Mỹ tăng hợp tác về tình báo và tập trận với các nước vùng Vịnh
21:54, 06/08/2015
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Washington đã nhất trí tăng cường hợp tác về tình báo và tập trận chung với các nước vùng Vịnh.
Phát biểu tại cuộc hợp báo ở thủ đô Doha của Qatar sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), ông Kerry nêu rõ Mỹ và các đồng minh Arab sẽ đẩy nhanh các nỗ lực chia sẻ thông tin tình báo cũng như tăng số lượng các cuộc tập trận chung. Bên cạnh đó, Washington cũng đồng ý đẩy nhanh việc bán một số vũ khí cần thiết cho các nước vùng Vịnh. Ông Kerry nhấn mạnh, Mỹ nhất trí xúc tiến bán một số loại vũ khí nhất định cho các nước vùng Vịnh vì điều này là cần thiết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar Khalid bin Mohammad Al-Attiyah cho biết các nước vùng Vịnh hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết hôm 14-7 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), cho rằng đây là "lựa chọn tốt nhất trong số các lựa chọn" nhằm đi tới một giải pháp thông qua đối thoại cho vấn đề hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, theo ông Attiyah, các nước GCC cũng nêu quan ngại thỏa thuận có thể tạo điều kiện cho Tehran can thiệp nhiều hơn vào các vấn đề khu vực. Ngoài ra, Ngoại trưởng Qatar kêu gọi đưa ra một lệnh cấm vũ khí hạt nhân trên toàn khu vực Trung Đông. Qatar hiện giữ cương vị Chủ tịch luân phiên GCC gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Ngoại trưởng Mỹ thực hiện chuyến thăm khu vực này trong nỗ lực giải tỏa quan ngại của các đồng minh về thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Kerry đã diện kiến Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani và gặp người đồng cấp Saudi Arabia Adel bin Ahmed al-Jubeir. Trước khi rời Qatar, ông Kerry cũng tiến hành hội đàm ba bên với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Saudi Arabia.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng hai tuần, Trung Đông lần lượt đón hai quan chức hàng đầu của chính quyền Mỹ.
Sau chuyến đi giữa tháng 7 vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tới “chảo lửa” này. Trong bối cảnh phương Tây và Iran vừa đạt được thỏa thuận hạt nhân khiến các đối tác của Washington trong khu vực “mất ăn mất ngủ", giới phân tích nhận định chuyến đi của ông Kerry là nhằm thực hiện sứ mệnh “trấn an” các đồng minh.
Trong nhiều năm qua, thế giới Arab đã bị phân cực do sự mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt giữa Iran và các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, làm kích động căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite.
Sự hậu thuẫn của Iran giúp bảo đảm sự bám trụ quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trước lực lượng nổi dậy dòng Sunni được các nước vùng Vịnh “chống lưng". Nội bộ Yemen bị chia rẽ khi Saudi Arabia dẫn đầu liên minh Arab thực hiện chiến dịch không kích nhằm giúp chính phủ nước này chống lại lực lượng nổi dậy Shiite được Tehran hậu thuẫn.
Saudi Arabia cũng phản đối sự gia tăng ảnh hưởng của Iran tại Iraq kể từ năm 2003 khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ và các chính trị gia theo dòng Hồi giáo Shiite lên nắm quyền có quan hệ gần gũi với Iran. Vì thế, các nước Arab, đặc biệt là 6 quốc gia Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), đã đón nhận thỏa thuận hạt nhân Iran với thái độ thận trọng do lo ngại rằng việc giảm bớt sự cô lập của quốc tế đối với Tehran sẽ chuyển hướng cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực theo hướng có lợi cho quốc gia Hồi giáo dòng Shiite này.
Một mối quan ngại khác của các đồng minh vùng Vịnh theo dòng Sunni là thỏa thuận hạt nhân sẽ trao cho Iran các phương tiện hành động nhờ nguồn thu kinh tế, đồng thời ngầm “bật đèn xanh” cho Iran gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và hỗ trợ cho các phần tử hiếu chiến.
