh bạch: “Chúng tôi tin tưởng là có thể ngăn Iran khỏi việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Chúng tôi cũng tin rằng nếu đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran, đó sẽ là một thỏa thuận tốt, tốt cho an ninh của Mỹ, an ninh của Israel và cả an ninh khu vực, còn nếu không sẽ không có thỏa thuận. Điều quan trọng là cần phải có sự minh bạch trong toàn bộ quá trình đàm phán”.
 
Cùng chung quan điểm với Mỹ, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Vương Dân cũng đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán nắm bắt cơ hội và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán ngoại giao. Theo ông Vương Dân, vẫn còn nhiều khó khăn trong các vòng đàm phán, tuy nhiên việc đạt được một thỏa thuận toàn diện đúng thời hạn là điều mong muốn của cộng đồng thế giới, vì lợi ích chung và dài hạn của tất cả các bên. Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran thông qua đàm phán sẽ bảo đảm cho hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế, đóng góp vào hòa bình Trung Đông và góp thêm kinh nghiệm hữu ích về giải quyết các điểm nóng thông qua đàm phán. Bày tỏ sự ủng hộ đối với vai trò tích cực của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong vấn đề hạt nhân Iran, Trung Quốc cũng cam kết sẽ tiếp tục là bên tham gia tích cực và xây dựng trong các vòng đàm phán cùng các đối tác khác nhằm hoàn thành cuộc đua nước rút sớm nhất có thể.
 
Về phía Iran, trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình nhà nước Iran IRNN mới đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng bày tỏ lạc quan vào khả năng đạt được thỏa thuận với nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân trong vòng đàm phán lần này: “Chúng tôi hy vọng là sau khi kết thúc đàm phán lần này, các bên sẽ đạt được một thỏa thuận và thỏa thuận đó phải nằm trong lợi ích của các quốc gia, cả Iran, khu vực và thế giới”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (phải) tại bàn đàm phán ở Lausanne ngày 19-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (phải) tại bàn đàm phán ở Lausanne ngày 19-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hiện Iran và Nhóm P5+1 đang trong quá trình đàm phán để ký kết một thỏa thuận lịch sử, theo đó Iran sẽ giảm quy mô chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình và đổi lại được phương Tây giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Cuộc đàm phán hạt nhân mới đây nhất giữa các bên kết thúc ngày 21-3 vừa qua tại Thụy Sĩ đã đạt tiến bộ đáng kể dù vẫn tồn tại một số khoảng cách nhất định. Một số điểm chưa được thống nhất trong cuộc thương lượng bao gồm tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thỏa thuận sẽ kéo dài bao lâu và sẽ có bao nhiêu cơ sở hạt nhân của Iran được để ngỏ cho việc kiểm tra. Hai bên đã đặt ra thời hạn chót cho việc đạt được một thỏa thuận khung chính trị vào ngày 31-3 tới để từ đó đi đến một thỏa thuận cuối cùng vào ngày 30-6 năm nay.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23-3, hàng trăm nghị sĩ Mỹ đã gửi thư cảnh báo sẽ tìm mọi cách ngăn chặn nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama không dành cho Quốc hội quyền xem xét mọi thỏa thuận có thể đạt được liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi nhiều năm qua của Iran.
 
Trong bức thư ngỏ do 367 hạ nghị sĩ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, chiếm 84% Hạ viện, đồng ký tên gửi Tổng thống Obama cảnh báo rằng mọi thỏa thuận với Iran muốn thực hiện phải đi kèm việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt do Quốc hội Mỹ áp đặt, do vậy Quốc hội cần phải được quyền xem xét các điều kiện của thỏa thuận đó trước khi thông qua một dự luật mới nới lỏng hoặc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.
 
Tuy cũng đòi quyền xem xét và phê chuẩn thỏa thuận giống bức thư ngỏ đầy tranh cãi mà 47 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa gửi các nhà lãnh đạo Iran, nhưng bức thư ngày 23-3 của 367 hạ nghị sĩ không đe dọa sẽ điều chỉnh, thậm chí hủy bỏ thỏa thuận đó khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào cuối năm 2016. Bức thư của Hạ viện Mỹ bày tỏ quan ngại, vì quá gấp gáp về thời gian, nên chính quyền Obama có thể chấp nhận nhiều nhượng bộ, dẫn tới nguy cơ không ngăn chặn được Iran chế tạo bom hạt nhân. Quan điểm của 367 hạ nghị sĩ Mỹ là một hiệp định toàn diện và lâu dài, nếu đạt được, phải bao gồm một điều khoản theo đó dỡ bỏ phần lớn các cơ sở hạt nhân tới mức Tehran không còn cách nào để chế tạo được một quả bom hạt nhân. Quyền được thanh sát và kiểm chứng bất kỳ lúc nào đối với các cơ sở hạt nhân của Iran cũng là một điều kiện cần phải đưa vào trong hiệp định.
 
Trước đó, vào ngày 20-3 Iran và Nhóm P5+1 đã tạm ngừng đàm phán để cùng dự thảo các điều khoản của một thỏa thuận khung, theo đó Iran đồng ý cắt giảm 40% các thiết bị có thể sử dụng để chế tạo bom hạt nhân tại các lò phản ứng hạt nhân, đổi lại, Mỹ và các nước đồng minh sẽ nhanh chóng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt kinh tế, đồng thời bãi bỏ một phần lệnh của Liên hiệp quốc cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran. 
 
Iran và nhóm P5+1 cũng đã sơ bộ nhất trí về việc cho phép Iran giữ lại 6.000 trong hơn 10.000 thanh nhiên liệu hạt nhân hiện có, thay vì 6.500 như dự định trước đây, sau khi đã được tinh chế lại để giảm bớt hàm lượng urani tới mức không thể chế tạo được bom hạt nhân. Trước đây, Mỹ nhất quyết yêu cầu Iran chỉ được giữ lại 500 đến 1.500 hoặc tối đa là 4.000 thanh nhiên liệu hạt nhân. Số thanh nhiên liệu còn lại sẽ được chuyển ra nước ngoài. Giới chức Mỹ cho rằng nếu đồng ý với các điều kiện này, Iran sẽ phải mất ít nhất một năm mới có thể chế tạo được bom hạt nhân. 
 
Về thời gian Iran phải tạm ngừng toàn bộ các hoạt động hạt nhân, các quan chức Mỹ cho biết tối thiểu là 10 năm, nhưng có thể kéo dài 15, thậm chí 20 năm. Ngoài ra, Mỹ và các nước cũng sẽ sớm nhất, từng bước bãi bỏ các biện pháp bao vây phong tỏa kinh tế Iran.
 
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.