Multimedia Đọc Báo in

Động đất khủng khiếp ở Nepal: Hơn 2000 người thiệt mạng

10:14, 27/04/2015
Theo thông báo của Nepal và các quốc gia láng giềng vào ngày 26-4, tổng số người thiệt mạng trong trận động đất khủng khiếp, tàn phá hầu hết đất nước thuộc dãy núi Himalaya đã vượt qua mốc 2000.
 
Người phát ngôn cảnh sát quốc gia Kamal Singh Ban cho hay con số người chết đã xác nhận ở Nepal đã tăng lên tới 1.953 người, trong khi các quan chức ở Ấn Độ nói con số tử vong ở nước này là 53 người. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết có 17 người thiệt mạng ở khu vực Tây Tạng.
 
Trận động đất xảy ra ngày 25-4, cách thủ đô Kathmandu 81 km về phía Tây Bắc, là trận động đất mạnh nhất ở Nepal trong hơn 80 năm qua.  
 
Người dân tìm kiếm người sống sót tại quảng trường Durbar, thủ đô Kathmandu sau động đất ngày 25-4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân tìm kiếm người sống sót tại quảng trường Durbar, thủ đô Kathmandu sau động đất ngày 25-4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhân viên cứu trợ dùng tay không đào đất cứu nạn nhân còn các thi thể cứ chồng cao lên mãi là cảnh tượng ở Nepal trong ngày 26-4 sau một ngày trận động đất xảy ra. Sĩ quan quân đội Santosh Nepal dẫn đầu một nhóm cứu trợ nỗ lực làm việc suốt đêm để mở một đường dẫn vào tòa nhà đổ sập ở thủ đô Kathmandu. Họ chỉ có thể dùng rìu vì xe ủi không thể đi lọt qua những con phố chật chội trong khu phố cổ. "Chúng tôi chắc chắn vẫn còn người mắc kẹt bên trong", ông nói với Reuters, chỉ tay vào đống bêtông đổ nát, những chiếc dầm bị vặn cong vốn là một phần tòa nhà chung cư 3 tầng.

Trong số những kiến trúc nổi tiếng bị sập do vụ động đất có Tháp Dharahara cao 60 m, được xây dựng vào năm 1832 để tôn vinh nữ hoàng Nepal, nơi có ban công ngắm cảnh dành cho khách du lịch suốt 10 năm qua. Giờ thì cái tháp đó đã đổ sập. Khi các thi thể được kéo ra khỏi đống đổ nát, một cảnh sát cho biết có đến 200 người kẹt ở bên trong.
 
Các thi thể vẫn tiếp tục được đưa về một bệnh viện ở Kathmandu. Viên sĩ quan cảnh sát Sudan Shreshtha cho hay chỉ riêng nhóm của anh đã đưa 166 thi thể về đó trong đêm. Các thi thể chất đầy trong một căn phòng tối; một số có phủ vải, một số không. Ở bên ngoài, một người phụ nữ khoảng 30 tuổi, người bị mất chồng trong vụ động đất khủng khiếp này, đang than khóc: "Đức Chúa trời ơi, sao ngài lại chỉ mang anh ấy đi? Hãy đưa tôi theo cùng".
 
Nhà chức trách đang vật lộn tổ chức nơi trú ngụ cho hàng ngàn người dân ở thủ đô. Đêm qua họ đã phải nằm ngoài trời giá lạnh và dưới cơn mưa vì không dám trở về những ngôi nhà đã tan hoang.
 
Trận động đất 7,9 độ Richter xảy ra vào trưa 25-4, đúng vào thời điểm bận rộn trong năm của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào mùa du lịch leo núi này. Ước tính vào lúc đó có khoảng 300.000 người nước ngoài đang ở Nepal. Người leo núi nước ngoài cùng những hướng dẫn viên Nepal quanh đỉnh Everest đã bị kẹt trong vụ lở tuyết do dư chấn động đất, mà hậu quả là số người chết lên tới mức cao chưa từng thấy so với bất kỳ thảm họa nào trên ngọn núi cao nhất thế giới này. Người ta đã đếm được 17 cái xác tại trại lưng chừng núi, và 61 người bị thương khi một phần trại bị ngập trong tuyết.
 
Ngày 26-4, các tổ chức cứu trợ quốc tế và chính phủ nhiều nước đang nhanh chóng triển khai nỗ lực đưa nhân viên cứu hộ và vật phẩm thiết yếu tới khu vực hứng chịu trận động đất mạnh ở Nepal khiến hơn 2.200 người thiệt mạng.
 
Hiện tại, đội cứu hộ từ Mỹ cùng một số nước châu Âu và châu Á đã có mặt tại thủ đô Kathmandu và một số vùng nông thôn của Nepal, khu vực đang bị chia cắt với thế giới bên ngoài do mạng lưới truyền thông ngừng hoạt động, để tìm kiếm những người sống sót.  
 
Quang cảnh tan hoang ở thủ đô Kathmandu (Nepal) sau trận động đất kinh hoàng (Ảnh: AFP)
Quang cảnh tan hoang ở thủ đô Kathmandu (Nepal) sau trận động đất kinh hoàng (Ảnh: AFP)

Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ cho biết, họ đã hỗ trợ ban đầu 1 triệu USD cho chính phủ Nepal. Australia và New Zealand cùng cam kết hỗ trợ hơn 4,5 triệu USD cho Nepal. Chỉ vài giờ sau khi xảy ra thảm họa, Ấn Độ đã cử hai đội tìm kiếm và cứu trợ gồm 96 nhân viên và 15 tấn hàng viện trợ tới Nepal. Lực lượng không quân Ấn Độ đã triển khai 3 máy bay để sơ tán du khách Ấn Độ bị kẹt tại Nepal và tính đến đêm 25-4 đã có 312 người được đưa về nước an toàn. Các nước khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Srilanka Pakistan cũng đã cử đội cứu hộ lên đường tới Nepal vào ngày 26-4. Liên minh châu Âu cũng đang cử các chuyên gia cứu trợ nhân đạo tới khu vực bị ảnh hưởng từ trận động đất. 

Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gửi lời chia buồn tới chính phủ và người dân Nepal và các nước láng giếng đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ giúp các nước bị ảnh hưởng bởi động đất. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Ahman, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN cho biết: "Các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ tình đoàn kết tại thời điểm này. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tham gia cùng quốc tế trong việc trợ giúp chính phủ và người dân các nước Nepal, Ấn Độ và Bangladesh".
 
Hiện công tác cứu hộ tại Nepal đang diễn ra khá chậm chạp do thời tiết xấu và thiếu thiết bị. Các đội cứu hộ phân phát lều bạt và hàng cứu trợ cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hầu hết các khu vực bị mất điện và nước. Chỉ vài giờ sau trận động đất, các bệnh viện đã quá tải khi số người bị thương liên tục được đưa về.
 
Các quốc gia láng giếng như Ấn Độ và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ngày 26-4, Nepal tiếp tục hứng chịu thêm cơn dư chấn mạnh 6,7 độ richter. Dự kiến số thương vong sẽ tiếp tục tăng vì nhiều khu vực các nhân viên cứu hộ chưa thể tiếp cận.
 
Hải Hà (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.