Yemen: Giao tranh bất chấp lệnh ngừng bắn
15:34, 17/05/2015
Ngày 16-5, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn vẫn còn hiệu lực, xung đột dữ dội nổ ra giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ và phe nổi dậy ở miền Nam Yemen khiến ít nhất 62 người thiệt mạng trong đó có 23 dân thường.
Theo các nguồn tin quân sự và địa phương, ít nhất 12 người thiệt mạng và 51 người bị thương khi phiến quân Houthi ngày 16-5 nã pháo vào hàng loạt khu vực của thành phố Taez. Vụ tấn công diễn ra sau khi 26 tay súng Houthi và lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh bị tiêu diệt và 14 binh sĩ chính phủ thiệt mạng trong giao tranh vào đêm trước đó.
Giao tranh giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống Hadi và phiến quân Huthi tại thành phố cảng Aden, miền Nam Yemen ngày 14-5. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Liên quân Arab hôm 15-5 cảnh báo đang mất kiên nhẫn trước các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn của phiến quân Houthi tại Yemen sau 4 ngày thực thi cam kết.
Liên hiệp quốc đã hối thúc các bên liên quan tôn trọng cam kết nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Lệnh ngừng bắn nhân đạo 5 ngày tại Yemen có hiệu lực hôm 12-5 vừa qua theo đề xuất của Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu liên quân 9 nước Arab đang thực hiện chiến dịch không kích tại Yemen chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo Houthi dòng Shi’ite. Từ thời điểm này, liên quân Arab đã tạm ngưng các cuộc không kích, song cáo buộc bên đối lập liên tục vi phạm thỏa thuận, gây cản trở cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Trong một thông cáo, liên quân Arab nêu rõ, phiến quân Houthi đã 2 ngày liên tiếp vi phạm lệnh ngừng bắn, trong đó có một cuộc tấn công tại khu vực biên giới Saudi Arabia và các cuộc tấn công tại miền Nam Yemen nhằm giành quyền kiểm soát thành phố lớn thứ 2 đất nước. Thông cáo cũng cảnh báo, dù luôn muốn lệnh ngừng bắn thành công, song sự kiềm chế và tôn trọng các thỏa thuận sẽ không thể kéo dài lâu nếu nó tiếp tục bị vi phạm.
Trong khi đó, các nhóm phiên quân tại Yemen cũng khẳng định cam kết kiềm chế và không vi phạm lệnh ngừng bắn nhân đạo, song cáo buộc Saudi Arabia và các đồng minh vi phạm nhiều lần lệnh ngừng bắn.
Giới chức các tỉnh miền Trung và miền Nam Yemen cho biết do giao tranh tiếp diễn, người dân tại các vùng này chưa nhận được hàng hóa cứu trợ bao gồm lương thực, thuốc men và nhiên liệu.
Với sự hỗ trợ của các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Abdallah Saleh, phiến quân Houthi đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở miền Trung và miền Tây Yemen và hiện đang tiến về miền Nam, buộc Tổng thống Mansour Hadi và phần lớn các bộ trưởng nước này phải sang lánh nạn tại Saudi Arabia. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là cuộc khủng hoảng tại Yemen đã không còn là của người Yemen mà đã trở thành vấn đề khu vực và quốc tế khi lôi kéo sự tham gia của nhiều nước, với các cuộc đối đầu nghiêm trọng về lợi ích và hệ tư tưởng, đặc biệt là giữa các quốc gia, mà tiêu biểu là Iran quốc gia do người Shi’ite đứng đầu với các nước vùng Vịnh do người Sunny lãnh đạo.
Từ khi nhóm phiến quân Houthi bắt đầu nổi lên hồi giữ năm ngoái, chính phủ Yemen nhiều lần chỉ trích sự can dự của Iran, cáo buộc nước này hỗ trợ vũ khí cho các nhóm phiến quân người Shi’ite, bất chấp sự phản đối của Iran. Saudi Arabia, quốc gia đứng đầu liên quân Arab tại Yemen mới đây khẳng định đang cố gắng kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Tại Hội nghị cấp cao giữa Mỹ và các nước vùng vịnh tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện sự ủng hộ đối với các quốc gia vùng Vịnh khi ngầm thừa nhận Iran là nhân tố gây bất ổn tại Trung Đông, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ liên quân Arab chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài đối với sự toàn vẹn lãnh thổ. Tới nay, Mỹ mới chỉ cung cấp các hỗ trợ về hậu cần cho chiến dịch của liên quân A Rập.
Tổng thống Mỹ nói: “Hiện đang có một suy nghĩ rằng, cứ khi chúng tôi nói tới sự cần thiết phải phối hợp các nỗ lực nhằm giải quyết những yếu tố gây bất ổn và xung đột tại khu vực, tức là chúng tôi đang trực tiếp bày tỏ lo ngại về Iran. Cần phải nhớ rằng, lập trường của Mỹ là rõ ràng, một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ gây nguy hiểm vì thế chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra. Mỹ sẽ giúp các quốc gia Arab ở vùng Vịnh đối mặt với bất kỳ mối đe dọa quân sự thông thường nào, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh để giải quyết những quan ngại về những hành động gây mất ổn định của Iran trong khu vực”.
Súng vẫn nổ ở phía Tây Nam thành phố Taiz, Yemen ngày 15-5 khiến dân thường thương vong (ảnh: Reuters) |
Trong chuyến đi đầu tiên tới Yemen trên cương vị mới, phía viên Liên hiệp quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed hôm 15-5 đã bày tỏ lo ngại về các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn và kêu gọi các bên tôn trọng cam kết chấm dứt các hành vi quân sự nhằm tạo điều kiện cho những hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Điều phối viên Liên hiệp quốc về các vấn đề nhân đạo tại Yemen cùng ngày kêu gọi liên quân quốc tế nới lỏng việc kiểm soát các khu bực biên giới trên bộ và trên biển tại Yemen, đồng thời nhấn mạnh những biện pháp này đang gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa cứu trợ vào quốc gia Trung Đông này.
Trong ngày 16-5, Cao uỷ Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã triển khai hai chuyến bay cứu trợ tới thủ đô Sanaa, trong khi Hội Chữ thập đỏ và tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) cũng đã cử các đội y tế đến đây. Liên hiệp quốc kêu gọi liên quân Arab đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra nhập khẩu, vốn được thực hiện nhằm ngăn chặn hoạt động cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi song lại cản trở việc vận chuyển hàng hóa.
Cuộc xung đột tại Yemen đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Người dân phải sống trong tình cảnh không điện, nước, thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ít nhất 1.500 người đã thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương kể từ giữa tháng 3 vừa qua tại Yemen. Với lệnh ngừng bắn đạt được, nhiều tàu chở hàng cứu trợ đã có thể vào Yemen và máy bay của các tổ chức phi chính phủ đã có thể hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Saana.
Ngày 16-5, một thành viên cấp cao của phong trào Ansarullah (hay còn gọi là lực lượng Houthi) tuyên bố phong trào này sẽ không tham dự hội nghị sắp tới về tình hình Yemen được tổ chức tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Tuy nhiên, lực lượng Houthi tuyên bố sẽ quay trở lại đàm phán hòa bình với điều kiện liên quân Arab kết thúc chiến dịch không kích, đồng thời yêu cầu tổ chức đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) thay vì ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Song, Riyadh đã khẳng định sẽ tiếp tục các hành động quân sự cho tới khi chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được khôi phục.
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
Ý kiến bạn đọc