Multimedia Đọc Báo in

EU công bố kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trái phép

14:29, 22/04/2015
Ngày 20-4, tại Hội nghị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề đối ngoại Federica Mogherini đã công bố kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng liên quan đến làn sóng người di cư trái phép tràn vào châu Âu.
 
Trong kế hoạch 10 điểm nói trên, các bộ trưởng nhất trí cơ quan giám sát biên giới EU hiện nay là Triton cần được tăng cường để mở rộng quy mô và khả năng hoạt động đến sườn phía Nam của liên minh. Triton là đơn vị thay thế phái bộ Mare Nostrum, bị Italy giải tán để phản đối việc các đối tác khác trong EU không chia sẻ gánh nặng với Italy trong việc đối phó và giải quyết tình trạng nhập cư trái phép. 
 
Một tàu chở người nhập cư (bên trái) trên biển Địa Trung Hải (Ảnh Reuters)
Một tàu chở người nhập cư (bên trái) trên biển Địa Trung Hải (Ảnh Reuters)

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EU cũng sẽ nỗ lực thu giữ hoặc phá hủy những chiếc thuyền chở người di cư trái phép và tăng cường hợp tác trong toàn liên minh, đồng thời sẽ triển khai một dự án tái định cư thí điểm trên cơ sở tự nguyện nhằm cung cấp nơi ở cho những đối tượng cần được bảo vệ.

Theo bà Mogherini, EU cần thể hiện rõ tinh thần tập thể sẵn sàng ứng phó khẩn cấp mà tổ chức này thường thể hiện khi phản ứng trong các thời kỳ khủng hoảng. Bà cho biết EU cần theo đuổi những giá trị và cam kết nhân đạo của mình đối với người di cư, đồng thời nhấn mạnh đẩy họ trở lại đồng nghĩa giết chết họ theo một cách khác.
 
Trong một động thái quan trọng, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thông báo việc triệu tập Hội nghị thượng đỉnh EU khẩn cấp vào ngày 23-4 để thảo luận kế hoạch trên, khẳng định EU không thể chấp nhận việc hàng trăm người bỏ mạng trên biển.
 
Italia, nơi tiếp nhận hầu hết di dân bất hợp pháp từ Libya cũng đã kêu gọi triệu tập hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng lên tiếng ủng hộ một hội nghị thượng đỉnh EU về vấn đề này. Thủ tướng Hy Lạp Alex Tsipras kêu gọi châu Âu thúc đẩy sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ ở Địa Trung Hải. Ông cũng kêu gọi sáng kiến ngoại giao để giúp giải quyết xung đột tại Syria, Iraq và Libya - nguồn căn thúc đẩy nhiều người phải chạy sang châu Âu lánh nạn.
 
EU kêu gọi tổ chức các cuộc họp khẩn cấp trong bối cảnh vừa xảy ra thảm họa lật tàu chở người di cư trái phép ở ngoài khơi Libya đêm 18-4 vừa qua, khiến 800 người được cho là thiệt mạng. Vụ tai nạn này đã nâng tổng số người di cư bỏ mạng ở Địa Trung Hải trong năm nay lên 1.600 trường hợp.
 
Thảm kịch nhập cư đêm 18-4 đã làm nóng thêm những lời kêu gọi Liên minh châu Âu phải có biện pháp ứng phó mạnh mẽ hơn đối với cuộc khủng hoảng nhập cư đang ngày càng trầm trọng hơn  tại khu vực Địa Trung Hải. Theo Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Liên minh châu Âu "không thể hành động như thể mỗi thảm kịch đều sẽ là lần cuối". “Nếu chúng ta không thể giải quyết được tận gốc vấn đề, thì chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt được nó. Mỗi ngày trên Địa Trung Hải, chúng ta lại phải chứng kiến một cuộc thảm sát, lại phải đau lòng khi có quá nhiều người người dường như đã bị chúng ta lãng quên”, ông Renzi nhấn mạnh. 
 
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người di cư lên đảo Rhodes sau vụ chìm tàu. (Nguồn: THX/TTXVN)
Lực lượng cứu hộ hỗ trợ người di cư lên đảo Rhodes sau vụ chìm tàu. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), khoảng 20.000 người nhập cư đã đến bờ biển Italy trong năm nay. Con số này ít hơn so với bốn tháng đầu năm ngoái nhưng số người chết tăng lên gấp chín lần.  Dự đoán trong năm nay, Italy có thể sẽ phải tiếp nhận tới 250.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển, một con số cao chưa từng có trong lịch sử. Theo Chính phủ Italy, sự bất ổn ở Bắc Phi và chiến tranh ở Syria, cũng như Iraq là một trong những nguyên nhân chính khiến dòng người chạy sang châu Âu tị nạn ngày một tăng. Năm ngoái, Italy đã tiếp nhận 170.000 nghìn người nhập cư, hầu hết từ Bắc Phi, bằng tổng số người nhập cư đã đến nước này 3 năm trước đó cộng lại.

Sự gia tăng chóng mặt của dòng người nhập cư đã đẩy Italy vào hoàn cảnh khó khăn, khi các trung tâm tiếp nhận đã ở tình trạng quá tải, trong khi sự phản đối của người dân ngày càng tăng. Ông Daniel Albanese, một nhân viên cứu hộ tại Italy cho rằng: “Lúc này, các trung tâm tiếp nhận trên khắp cả nước gần như đã đủ chỗ. Và vì thế, nếu làn sóng di cư vẫn tiếp tục đổ về Italy, thì những trại này sẽ đối mặt với nguy cơ quá tải. Có thể nói, làn sóng di cư mới sau lễ phục sinh đang thử thách toàn bộ hệ thống tị nạn của Italy”. Việc có hơn 10.000 người nhập cư đổ đến Italy chỉ trong một tuần và thảm kịch nhập cư mới nhất này đã cho thấy mức độ khẩn cấp của tình hình và  đặt các thể chế châu Âu trước  yêu cầu cấp bách phải xem xét lại chính sách của mình.
 
Hiện có nhiều ý kiến chỉ trích chiến dịch bảo vệ biên giới “Triton” mà Liên minh châu Âu phát động từ đầu năm 2014, cho rằng nó không hiệu quả, cũng như quy mô quá nhỏ khi chỉ tiến hành cứu nạn người nhập cư nếu như nhận được tín hiệu cấp cứu. 
 
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV, SGGP)
 

Ý kiến bạn đọc