Multimedia Đọc Báo in

Phiến quân IS tiếp tục tiến sâu vào thủ đô Damascus của Syria

17:02, 05/04/2015
Phiến quân IS ngày 1-4 đã đột nhập vào một trại tị nạn của người Palestine tại thủ đô Damascus của Syria và giao tranh ác liệt với những người này.
 
AP dẫn lời Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết, phiến quân IS đã tiến vào khu trại Yarmouk và đã giành được quyền kiểm soát phần lớn khu trại này và nếu chúng chiếm được toàn bộ khu trại tị nạn nói trên, chúng hoàn toàn có thể đe dọa đến an ninh tại thủ đô Damascus. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cũng cho biết, giao tranh dữ dội đã xảy ra giữa các tay súng IS và một nhánh của phe đối lập chống lại Chính phủ của Tổng thống Syria al- Assad mang tên Aknaf Beit al-Maqdis.  
Người Kurd ở Syria chạy khỏi Kobane tháng 10-2014
Người Kurd ở Syria chạy khỏi Kobane tháng 10-2014
Người phát ngôn của Tổ chức Mặt trận Ủng hộ Tổng thống Assad để Giải phóng Palestine, Anwar Raja cho biết, các chiến binh IS đã tập trung tại khu vực gần trại Yarmouk nhiều tháng qua và vụ tấn công ngày 1-4 cho thấy IS và Tổ chức Mặt trận al- Nusra đang hợp tác chặt chẽ với nhau. “Mặt trận al- Nusra đã mở đường cho IS tiến vào tấn công khu trại tị nạn”, ông Raja cho biết. Hiện vẫn chưa rõ tại sao al- Nusra lại hỗ trợ cho IS trong vụ này. 
 
Trại Yarmouk nằm ở phía Nam Damascus đã thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Syria trong suốt 2 năm qua và các nhân viên cứu hộ Liên hiệp quốc đã gửi nhiều kiện hàng viện trợ cho những thường dân Palestine tại đây. Cơ quan của Liên hiệp quốc Ủng hộ người Palestine (UNRWA) cho biết, họ rất lo ngại về sự an toàn cho những thường dân Syria và Palestine tại trại tị nạn này. UNRWA nhấn mạnh: “Những thông tin đáng tin cậy cho thấy, rất nhiều nhóm có vũ trang đã tham gia vào các cuộc giao tranh tại các khu vực xung quanh trại Yarmouk, nơi có 18.000 thường dân, trong đó có rất nhiều trẻ em sinh sống, khiến cho họ bị đe dọa về tính mạng, bị thương và mất nhà cửa”. UNRWA yêu cầu phải chấm dứt ngay giao tranh và để khu vực này trở lại tình trạng ban đầu để các nhân viên UNRWA có thể hỗ trợ cho các thường dân Yarmouk.
 
Trong khi đó, Jordan đã quyết định đóng cửa biên giới với Syria sau khi xảy ra các cuộc giao tranh giữa phe đối lập và quân Chính phủ tại Syria. Người phát ngôn chính quyền Jordan Mohammed al-Momani cho biết, khu vực biên giới Nasib đã tạm thời đóng cửa từ ngày 31-3 do giao tranh xảy ra gần đó. “Điều quan trọng nhất với chúng tôi là bảo đảm an toàn cho những người qua lại khu vực biên giới giữa hai nước. Chính vì thế, chúng tôi quyết định đóng cửa tạm thời khu vực này cho đến khi tình hình lắng dịu”, ông al-Momani tuyên bố. Khu vực biên giới Nasib là cửa ngõ duy nhất nối Jordan và Syria cũng như là cửa ngõ quan trọng để giao thương giữa Syria, Lebanon và Jordan.  
 
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho biết tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ ba, diễn ra ngày 31-3 tại thủ đô Kuwait City của Kuwait, các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ 3,8 tỷ USD nhằm góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Trung Đông này. 
 
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon khẳng định cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria đang là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trên thế giới. Theo đó, cứ năm người ở Syria lại có bốn người sống trong cảnh nghèo đói, túng thiếu. Số tiền hội nghị này thu được bằng tổng số tiền các nhà tài trợ đã cam kết viện trợ trong hai hội nghị trước.
 
Với tư cách là nước chủ trì hội nghị do Liên hiệp quốc tổ chức, Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã cam kết viện trợ 500 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo tại Syria, đồng thời kêu gọi các cường quốc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.
 
