10:06, 27/04/2015
Ngày 25-4, Liên minh châu Âu (EU) thông báo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini sẽ cùng lên một con tàu ở Địa Trung Hải vào ngày 27-4 để bày tỏ "tình đoàn kết" sau khi xảy ra một loạt tai nạn kinh hoàng trên biển đối với những người nhập cư trái phép.
Tuyên bố của EU cho biết ba nhà lãnh đạo này sẽ lên một tàu hải quân của Italy ở ngoài khơi đảo Sicily "để đánh giá tình hình và khuyến khích bảo đảm sự đoàn kết của châu Âu trong nỗ lực chung cứu sống những người nhập cư qua Địa Trung Hải". EU nhấn mạnh cần phải giải quyết tận gốc vấn nạn nhập cư trái phép đang đe dọa mạng sống hàng nghìn người ngoài khơi bờ biển châu Âu.
|
Tàu chở những người di cư tới cảng Messina sau khi được lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cứu. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trước đó, ngày 24-4, các nhà lãnh đạo EU đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp, trong đó quyết định tăng gấp ba nguồn tài chính dành cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ người nhập cư trên biển. Ngoài ra, EU mong muốn Liên hiệp quốc thông qua phái bộ quân sự chung của EU nhằm trấn áp các tàu buôn lậu. Anh và Pháp cũng đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ra nghị quyết hành động tại khu vực hải phận của Libya.
Theo kế hoạch, bà Mogherini sẽ tới New York tuần tới và sẽ gặp những nhân vật chủ chốt tại Liên hiệp quốc để thảo luận vấn đề nhập cư.
Ngày 26-4, trả lời phỏng vấn báo La Stampa của Italy, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi châu Âu không tìm đến biện pháp quân sự trong giải quyết vấn nạn về người di cư trái phép sau vụ chìm tàu làm gần 800 người thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải ngày 18-4.
Ông Ban Ki-moon cho rằng quan trọng hơn là phải xây dựng được một cách tiếp cận toàn cầu, bao quát được gốc rễ của vấn đề, đảm bảo được an ninh và nhân quyền của người tị nạn, ví dụ như lập những kênh di cư hợp pháp và thường xuyên. Tổng thư ký Liên hiệp quốc khẳng định tổ chức lớn nhất hành tinh này sẵn sàng hợp tác với châu Âu trong định hướng đó. Ngoài ra, ông Ban Ki-moon cũng đánh giá EU đã thể hiện cách tiếp cận độc đáo khi ngày 20-4 vừa qua đưa ra kế hoạch 10 điểm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trái phép, coi đây sẽ là bước đi quan trọng đầu tiên tiến tới hành động tập thể trong toàn khối nhằm giải quyết vấn đề.
Trong một diễn biến liên quan, một ngày sau khi Liên minh Châu Âu (EU) công bố các giải pháp được thông qua trong phiên họp khẩn của tổ chức này về việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư, Tòa thánh Vatican đã phản ứng một cách gay gắt, cho đó là “bạo lực” và “không thể giải quyết vấn đề”.
Phát biểu trên Đài phát thanh Vatican, Tổng trưởng Hội đồng Giáo hoàng về người nhập cư, Hồng y Antonio Maria Veglio cho rằng giải pháp ném bom các tàu thuyền neo đậu tại các bến cảng ở Libya mà EU cho là cần thiết để ngăn chặn người nhập cư trái phép, là một “hành động chiến tranh”, ai có thể đảm bảo rằng các đợt oanh tạc ấy không gây thiệt hại về người. Việc EU tăng gấp 3 ngân sách dành cho chương trình tìm kiếm cứu nạn người nhập cư trên biển Triton là “không thể giải quyết trọn vẹn được vấn đề”. Điều mà EU cần là một chương trình dài hạn và một chính sách nhập cư nghiêm túc.
Trả lời phỏng vấn trên kênh CNN (Mỹ) mới đây, Tư lệnh quân đội Libya, Tướng Khalifa Haftar đã bác bỏ khả năng hợp tác trong bất kỳ cuộc can thiệp quân sự nào của châu Âu vào quốc gia Bắc Phi này với ý định ngăn chặn làn sóng người di cư tìm cách vào châu Âu. Tướng Haftar cho biết nhà chức trách Libya chưa được tham vấn và trong bất kỳ sự kiện nào, hành động quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề này. Ông Haftar đã né tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu chính quyền Libya có đối đầu với lực lượng châu Âu trong lãnh thổ nước này hay không. Ông nói: “Liên minh châu Âu cần sát cánh với người dân Libya nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng, thay vì đưa ra những quyết định như vậy”.
|
Người nhập cư trái phép từ các nước Bắc Phi đến châu Âu ngày càng nhiều. |
Trong khi đó, Italy thông báo nhà chức trách nước này ngày 25-4 đã cứu được 274 người nhập cư trái phép trên một chiếc tàu ở Địa Trung Hải. Mặc dù không thông báo chi tiết, song người phát ngôn Hải quân Italy Giorgia Trecca cho biết phát hiện tàu chở người nhập cư này ngoài khơi bờ biển Libya, một ngày sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cứu được 334 người trên chiếc tàu gặp nạn ở ngoài khơi cảng Augusata gần đảo Sicily.
Bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập, dòng người nhập cư vẫn ồ ạt tìm cách vượt biển trên những con tàu cũ kỹ và ọp ẹp để tới Italy với hy vọng sẽ được vào "miền đất hứa châu Âu". Ngày 18-4, chiếc tàu đánh cá chở người di cư bất hợp pháp đến châu Âu bị lật ngoài khơi Libya cách đảo Lampedusa của Italy khoảng 193km về phía Nam khiến 800 người thiệt mạng, trở thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng di cư qua Địa Trung Hải.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đắm tàu này đã nâng tổng số người di cư bỏ mạng trên Địa Trung Hải kể từ đầu năm đến nay lên 1.750 người, gấp 30 lần so với cùng thời gian này năm ngoái.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, SGGP)
Ý kiến bạn đọc