Multimedia Đọc Báo in

Chiến dịch không kích IS tiêu diệt 1.900 tay súng thánh chiến

05:26, 25/04/2015
Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiêu diệt hơn 1.900 tay súng thánh chiến kể từ khi bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái.
 
Hãng tin RT của Nga dẫn thông tin của Tổ chức giám sát nhân quyền Syria cho biết, tổng số người thiệt mạng trong chiến dịch không kích của liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu là hơn 2.000 người. Trong đó, con số chính xác 66 dân thường đã bị giết hại, gồm 10 trẻ em và 6 phụ nữ.
 
Trước đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cũng thông báo số người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại quốc gia Trung Đông này đã vượt qua mốc 222 nghìn. Người đứng đầu Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria Abdel Rahman tuần trước cho biết, đã có hơn 222.270 người thiệt mạng kể từ khi bạo lực bùng phát tại Syria hồi tháng 3-2011, trong đó hơn 67.000 dân thường, gồm cả 11.000 trẻ em. Tổ chức này lo ngại con số thực tế có thể còn cao hơn khi mà thống kê này chưa bao gồm khoảng 20 nghìn người được thông báo mất tích.
 
Khủng hoảng Syria cũng đã đẩy hơn 3,8 triệu người rời bỏ quê hương chạy tị nạn sang các nước láng giềng. Trong khi đó, Liên hiệp quốc thông báo hơn 7,2 triệu người khác đang mắc kẹt vì bạo lực trong nước. Hàng triệu người này đã bị mất nhà cửa và phải chịu thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.
 
Trong một diễn biến khác, theo Reuters, ngày 22-4 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Nga đang vũ trang cho Iraq và Syria để giúp 2 nước này chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
 
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Lavrov nói: "Chúng tôi đang giúp đỡ cả Iraq và Syria, có khi là hiệu quả hơn tất cả các bên khác, bằng việc cung cấp vũ khí cho quân đội và lực lượng an ninh của họ". Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga không nói rõ chi tiết về những vũ khí này.
 
Nga từng chỉ trích các cuộc không kích mà liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành nhằm vào các vị trí của IS tại Syria và Iraq, đồng thời hối thúc Washington hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống IS.
 
Cũng trong ngày 22-4, lãnh đạo quân đội các quốc gia Liên đoàn Arab (AL) đã bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng quân đội chung của khu vực nhằm đối phó với các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
 
Phát biểu tại cuộc gặp Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước Arab, diễn ra tại trụ sở AL ở Cairo (Ai Cập), Chủ tịch AL Nabil al-Arabi nói rằng việc thành lập lực lượng quân sự chung của khối không nhằm chống lại bất cứ quốc gia nào khác. Mục đích chính của kế hoạch này là tiến hành các cuộc chiến chống khủng bố và duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.
 
Dưới sự chứng kiến của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ai Cập, tướng Mahmud Hegazy, các đại biểu sẽ thảo luận chi tiết về các vấn đề liên quan cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động và nguồn tài chính đóng góp của các quốc gia thành viên. Tướng Hegazy cho rằng lực lượng này có thể sẽ được triển khai can thiệp vào các cuộc xung đột nội bộ, đồng thời cảnh báo không nên xem nhẹ tác động của các cuộc xung đột này đối với các quốc gia thành viên Arab khác.
 
Hồi tháng 3 vừa qua, các thành viên AL đã nhất trí thành lập lực lượng quân sự chung, các thành viên sẽ có thời gian bốn tháng để quyết định các nội dung thảo luận. 
 
Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thúc đẩy sáng kiến nói trên sau khi các tay súng IS hành quyết một nhóm người Ai Cập theo đạo Cơ đốc tại Libya, dẫn đến các cuộc không kích của Ai Cập vào các mục tiêu IS ở nước này. Ý tưởng trên cũng được tiếp thêm động lực sau khi liên quân 10 nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã mở các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite tại Yemen.
 
Theo dự kiến, cuộc gặp lần này sẽ đưa ra các đề xuất gửi lên lãnh đạo các quốc gia thành viên và hy vọng sẽ được thông qua trong thời gian ba tháng. Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong khối, sẽ đóng vai trò nòng cốt trong liên minh quân sự sắp tới.
 
Hải Như (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.