Trên thực tế, trước khi phương Tây và Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân ngày 14-7 vừa qua, Mỹ và các nước vùng Vịnh đã rơi vào một cuộc khủng hoảng lòng tin nghiêm trọng. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và các nước GCC (gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman) tháng 5 vừa qua đã bộc lộ những mâu thuẫn trong cách xử lý hồ sơ hạt nhân Iran, đặc biệt liên quan tới bản chất và quy mô của “mối đe dọa” từ Tehran. Trong khi đa số các nước vùng Vịnh chỉ trích vai trò của Iran trong việc gây ra tình trạng bất ổn để mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực, Mỹ lại hạ thấp quy mô Tehran can dự vào các công việc của khu vực này.
Xuất phát từ những quan ngại này, các nước vùng Vịnh đã có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào liên minh với Mỹ. Saudi Arabia đã kêu gọi sự trợ giúp từ các đồng minh như Pakistan trong cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy dòng Shiite ở Yemen. Qatar thông báo đã đạt được thỏa thuận mua vũ khí lớn từ Pháp. Lãnh đạo khu vực cũng đánh giá cao quan điểm cứng rắn của Pháp trong các cuộc đàm phán hạt nhận Iran.
Lo ngại sự rạn nứt nghiêm trọng hơn trong quan hệ giữa Mỹ với các nước trong khu vực địa chính trị quan trọng này, giới chức Nhà Trắng đã nhanh chóng trở lại Trung Đông. Sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Carter với các điểm dừng chân là Israel, Saudi Arabia và Jordan, Ngoại trưởng John Kerry đã tiến hành hàng loạt cuộc trao đổi tại Qatar với những cam kết về đảm bảo an ninh nhằm “trấn an” các nước vùng Vịnh.
Sau các cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Qatar Khalid bin Mohammad Al-Attiyah khẳng định thỏa thuận hạt nhân với Iran là "lựa chọn tốt nhất trong số các lựa chọn khả thi". Cũng trong chuyến đi này, Ngoại trưởng Kerry đã tới Ai Cập, đồng chủ trì cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước nhằm tái khẳng định quan hệ đối tác lâu dài giữa Washington và Cairo trong bối cảnh lực lượng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng gia tăng hoạt động. Đây cũng là lần đầu tiên Washington mở lại đối thoại chiến lược với Cairo từ sau cuộc nổi dậy năm 2011. Tuy quan hệ giữa hai nước đã nguội lạnh kể từ khi Tổng thống dân cử Mohamed Morsi bị quân đội phế truất tháng 7-2013, Mỹ vẫn luôn xác định không thể từ bỏ đồng minh Ai Cập ở khu vực này. Nằm ở Bắc Phi, là quốc gia Arab đông dân nhất, với quân đội mạnh, Ai Cập có vị trí địa chiến lược quan trọng. Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề của khu vực như: thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, vấn đề Iran, Sudan..., Mỹ luôn cần tiếng nói của Ai Cập bởi Cairo có uy tín trong cộng đồng Hồi giáo. Ngoài ra, mối quan hệ Mỹ - Ai Cập còn đảm bảo cho Washington thực hiện chính sách đối ngoại ở Trung Đông, cũng như tăng cường ảnh hưởng và lợi ích kinh tế từ dầu mỏ.
Với hàng loạt cam kết về việc Mỹ sẽ tăng cường bán vũ khí cho các nước vùng Vịnh, không chắc các nước Arab có cảm thấy yên tâm hơn sau những nỗ lực “trấn an” của Ngoại trưởng John Kerry về thỏa thuận hạt nhân của Iran hay không. Tuy nhiên, điều chắc chắn là chuyến đi của ông Kerry một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của Trung Đông trong chính sách đối ngoại của Washington.
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc