Multimedia Đọc Báo in

Nga tiếp tục lo ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Ukraine

05:23, 25/04/2015
Ngày 23-4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận các vấn đề trọng yếu trong quan hệ song phương, cuộc khủng hoảng Ukraine, chương trình hạt nhân của Iran, cũng như chiến sự leo thang tại Syria và Yemen.
 
Theo Bộ Ngoại giao Nga, tại cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga bày tỏ mối lo ngại của Moskva đối với sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ukraine. Ông Lavrov nhấn mạnh sự hiện diện của binh sĩ Mỹ thuộc Lữ đoàn Không vận 173 ở quân khu Yavoriv, miền Tây Ukraine, cũng như thông tin xuất hiện binh lính Mỹ trà trộn vào hàng ngũ quân đội Ukraine tham chiến tại khu vực Donbass ở miền Đông, là bằng chứng cho thấy chính quyền Kiev đã vi phạm cam kết trong việc rút tất cả lực lượng nước ngoài, trang thiết bị quân sự và lính đánh thuê ra khỏi lãnh thổ quốc gia Đông Âu này.
Binh sỹ Ukraine nghỉ ngơi trên một tuyến đường ở Svitlodarsk, gần Debaltseve ngày 15-2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sĩ Ukraine nghỉ ngơi trên một tuyến đường ở Svitlodarsk, gần Debaltseve ngày 15-2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo ông Lavrov, để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm túc Giải pháp tổng thể thực hiện thỏa thuận Minsk ngày 12-2, đã được nguyên thủ cả 4 nước trong Nhóm Normandy nhất trí. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng nêu rõ Moskva sẵn sàng hợp tác xây dựng với Mỹ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lợi ích quốc gia của Nga và không gây sức ép đối với Nga.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Nga thực hiện trách nhiệm của mình theo thỏa thuận Minsk. Ông Kerry tiếp tục cáo buộc phía Nga cung cấp vũ khí hạng nặng và huấn luyện cho lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, cũng như nói rằng binh sĩ Nga có mặt ở Ukraine, điều mà Moskva nhiều lần bác bỏ.
 
Liên quan vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich một lần nữa khẳng định những thông tin về sự hiện diện của lực lượng Nga tại Ukraine hoàn toàn là tuyên truyền bịa đặt. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ Mỹ trực tiếp có mặt tại khu vực giao tranh ở miền Đông Ukraine, chứ không chỉ xuất hiện ở miền Tây như các kênh truyền hình Ukraine đưa tin.
 
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phê chuẩn chương trình hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2015. Theo đó, chương trình trên bao gồm hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa thông tin liên lạc và trao đổi thông tin; tái đào tạo và bảo đảm thích nghi xã hội đối với các quân nhân, phục hồi chức năng, cũng như hiện đại hóa hệ thống hậu cần của quân đội Ukraine.
 
Trong diễn biến liên quan, Đại sứ Ukraine tại Brussels ngày 23-4 cho biết vào ngày 27-4 tới, nước này sẽ đề nghị Liên minh châu Âu cử chuyên gia đến miền Đông Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ từ tháo gỡ bom mìn tới huấn luyện cảnh sát. Ukraine sẽ nêu lên vấn đề này trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Kiev giữa Tổng thống nước này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
 
Cũng trong ngày 23-4, Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna cho biết nước này có thể sẽ hỗ trợ cho khả năng quốc phòng của Ukraine nếu xung đột leo thang. Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna nói: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng các hành động quân sự gia tăng tại miền Đông Ukraine. Lúc đó chúng tôi sẽ cùng các nước khác đánh giá tình hình và quyết định có tăng cường hỗ trợ với chính quyền Ukraine, trong đó có cả hỗ trợ về năng lực quốc phòng”. 
 
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) tại lễ tiếp nhận gói viện trợ phi sát thương đầu tiên của Mỹ tại sân bay Kiev ngày 25-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) tại lễ tiếp nhận gói viện trợ phi sát thương đầu tiên của Mỹ tại sân bay Kiev ngày 25-3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Poroshenko đang nhận được hỗ trợ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây. Trước đó, các lính dù của Lục quân Mỹ ngày 21-4 đã bắt đầu huấn luyện cho lực lượng vệ binh Quốc gia Ukraine. Động thái này đã khiến Nga vô cùng tức giận trong bối cảnh giao tranh gây thương vong giữa quân đội Kiev và lực lượng đối lập tại miền Đông vẫn liên tiếp nổ ra.

Mỹ công bố kế hoạch đưa 300 lính dù Mỹ sang Ukraine từ tháng 8 năm ngoái và dự định triển khai vào giữa tháng 3 vừa qua nhưng bị trì hoãn vì một số lý do. Kế hoạch đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Nga với cáo buộc chương trình huấn luyện này là "bước đi đầu tiên" để Mỹ tiến tới cung cấp các loại vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine.
 
Theo số liệu của Cơ quan giám sát nhân quyền của Liên hiệp quốc, hơn 6.000 người đã thiệt mạng và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi giao tranh bùng phát tại miền Đông Ukraine hồi tháng 4 năm ngoái.
 
H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc