09:55, 14/04/2015
Từ ngày 10 đến 12-4, tại Panama đã diễn ra Hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ lần thứ 7 với chủ đề “Thịnh vượng với công bằng: Sự thách thức trong hợp tác tại châu Mỹ”. Kỳ hội nghị này được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm với sự tham gia lần đầu tiên của Cuba và cũng là lần đầu tiên cuộc gặp quy tụ được toàn bộ 35 quốc gia thành viên kể từ năm 1962.
Được tổ chức 3 năm một lần kể từ năm 1994, Hội nghị cấp cao các nước châu Mỹ được xem là cơ hội để các nước đối thoại về nhiều vấn đề và trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ và trao đổi tự do. Và đúng như tên gọi của nó, hợp tác hiện là một trong những thách thức lớn nhất của châu lục, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên đã bắt đầu tỏ ra thất vọng, cho rằng tổ chức này bị Mỹ chi phối và đều tỏ ra không đồng tình với chính sách của Mỹ đối với Cuba. Chính vì thế, hội nghị đã nóng lên ngay cả trước khi diễn ra, với việc Mỹ và Cuba tuyên bố nối lại các cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ, tạo ra một sự thay đổi lịch sử của châu lục. Triển vọng về một sự xích lại, chấm dứt lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba, đã làm dịu đi tâm lý chống Mỹ thường thấy tại hội nghị cấp cao diễn ra 3 năm/lần này và đây cũng là một trong số ít điều mà các nước Mỹ Latin đạt được đồng thuận.
Sáng 12-4, Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama kết thúc muộn hơn kế hoạch 5 tiếng. Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thảo luận những thách thức mới nổi trong các lĩnh vực như giáo dục, năng lượng, nhập cư và an ninh. Một vài vấn đề gây tranh cãi được đưa ra bàn thảo như quan hệ Mỹ-Venezuela, tranh chấp lãnh thổ giữa Argentina và Anh, biến đổi khí hậu, hòa bình tại Colombia… Sau các cuộc đàm phán Maraton và kéo dài muộn hơn 5 tiếng so với dự kiến, hội nghị kết thúc nhưng không đưa ra được tuyên bố chung.
Nhiều nhà lãnh đạo cho rằng, hội nghị kết thúc không có tuyên bố chung do những chia rẽ vẫn tồn tại. Tuy vậy, đối với nhiều nhà ngoại giao, hội nghị lần này có thể không thành công trong văn bản, nhưng lại được đánh giá là hội nghị của sự hòa giải giữa các quốc gia có nhiều bất đồng. Hội nghị lần này chứng kiến sự tham dự đầu tiên của nhà lãnh đạo Cuba kể từ năm 1994. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2012 diễn ra tại Colombia, tất cả các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh và Caribe đã nhất trí mời Cuba tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng đã vấp phải sự phản đối từ phía Mỹ và Canada.
|
Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị chụp ảnh chung ngày 11-4. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Điểm đáng chú ý nhất trong hội nghị lần này là cuộc hội đàm lịch sử của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nước trong 56 năm qua. Trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí quyết tâm đối thoại, tiến tới tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở ra trang sử mới trong mối quan hệ phức tạp giữa hai nước. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Obama tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro, trong đó, ông Obama đã tái khẳng định Washington không đe dọa Caracas. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ Latinh cũng chỉ trích sắc lệnh hành pháp mới đây của Tổng thống Obama trong đó gọi Venezuela là "mối đe dọa an ninh" đối với Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các quan chức của chính quyền Caracas bị cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Mặc dù không có những chuyến biến rõ rệt như cuộc gặp Mỹ-Cuba, nhưng cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Venezuela diễn ra trong bầu không khí “tôn trọng và chân thành”. Tổng thống Obama bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc đối thoại hòa bình tại Venezuela và mong muốn nền dân chủ, sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Venezuela cũng khẳng định sẵn sàng thảo luận với sự tôn trọng và chân thành vào bất kỳ thời điểm nào. Vốn bị nhiều nước Mỹ Latinh chỉ trích can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong một thông điệp tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Panama lần này, Tổng thống Obama nhấn mạnh, thời kỳ mà Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Mỹ Latinh đã qua. “Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt giữa các nước. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng các nước tham gia hội nghị cũng sẽ ủng hộ chúng ta có thể nói sự thật và thẳng thắn thay mặt những nhóm người dễ bị tổn thương, những người không có quyền và không có tiếng nói”, ông Obama cho biết.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela thông báo hội nghị thượng đỉnh tiếp theo sẽ diễn ra tại Peru năm 2018.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc