Multimedia Đọc Báo in

Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân

17:16, 05/04/2015
Sau 8 ngày thương lượng và mặc cả thâu đêm, ngày 2-4 nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã đạt được thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Tehran.
 
Các bên nhất trí về các nội dung và định hướng lớn
 
Các quan chức Mỹ và phương Tây gần gũi với tiến trình đàm phán tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ cho biết P5+1 và Iran đã nhất trí về các nội dung và định hướng lớn, mở đường hướng tới một thỏa thuận cuối cùng trong ba tháng còn lại, kết thúc ngày 30-6. 
 
Các quan chức cho biết những nội dung đã được nhất trí không được tiết lộ vì hai bên còn có khác biệt trong cách thức công bố công khai các nội dung đã đạt được. Tuy nhiên, theo Reuters/AFP, ngày 2-4, một nguồn tin phương Tây cho biết Iran và nhóm P5+1 đã nhất trí rằng 2/3 năng lực làm giàu urani của Iran sẽ bị hủy bỏ và bị giám sát trong 10 năm nếu các bên đạt được 1 thỏa thuận toàn diện vào trước ngày 30-6. Theo nguồn tin trên, nếu đạt được thỏa thuận cuối cùng, Tehran sẽ pha loãng hoặc chuyển ra nước ngoài hầu hết trữ lượng urani đã làm giàu. Sau 10 năm đầu tiên, quá trình nghiên cứu và phát triển máy ly tâm sẽ bị hạn chế và bị giám sát. Các hạn chế khác nhau đối với chương trình hạt nhân của Iran sẽ tiếp tục trong vòng 1/4 thế kỷ. Nếu Tehran tuân thủ thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ dần được dỡ bỏ. Nguồn tin nói rằng đây là một phần trong sự nhất trí sơ bộ về chính trị đạt được giữa Tehran và 6 cường quốc trong ngày 2-4. 
 
Trưởng đoàn đàm phán của Iran và nhóm P5+1 tại buổi họp báo sau khi kết thúc đàm phán ở Lausanne. (Nguồn: AFP)
Trưởng đoàn đàm phán của Iran và nhóm P5+1 tại buổi họp báo sau khi kết thúc đàm phán ở Lausanne. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, truyền thông Iran dẫn nguồn thạo tin phái đoàn đàm phán Iran cho hay nước này sẽ giảm số máy ly tâm làm giàu urani từ 19.000 xuống còn 6.000 theo như một phần trong thỏa thuận hạt nhân kéo dài 10 năm. Trong số 6.000 máy được giữ lại này sẽ bao gồm khoảng 1.000 máy ly tâm, vốn có thể được sử dụng để làm nguyên liệu cho máy phát điện hoặc cho vũ khí hạt nhân, tại cơ sở Fordo song chúng sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu thuần túy.

Hai phát ngôn viên của cuộc đàm phán tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ), là Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Zavad Zarif  đánh giá: Thỏa thuận khung đạt được đêm 2-4 giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ hạn chế được khả năng làm giàu urani của Tehran, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác khoa học mới trong lĩnh vực năng lượng của nước này.
 
Theo bà Mogherini, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ cho phép Tehran sử dụng các công nghệ hiện đại, trong khi được quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của nước này để thanh tra. Iran sẽ được tham gia hợp tác quốc tế trong sản xuất năng lượng hạt nhân cũng như xây dựng các lò phản ứng nghiên cứu. Tới đây các liên doanh quốc tế sẽ tiến hành hiện đại hóa các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran, cụ thể là tại Fordo và Arak, trong đó nhà máy Fordo sẽ được sử dụng như một trung tâm vật lý và công nghệ hạt nhân, còn lò phản ứng nước nặng tại trung tâm nghiên cứu Arak sẽ được thiết kế lại theo công nghệ hiện đại, nhằm loại trừ khả năng sản xuất plutoni dùng cho vũ khí tại đây. Nhà máy tại Natanz sẽ chỉ sản xuất urani hàm lượng thấp 3,76% phục vụ cho mục đích dân sự.
 
Trong khi đó, theo tin từ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và truyền thông Iran, thỏa thuận khung quy định Tehran sẽ phải cắt giảm 98% lượng urani làm giàu và không sản xuất plutoni trong vòng 15 năm. Số lượng máy ly tâm của Iran cũng được giảm 2/3, còn 6.000 từ 19.000 máy hiện nay. Tuy nhiên, trong 10 năm tới Iran chỉ được phép sử dụng 5.060 máy ly tâm để làm giàu hạt nhân.
 
