Multimedia Đọc Báo in

Nga và vùng Vịnh bất đồng về giải quyết khủng hoảng Yemen

16:58, 05/04/2015
Bất đồng giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đang chặn đứng các nỗ lực xây dựng một dự thảo nghị quyết liên quan tới giải quyết tình hình khủng hoảng tại Yemen.
 
GCC đã bắt đầu thương thảo với 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) cùng Jordan ngay sau khi Saudi Arabia tiến hành một chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi theo dòng Shi'ite tại Yemen ngày 26-3 mà không có ủy nhiệm từ Liên hiệp quốc.  
Saudi Arabia đã tiến hành không kích phiến quân Hồi giáo Houthi hiện kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Saudi Arabia đã tiến hành không kích phiến quân Hồi giáo Houthi hiện kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao ngày 1-4 cho biết GCC hiện không theo đuổi một nghị quyết ủng hộ hành động quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen, thay vào đó mong muốn thúc đẩy một lệnh cấm vận vũ khí cùng các trừng phạt nhằm vào lực lượng Houthi. Nỗ lực này của GCC đang vấp phải sự phản đối từ Nga. Moskva không ủng hộ việc áp đặt trừng phạt lên phiến quân Houthi mà đề xuất các sửa đổi theo đó mở rộng phạm vi cấm vận đối với tất cả các bên trong cuộc xung đột, bao gồm cả lực lượng của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi. Bên cạnh đó, Nga cũng đề nghị lập một danh sách các thủ lĩnh phe đối lập để xem xét liệt vào diện cấm đi lại và đóng băng tài sản.
 
Trong một diễn biến liên quan, Hãng thông tấn Sputnik ngày 2-4 dẫn nguồn tin từ đại sứ quán Nga ở Yemen cho biết, cơ quan tổng lãnh sự nước này ở thành phố cảng Aden đã bị hư hại trong đợt không kích của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm tiêu diệt nhóm phiến quân Houthi. Sputnik cho hay đại sứ quán Nga đang cân nhắc khả năng đóng cửa lãnh sự và sơ tán nhân viên sau đợt không kích trên.
 
Trước đó, hôm 1-4, một chiếc máy bay Nga cũng đã được điều động để sơ tán công dân nước này khỏi Yemen đã phải chuyển hướng sang Cairo (Ai Cập) sau khi liên minh Arab không cho phép chiếc máy bay này hạ cánh xuống Sanaa. Kế hoạch sơ tán công dân Nga vì vậy được hoãn sang ngày 2-4, theo báo Nga Kommersan. Tờ này cho hay ngoài công dân Nga thì máy bay cũng sẽ đón công dân thuộc Cộng đồng các Quốc gia độc lập SNG.
 
Đàm phán về giải pháp cho tình hình khủng hoảng tại Yemen diễn ra trong bối cảnh Liên hiệp quốc đang quan ngại về tình hình thương vong sau chiến dịch không kích kéo dài 7 ngày do Saudi Arabia dẫn đầu. Tình hình an ninh tại Yemen đã xấu đi nghiêm trọng kể từ đầu tháng 3 khi nhiều cuộc giao tranh nổ ra ở một vài tỉnh miền Nam nước này. Ngày 26-3 vừa qua, liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi ở thủ đô Sanaa và các thành phố khác của Yemen với lý do hoạt động đa quốc gia này là nhằm bảo vệ tính hợp pháp của Tổng thống Mansour Hadi.
 
Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết có ít nhất 62 trẻ em đã thiệt mạng trong tuần qua. Các cơ quan cứu trợ cũng báo động về tình trạng an toàn của người dân mắc kẹt trong các cuộc giao tranh. Thông tin này một lần nữa làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại Yemen, trong khi giải pháp cho cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị hiện nay tại nước này vẫn chưa có lối thoát và thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ quốc tế hóa.
 
Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền Ra’ad Al Hussein hôm 31-3 cho rằng, tình hình nhân đạo tại Yemen đang “cực kỳ đáng báo động”, với hàng chục dân thường bị sát hại trong những ngày qua. Ông Hussein thậm chí còn cảnh báo, quốc gia Trung Đông này dường như đang đứng trước bờ vực “một sự sụp đổ hoàn toàn.” Trong khi đó Hội Chữ thập đỏ quốc tế cùng ngày cho biết vẫn không nhận được những bảo đảm an ninh cần thiết để các máy bay viện trợ có thể hạ cánh xuống Yemen. 
Máy bay chiến đấu của không quân Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Máy bay chiến đấu của không quân Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những thông báo này xuất hiện trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Saudi Arabia và các nước đồng minh vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Qatar và Kuwait đã khiến hàng trăm thường dân Yemen thiệt mạng và bị thương. Ngoại trưởng Saudi Arabia al Faisal nói: “An ninh Yemen là một phần không thể tách rời của an ninh vùng Vịnh, của khu vực và thế giới Arab. Chúng tôi không ủng hộ chiến tranh, song nếu bị đẩy vào chiến tranh, chúng tôi sẵn sàng đối mặt. Chiến dịch quân sự hiện nay sẽ tiếp tục nhằm bảo vệ tính hợp pháp của Yemen và kéo dài cho tới khi đạt được mục tiêu, cho tới khi thấy một Yemen đoàn kết, ổn định và an ninh”. 
 
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là chiến dịch này vẫn chưa mang lại hiệu quả và thậm chí còn đang làm sâu sắc hơn những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo tại Yemen và cả khu vực. Bởi diễn biến những ngày qua đã cho thấy, cuộc khủng hoảng tại Yemen đã không còn là vấn đề nội bộ của nước này nữa, mà đã trở thành một cuộc chiến khu vực, giữa một bên là các quốc gia do dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số với một bên là các quốc gia do người Shiite chiếm đa số, trong đó có Iran.
 
Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo nguy cơ quốc tế hóa cuộc xung độ tại Yemen. Ông Lavrov đã chỉ trích những âm mưu nhằm châm ngòi xung đột giữa các nước Arab và Iran liên quan tới tình hình hiện nay ở Yemen, đồng thời nhấn mạnh, Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra và sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để tránh việc biến xung đột nội bộ ở Yemen thành một cuộc đối đầu mở giữa thế giới Arab và Iran.
 
Dự thảo nghị quyết đang được thảo luận tại Hội đồng Bảo an hướng tới nối lại đối thoại chính trị giữa các bên, vốn bị cắt đứt sau khi phiến quân Hồi giáo Houthi đẩy mạnh các chiến dịch tấn công buộc Tổng thống Hadi phải tới Saudi Arabia lánh nạn.
 
H.T (tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.