Trong một tuyên bố phát đi từ Brussels, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề viện trợ nhân đạo Christos Stylianides cam kết tổ chức này sẽ hỗ trợ gần 1,1 tỷ euro (khoảng 1,2 tỷ USD), gấp đôi số tiền hỗ trợ năm ngoái. Mỹ cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ 507 USD, trong khi các tổ chức phi chính phủ đóng góp hơn 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Anh cũng thông báo hỗ trợ 100 triệu USD, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất 100 triệu USD, Na Uy là 93 triệu USD và Saudi Arabia là 60 triệu USD.
 
Hội nghị diễn ra trong một ngày này đã thu hút các đại diện đến từ 78 nước và các tổ chức quốc tế trên thế giới. Liên hiệp quốc đã kêu gọi viện trợ 8,4 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động nhân đạo tại Syria trong năm 2015, trong đó tổ chức này dự định dành 5,5 tỷ USD để hỗ trợ người tị nạn Syria và 2,9 tỷ USD để hỗ trợ những người đang ở trong nước. 
 
Trong khi đó, tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đang lợi dụng khủng hoảng tại Syria để tấn công các thành phố của nước này, khiến cuộc sống người dân Syria ngày càng khốn khổ. Vào ngày 31-3, Tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết: tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục hành quyết ít nhất 37 dân thường, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em tại ngôi làng Mabujeh tại tỉnh Hama, miền Trung Syria.
 
Theo đó, khi tấn công nhằm vào ngôi làng Mabujeh, nhóm phiến quân này đã tiến hành thiêu sống, thậm chí chặt đầu nhiều người dân làng tại đây. Trong khi đó, theo truyền hình Syria, ít nhất 44 người đã thiệt mạng và 21 người đã bị thương trong cuộc đột kích của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.Mabujeh là khu vực có đông người hồi giáo dòng Sunni sinh sống. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo thường xuyên tấn công nhằm vào các khu vực có nhiều người thiểu số sinh sống tại Syria. 
 
Trong hơn 4 năm qua, cuộc khủng hoảng ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người, đẩy 12 triệu người rơi vào cảnh vô gia cư, trong đó có 3,7 triệu người phải đi lánh nạn ở nước khác. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) ngày 12-3 công bố báo cáo cho biết có khoảng 14 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do cuộc xung đột leo thang ở Syria và Iraq, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong khu vực này thời gian gần đây. 
Em bé Syria 4 tuổi Adi Hudea giơ tay đầu hàng khi tưởng nhầm ống kính tele của máy ảnh là khẩu súng. Ảnh do nhà báo
Em bé Syria 4 tuổi Adi Hudea giơ tay đầu hàng khi tưởng nhầm ống kính tele của máy ảnh là khẩu súng. Ảnh do phóng viên ảnh Osman Sagirli người Thổ Nhĩ Kỳ chụp.
Báo cáo của UNICEF cho biết cuộc xung đột ở Syria bước sang năm thứ 5 liên tiếp đang “cướp đi cả một thế hệ trẻ” ở nước này. Hơn 5,6 triệu trẻ em Syria đang sống trong tình trạng tuyệt vọng tại các trại tị nạn ở các nước láng giềng như Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và thiếu thốn trầm trọng các dịch vụ y tế, giáo dục và an ninh. Ông Anthony Lake, giám đốc điều hành UNICEF nhấn mạnh: “Đối với những bé nhỏ tuổi, cuộc khủng hoảng này là tất cả những gì mà các em biết. Đối với thanh thiếu niên đang bước vào giai đoạn hình thành nhân cách, bạo lực và sự đau khổ không chỉ để lại vết sẹo trong quá khứ mà còn định hình tương lai các em”. UNICEF ước tính có ít nhất 2 triệu trẻ em Syria cần đến sự hỗ trợ hoặc điều trị tâm lý.
 
Trước đó, hình ảnh một bé gái Syria 4 tuổi giơ hai tay đầu hàng, với đôi môi mím chặt, sợ hãi tột độ đến mức không dám khóc, khi tưởng nhầm ống tele của máy ảnh mà nhà báo đang chĩa về mình là khẩu súng – thứ em vốn thấy thường ngày. Bức ảnh đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng những ngày qua, phản ánh rõ sự tổn thương sâu sắc trong tâm hồn những đứa trẻ Syria thơ ngây, bé bỏng sinh ra và lớn lên giữa bom đạn. 
 
H.T (tổng hợp từ VOV, Vietnamplus)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.