Theo Kế hoạch tổng thể chung được thông qua tại Lausanne, trong vòng 15 năm tới Iran đồng ý không xây mới bất kỳ cơ sở làm giàu urani nào, không làm giàu urani quá 3,67% và giảm kho nhiên liệu làm giàu của mình từ 10 tấn xuống còn 300kg. Lượng nguyên liệu hạt nhân dư thừa sẽ phải chuyển ra ngoài đất nước, không loại trừ đến Nga. 
 
Một nội dung bất đồng rất khó thỏa thuận nữa là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo thỏa thuận Lausanne, quá trình nới lỏng và bãi bỏ trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cũng như một số quốc gia, trong đó có Mỹ, sẽ được tiến hành đồng bộ và tương ứng với tình hình Tehran thực hiện các cam kết trên. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt có thể được nối lại nếu thỏa thuận khung không được thực hiện. Thời hạn thanh tra quốc tế đối với một số cơ sở hạt nhân của Iran được duy trì trong 25 năm. Iran cũng cho phép các thanh tra quốc tế được tiếp cận rộng hơn với chương trình hạt nhân của mình, bao gồm các cơ sở "đã và còn chưa được công bố".
 
Quốc tế hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân Iran với nhóm P5+1
 
Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân vừa đạt được giữa nhóm P5+1 và Iran đã nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. 
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2-4 hoan nghênh văn kiện này, coi đây là một thắng lợi của các nỗ lực ngoại giao bền bỉ. Phát biểu của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo bất thường tại Vườn Hồng của Nhà Trắng cho biết thỏa thuận khung đạt được ngày 2-4 liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, sau 18 tháng nỗ lực ngoại giao “gay cấn và có nguyên tắc” là một kết quả mang tính lịch sử, góp phần làm cho thế giới trở nên an toàn hơn. Ông chủ Nhà Trắng ví thỏa thuận này giống như Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, dẫn tới tránh được một nguy cơ chiến tranh hạt nhân. 
 
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ cũng đã có các cuộc điện đàm về việc này với Tổng thống Pháp Francois Hollande; Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron. Thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết trong các cuộc đàm thoại, Tổng thống Obama cùng các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về nội dung của thỏa thuận khung vừa đạt được với Iran, đồng thời thống nhất các bước đi tiếp theo nhằm đạt tới mục tiêu ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Tổng thống Obama nhấn mạnh lãnh đạo các nước châu Âu đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán với Iran. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đều khẳng định thỏa thuận khung là một bước tiến mang tính lịch sử hướng tới một giải pháp toàn diện và lâu dài liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi suốt 12 năm qua của Tehran. 
 
Người dân Iran xuống đường ăn mừng thành công của vòng đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân Iran xuống đường ăn mừng thành công của vòng đàm phán. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Merkel nhận định thỏa thuận khung đạt được với Iran là "một bước tiến quan trọng" đưa cộng đồng quốc tế tới gần nhất từ trước tới nay mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mặc dù ủng hộ quan điểm này, song Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cẩn trọng hơn khi nhận định vẫn còn nhiều chi tiết cần được xử lý và "nhiều câu hỏi cần lời giải đáp" trước khi hoàn tất thỏa thuận cuối cùng. Tuyên bố từ văn phòng Tổng thống Hollande cũng cảnh báo có thể áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định Paris sẽ theo dõi sát sao để bảo đảm một thỏa thuận cuối cùng "đáng tin cậy" và "có thể giám sát được".

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh thỏa thuận khung trên, cho rằng đây là động thái công nhận "quyền vô điều kiện" của Tehran trong việc theo đuổi một chương trình hạt nhân dân sự. Theo Moskva, thỏa thuận giữa Iran và P5+1 sẽ "tác động tích cực" lên tình hình an ninh tại Trung Đông, với Iran đóng một vai trò chủ động hơn trong việc giải quyết các tranh chấp và xung đột trong khu vực.
 
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự vui mừng trước việc đạt được thỏa thuận khung nói trên, cho rằng nó sẽ mở đường cho việc củng cố hòa bình và ổn định ở Trung Đông. Trong khi đó, tuyên bố của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hoan nghênh diễn biến mới nhất này đồng thời khẳng định IAEA sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm giám sát việc triển khai các giải pháp hạt nhân sau khi các bên hoàn tất thỏa thuận cuối cùng. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini cho biết Mỹ và EU sẽ dỡ bỏ toàn bộ các trừng phạt liên quan tới vấn đề hạt nhân hiện đang áp đặt lên Iran ngay sau khi IAEA xác nhận Tehran tuân thủ đúng các cam kết trong thỏa thuận.
 
