Những vụ lừa cờ bạc táo tợn nhất thế giới
Khoa học phát triển, giới tội phạm đã nhanh chóng tận dụng những thành tựu này để trục lợi. Ba vụ lừa dưới đây nằm trong danh sách Top 10 vụ bạc bịp ranh mãnh nhất trong lịch sử nhân loại những năm gần đây do tạp chí Listverse của Mỹ bình chọn và công bố.
Cú lừa 30 triệu USD tại sòng bài Crown Casino
Cú lừa được xếp đầu bảng trong danh sách nói trên, diễn ra tại sòng bạc Crown Casino ở Melbourne (Australia) năm 2004. Theo đó, một người đàn ông vô danh đã lừa được tới 33 triệu đôla Australia (AUD), tương đương khoảng 30 triệu USD. Cú lừa Crown Casino đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích thủ phạm, nhưng theo Barron Stringfellow, chuyên gia tư vấn cao cấp về an ninh đến từ “kinh đô casino” Las Vegas thì kẻ cầm đầu là một người chơi bài ngoại quốc lọc lõi và thông minh. Thay vì chơi bài đơn thuần, kẻ lừa đảo đã mang theo một chiếc tai nghe, vào chơi tại bàn VIP, trong khi đó các “đồng nghiệp” của hắn thì tiến hành giám sát từ một vị trí an toàn bên trong hoặc xung quanh bàn chơi bài, chuyển tiếp những thông tin tới người chơi để đặt cược. Còn theo nguồn tin của của tờ Herald-Sun, kẻ lừa đảo này đã truy cập vào hệ thống camera - vốn được sử dụng để giám sát người chơi và nhân viên chia bài, sau đó lợi dụng hình ảnh từ camera để trục lợi.
Sau khi vụ việc vỡ lở, Crown Casino cho biết các nhân viên chăm sóc các con bạc VIP đã bị sa thải nhưng không nói rõ tình tiết bị lừa. Thậm chí Crown Casino còn lạc quan về việc thu hồi số tiền bị mất nhưng đến nay vẫn bặt âm vô tín. Sau phi vụ nói trên, nhiều ấn phẩm về sòng bài này đã được viết thành sách, dựng thành phim. Crown Casino nằm cạnh sông Yarra ở Melbourne, khai trương năm 1997 và là sòng bạc lớn nhất ở Australia, được trang bị các thiết bị an ninh giám sát hiện đại, thậm chí còn trang bị dày hơn ở khu vực VIP song cuối cùng vẫn bị "nốc-ao" bởi những kẻ láu cá đến từ "hải ngoại".
Cú lừa Ritz Roulette
Năm 2004, một ê-kíp gồm ba người Siberia và Hungary do một “nữ quái” xinh đẹp đứng đầu đã thực hiện trót lọt cú lừa tại sòng bài Ritz Roulette, London (Anh) - nơi các “ông hoàng, bà chúa” giàu có thường tụ tập để sát phạt nhau. Chỉ trong 2 ngày, bộ ba lừa bịp nói trên đã lấy đi trên 1,3 triệu bảng Anh (tương đương 2,1 triệu USD) nhờ công nghệ laser. Chính xác hơn, là sử dụng điện thoại di động, laser và máy tính trong một kế hoạch có tên sector targeting (nhắm mục tiêu đã định), xác định chính xác hành trình của viên bi trên bàn quay. Chi tiết của kế hoạch này có thể tóm tắt trong 4 bước chính sau: Trước tiên một máy quét laser giấu kín trong điện thoại di động làm nhiệm vụ đo tốc độ quay của bàn và viên bi ngay sau khi bàn chơi được khởi quay. Sau đó laser có nhiệm vụ đo tốc độ của viên bi khi nó đi vào hoạt động và tính toán điểm dừng của nó. Tiếp theo, hai thông số trên được chuyển tiếp đến một máy tính, máy tính có nhiệm vụ tính điểm dừng cụ thể của viên bi. Tuy xác xuất không đạt tới 100% nhưng tỷ lệ thắng bạc là rất cao. Cuối cùng, số liệu của máy tính được chuyển đến cho điện thoại di động để người chơi biết ô cụ thể để đặt cược. Một trong những tiêu chí quan trọng của công đoạn lừa này là tốc độ, tất cả chỉ diễn ra trong thời gian 2-3 giây. Nếu đạt được tiêu chí này, cơ hội thắng bạc sẽ rất cao mà đối phương không hề hay biết, thậm chí còn che mắt được cả các thiết bị an ninh tối tân nhất có trong sòng bài.
Theo thông báo của Sở Cảnh sát Scotland Yard, cuối tháng 3-2004, bộ ba này đã bị bắt ngay tại khách sạn và bị tịch thu các thiết bị hành nghề. Scotland Yard thừa nhận đây là vụ án "cực kỳ phức tạp". Sau 9 tháng điều tra, tháng 12-2004, Scotland Yard đã ra thông báo, theo luật cờ bạc có hiệu lực từ giữa thế kỷ 19 của Anh thì việc làm của ba người này không bất hợp pháp, không tác động đến vòng quay của bàn quay cũng như của viên bi và như vậy không phạm pháp.
Vụ bịp bạc bằng kính áp tròng
Xếp thứ 5 trong danh sách Top 10 vụ bạc bịp ranh mãnh nhất trong lịch sử nhân loại những năm gần đây là vụ lừa bằng kính áp tròng diễn ra vào tháng 8-2011 tại sòng bạc Princes Casino ở thành phố Cannes (Pháp). Theo đó, ba người Italia và một người Pháp đã thực hiện trót lọt cú lừa bịp, lấy đi 64.000 euro (khoảng 84.000 USD) bằng mánh khóe thông minh, đánh dấu ký hiệu trên quân bài bằng mực tàng hình, còn người chơi lại dùng kính áp tròng đặc biệt để giải mã các dấu hiệu này. Với chiếc kính áp tròng hồng ngoại có thể nhìn thấy mực vô hình đánh dấu trên quân bài, Stefano Ampollini (56 tuổi, người Italia) đã được nhân viên người Pháp làm việc tại sòng bạc nói trên tiếp tay, dùng mực tàng hình đánh dấu lên các quân bài trước khi trò chơi được bắt đầu. Để thực hiện phần việc được giao, bộ ba đã mua thấu kính áp tròng với giá 2.000 euro, có khả năng giải mã nhanh các ký hiệu trên các quân bài được đánh dấu bằng mực tàng hình. Sau hai lần bị thua bạc, Princes Casino phát sinh nghi ngờ. Theo luật sư Marc Concas làm việc cho tập đoàn Groupe Lucien Barriere - công ty mẹ của Princes Casino, đây là cú lừa đầu tiên dạng này diễn ra tại châu Âu. Nghi án tăng lên khi nhóm lừa quay trở lại, đặc biệt, Ampollini đã giành chiến thắng khá dễ dàng, thậm chí còn bỏ qua 2 ván "ngon ăn" có chủ định. Sau cú lừa đầu thành công, hai tháng sau, Ampollini trở lại và vét thêm 21.000 euro từ những chiêu bài cũ, nhưng lần này y không gặp may, bị phát giác và bắt ngay sau khi rời sòng bạc. Vụ án kết thúc, bộ ba lừa bịp đã bị tuyên phạt 10 năm tù giam, mỗi người bị phạt từ 50.000-100.000 euro.
K.N
(Theo LC/BBC/Guardian – 9-2014)
Ý kiến bạn đọc