Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48: "Nóng" vấn đề Biển Đông

22:06, 06/08/2015
Sáng 4-8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) đã khai mạc tại Kuala Lumpur, Malaysia.
 
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao thường niên ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) có sự tham dự của 10 Bộ trưởng của 10 nước ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Haji Aman-  Chủ tịch của AMM 48 chủ trì Hội nghị. Thủ tướng Malaysia Najib bin Abdul Razak đã đến dự và phát biểu chào mừng phiên khai mạc. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. 
 
Đây là Hội nghị quan trọng, là dịp để đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị cho việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, làm cơ sở để các lãnh đạo ASEAN quyết định về vấn đề này tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 tháng 11. Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Malaysia - Chủ tịch của AMM 48 Anifah Aman đã đánh giá cao sự hợp tác của các nước ASEAN trong quá trình xây dựng các chương trình nghị sự cho Hội nghị, đồng thời bày tỏ quyết tâm của ASEAN trong việc thực hiện các mục tiêu mà khu vực đã đề ra: Đó là xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất trên cơ sở các nguyên tắc và giá trị cơ bản của toàn khu vực. Bộ trưởng Anifah cũng nhấn mạnh, dấu mốc quan trọng của ASEAN trong tiến trình đến một cộng đồng chung đang ở gần phía trước. Dấu mốc này có một ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển 48 năm của ASEAN, là những thành tựu mà ASEAN đã nỗ lực đoàn kết tạo nên. Những cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại là rất lớn.
 
Sau phiên khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tiến hành phiên họp kín để thảo luận về những vấn đề của khu vực và toàn cầu. Những nội dung trọng tâm của hội nghị lần này dự kiến cũng không nằm ngoài việc thực hiện các mục tiêu chung của khu vực. Đó là quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN “liên kết về kinh tế, gắn kết về chính trị, và cùng chia sẻ các trách nhiệm về xã hội”, tăng cường quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình cũng như vai trò nòng cốt của Hiệp hội trong xử lý những vấn đề quan trọng ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối ASEAN làm động lực để từ đó mở rộng kết nối ra khu vực Đông Á, trong đó có việc xây dựng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
 
Các Bộ trưởng cũng thảo luận về vai trò chủ động của ASEAN trong việc bảo đảm môi trường hoà bình của khu vực; an ninh và ổn định, phát huy hơn nữa các công cụ, diễn đàn chính trị, an ninh ở khu vực như ARF, EAS, ADMM +, cũng như những văn kiện như Hiệp ước Thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)…; đồng thời ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…
 
Về quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN, các Bộ trưởng nhất trí cần tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước đối tác; xem xét thuận lợi đề nghị nâng cấp quan hệ của một số đối tác. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy vai trò trung tâm ASEAN, tăng cường đoàn kết nội khối, nhất là trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực. Các Bộ trưởng nhất trí cần thúc đẩy hình thành cấu trúc khu vực trên cở sở các diễn đàn và cơ chế hiện có của ASEAN; xem xét dự thảo Kế hoạch công tác về Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. 
 
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng cho rằng tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; các điểm nóng cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi gia tăng nỗ lực đối thoại và hợp tác để giải quyết hiệu quả những vấn đề này. Theo đó, các Bộ trưởng hoan nghênh thỏa thuận mới đạt được mới đây giữa P5+1 và I-ran về vấn đề hạt nhân của I-ran, hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba…; coi đây là những điểm sáng trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay. 
 
Về tình hình Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện kiềm chế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng cũng nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
 
Hội nghị AMM 48 đánh dấu sự khởi động một loạt hội nghị thường niên, nổi bật là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 6-8. Đây là một trong những diễn đàn an ninh lớn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với sự tham gia của cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU)
 
H.T (Theo VOV, TTXVN)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.