Thỏa thuận hạt nhân Iran và P5+1 có thể khiến giá dầu giảm sâu
 
Thỏa thuận khung giữa Iran và nhóm P5+1 ngày 2-4 khơi thông “nút thắt” cho hoạt động khai thác dầu mỏ của Iran, khiến giá dầu bất ngờ lao dốc.
 
MarketWatch dẫn số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa New York cho biết giá dầu trên thị trường thế giới ngày 2-4 tiếp tục sụt giảm thêm gần 4%. Giá dầu thô Brent của Biển Bắc giao tháng 5 giảm 2,15 USD, tương đương với 3,8%, xuống còn 54,95 USD. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ trong ngày cũng giảm thêm 0,95 USD, tương ứng với 2,0%, xuống còn 49,14 USD/thùng.
 
MarketWatch cũng dẫn lời chuyên gia phân tích tài chính của hãng AvaTrade, ông Naeem Aslam cho rằng, thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân giữa Iran và P5+1 sẽ mở đường cho phép Iran tăng số lượng khai thác dầu thô. “Với nguồn cung dư thừa, lẽ đương nhiên giá dầu “tuột xích” và rơi xuống nhanh chưa từng có”. Ông Aslam đưa ra dự báo: “Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến giá loại nhiên liệu sống còn đối với mọi nền kinh tế này dễ dàng lao dốc xuống mức 30 USD/thùng”. Hiện nay, do lệnh cấm vận, Iran chỉ có thể xuất khẩu 1 triệu thùng dầu so với 2,5 triệu thùng/ngày của thời điểm trước khi có lệnh cấm. Với tiềm năng của mình, Iran trong vòng vài tháng có thể tăng lượng xuất khẩu dầu thô thêm từ 600.000 đến 800.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, ông Bob McNally, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ George W. Bush, hiện là cố vấn của công ty nghiên cứu năng lượng Rapidan Group, cho rằng khả năng trên chưa thể trở thành hiện thực ngay lập tức vì các biện pháp trừng phạt kinh tế “không thể được dỡ bỏ trước cuối năm 2015, thậm chí đầu năm 2016”.
 
Theo các nhà phân tích, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đối mặt thâm hụt hàng trăm tỷ USD từ Thỏa thuận hạt nhân Iran. Dự báo của Business Insider trước thời điểm Thỏa thuận khung Iran – P5+1 được thông qua, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Arab thâm hụt ngân sách ít nhất là 122 tỷ USD trong năm 2015. Con số này dựa trên tình hình giá dầu trên dưới 49 USD/thùng cũng như khả năng duy trì mức giá này, để không bị tụt xuống sâu hơn nữa ít nhất trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, trước thông tin mà chuyên gia phân tích tài chính Naeem Aslam đưa ra: khả năng giá dầu còn xuống tới 30 USD/thùng thì thiệt hại với các nước vùng Vịnh còn “kinh khủng” hơn nhiều. 
 
Toàn cảnh cuộc đàm phán tại Lausanne ngày 30-3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh cuộc đàm phán tại Lausanne ngày 30-3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu bắt đầu giảm từ mức 100 USD/thùng kể từ tháng 6-2014 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sản lượng dư thừa khi công nghệ khai thác khí đá phiến của Mỹ bùng nổ và nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm sút. Giá dầu tiếp tục đà rơi tự do kể từ khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng khai thác hồi tháng 11-2014. Ngày 26-3, sau thời điểm các nước Arab tiến hành không kích ở Yemen, giá dầu đột ngột tăng vọt tới 6%, ở mức trên 51 USD/thùng.

Nhà phân tích kinh tế chính trị thế giới Tyler Richey có phân tích ngắn trên trang 7:00’s Report: Việc đưa Thỏa thuận khung này đi đúng hướng hay nói cách khác là bảo vệ nó sẽ không đơn giản ở ngay chính cộng đồng các quốc gia Vùng Vịnh lắm dầu mỏ, khi bản thân Iran vốn là một quốc gia còn phải đối mặt với sự hiềm khích của một số nước đầu tàu OPEC.  Không chỉ thế, về phía Mỹ, Tổng thống Obama sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo vệ thỏa thuận này trước sự đe dọa phá hoại của Đảng Cộng hòa.
 
H.T (tổng hợp từ Vietnamplus, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.