Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ chương trình mua bán quốc tịch IIP

08:26, 11/04/2015

Với bối cảnh an ninh phức tạp như hiện nay, trong khi phần lớn các quốc gia đều áp dụng những chính sách quản lý công dân một cách chặt hơn thì ở một số nước, nhất là những quốc gia nhỏ, nghèo lại “vô tư” mua bán hộ chiếu qua đầu tư tiền trực tiếp, không cần phải có những yêu cầu hay thủ tục rắc rối.

Một trong những quốc gia có chính sách nhập cảnh “thoáng” nhất thế giới hiện nay là đảo quốc nhỏ bé St Kitts & Nevis ở vùng Caribê. Dự án mua bán quốc tịch của St Kitts & Nevis có tên Immigrant Investor Programs, gọi tắt IIP (Chương trình nhập cảnh nhà đầu tư) được khởi động từ năm 1994 khi đảo quốc này lâm vào khủng hoảng, ngành mía đường chủ lực của St Kitts & Nevis làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất.

Christian Kalin, cha đẻ  của chương trình IIP.
Christian Kalin, cha đẻ của chương trình IIP.

St Kitts & Nevis có tên chính thức là Liên bang Saint Kitts và Nevis, dân số chừng 48.000 người, cách Miami (Mỹ) về phía nam chừng 3 giờ bay. Chương trình IIP thực sự trở nên sôi động vào năm 2006 khi luật sư Christian Kalin (người Thụy Sĩ) đề xuất chính phủ cải tiến chương trình nói trên và từ đây St.Kitts &Nevis thực sự nổi tiếng khắp thế giới. IIP không yêu cầu người đứng đơn phải đến định cư mà mua bán thông qua hai chương trình, đầu tư vào các dự án bất động sản được Chính phủ công nhận hoặc đóng góp tiền cho Tổ chức cải cách, đa dạng hóa ngành Mía đường (SIDF) của St Kitts & Nevis . Điểm nhấn của IIP là sự mềm dẻo, nới lỏng chính sách để người nước ngoài có thể hưởng những quyền lợi công dân thông qua việc đầu tư tài chính. Đây là xu thế hợp với bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay, theo đó những người đóng góp nhiều nhất có quyền được trở thành công dân của chính quốc gia đó.

Với chương trình IIP, St Kitts & Nevis đã “thoát nghèo”một cách ngoạn mục và thoát khỏi khủng hoảng tài chính nhanh nhất ở Caribe. St. Kitts & Nevis đã trở thành địa danh nổi tiếng, “thoáng” nhất thế giới về mua bán hộ chiếu, cung cấp quyền công dân với giá chỉ có 250.000 USD. Đặc biệt hơn khi đã trở thành công dân St. Kitts & Nevis, người thụ hưởng có hộ chiếu đi lại ở 132 quốc gia trên quy mô toàn cầu, được hạn chế khi kê khai thông tin tài chính và nộp thuế thu nhập. Sau khi St. Kitts & Nevis thành công, rất nhiều nước đã học theo, kể cả những quốc gia giàu có ở châu Âu như: Đảo Síp, Grenada,  Malta...

Tuy nhiên, chương trình IIP đang vấp phải nhiều phản ứng gay gắt của dư luận. Người ta cho rằng chương trình IIP tạo ra công cụ giúp nhà giàu trốn thuế và dung túng tội phạm. Bên cạnh đó, nhiều chính phủ quan ngại việc thả lỏng quản lý quốc tịch sẽ dẫn đến nhiều hiểm họa khó lường cho an ninh toàn cầu.

Duy Hùng

(Theo Net/ BN- 3/2015)


Ý kiến bạn đọc