Multimedia Đọc Báo in

Số người nhập cư đông kỷ lục ồ ạt tràn vào cửa ngõ châu Âu

17:01, 27/08/2015
Sau khi Macedonia dùng các biện pháp mạnh tay để trấn áp dòng người nhập cư, những ngày qua, làn sóng nhập cư đã ồ ạt vượt qua biên giới Serbia để sang lãnh thổ Hungary, quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
 
Theo số liệu của cảnh sát Hungary công bố ngày 25-8, chỉ trong ngày 24-8 đã có 2.098 người nhập cư vượt qua biên giới Serbia để tràn vào lãnh thổ Hungary. Đây được xem là con số kỷ lục báo động về tình trạng người nhập cư tăng mạnh nhất từ trước tới nay, thời điểm chỉ còn một tuần trước khi dựng bức tường rào biên giới để ngăn chặn dòng người di cư. 
 
Theo thống kê của Cơ quan biên giới của EU (Frontex), chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, khoảng 102.000 người di cư đã tràn vào EU qua Macedonia, Serbia, Bosnia-Herzegovina, Albania, Montenegro và Kosovo, cùng kỳ năm ngoái chỉ có 8.000 người. Bị quá tải trước làn sóng di cư từ Hy Lạp tràn sang, tuần trước, Macedonia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa biên giới ba ngày, trong khi đó, ngày 25-8, Bulgaria đã gửi xe tăng tới 4 đồn biên giới với Macedonia để hỗ trợ lực lượng biên phòng.  
 
Từ vài tháng qua, khu vực này đã trở thành một trong những cửa ngõ chính đối với hàng ngàn người tị nạn để xâm nhập vào không gian Schengen. 
Người di cư chen lấn lên tàu hỏa tại nhà ga Gevgelija ở biên giới Macedonia-Hy Lạp ngày 9-8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người di cư chen lấn lên tàu hỏa tại nhà ga Gevgelija ở biên giới Macedonia-Hy Lạp ngày 9-8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu cũng đang có nguy cơ làm chệch hướng hội nghị thượng đỉnh khu vực Tây Balkan, dự kiến diễn ra ngày 27-8 tới ở thủ đô Vienna của Áo.

Theo kế hoạch được công bố cách đây một năm, tại hội nghị ở Vienna tới đây, những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini sẽ thảo luận sự hợp tác trong khu vực và triển vọng của những nước thuộc Tây Balkan muốn gia nhập EU. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo khu vực hiện đang phải đau đầu giải quyết cuộc khủng hoảng di cư khi hàng chục nghìn người đến từ Bắc Phi và Trung Đông đang đổ tới khu vực Tây Balkan để tìm đường vào EU.
 
Nước chủ nhà Áo dự kiến sẽ giới thiệu kế hoạch hành động gồm 5 điểm, bao gồm triệt phá các băng nhóm buôn người, phân bổ công bằng hơn hạn ngạch người tị nạn trong khu vực EU, hợp tác an ninh rộng rãi hơn, việc hỗ trợ những nước là điểm xuất phát của dòng người di cư và một "chiến lược tị nạn liên châu Âu". Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tuyên bố cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra đối với toàn châu Âu và khu vực Tây Balkan cần tập trung thảo luận tình hình này ngay lập tức. Ông Kurz nhấn mạnh EU phải tìm ra chiến lược mới hỗ trợ Hy Lạp và các nước Tây Balkan. 
 
Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu có nguyên nhân không chỉ vì tình trạng bạo lực ở Syria, Iraq và Afghanistan mà cả tình trạng nghèo đói ở Tây Balkan. Frontex cho biết trong số 44.000 người di cư trái phép được phát hiện đã vượt biên giữa các nước Tây Balkan hoặc giữa những nước này với các nước EU trong quý đầu năm 2015, có tới 27.000 người là công dân các nước thuộc khu vực Balkan.
 
Nước Đức, với số lượng người xin tị nạn có thể lên đến 800.000 người trong năm 2015, cho rằng đây là thách thức lớn nhất kể từ sau khi thống nhất đất nước, trong khi đối với toàn châu Âu, đây được xem là cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
 
Rất đông người nhập cư muốn đến nước Anh. Theo thống kê Eurostat của châu Âu, trong năm 2014, nước Anh chỉ đứng hàng thứ 6 trong số những địa điểm những người nhập cư bất hợp pháp muốn xin tị nạn sau Đức, Thụy Điển, Italia, Pháp và Hungary. Năm 2014, có gần 31.500 hồ sơ xin định cư tại Anh quốc, bằng 50% so với số đơn xin được ở lại Pháp và chỉ tương đương với 1/7 so với những người muốn được ở hẳn lại Đức. Thế nhưng, cứ trên 100 hồ sơ xin tị nạn thì có tới gần 40 hồ sơ được cứu xét và cho phép ở lại nước Anh. Vì vậy, ngày càng có nhiều người di cư “rình rập” ở cửa ngõ miệng hầm Eurotunnel để đến được bờ bên kia biển Manche, cho thấy nước Anh thực sự có sức hấp dẫn, bất chấp việc từ đầu tháng 6-2015, có 9 người nhập cư đã thiệt mạng trên hành trình hy vọng đi tìm cuộc sống tươi sáng hơn qua ngả đó. Có một thực tế rằng, với tỷ lệ tăng trưởng 2,6%, cao hơn gấp đôi so với Pháp và tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ bằng phân nửa so với người láng giềng, nước Anh được xem như “miền đất hứa” đối với người nhập cư. Hơn thế, ngôn ngữ cũng là một lợi thế không nhỏ đối với khoảng 3.000 công dân gốc Eritrea, Ethiopia, Sudan hay Afghanistan. Một ưu điểm nữa của Anh trong mắt người nhập cư là hầu hết họ có bà con gần xa đã lập nghiệp trên xứ này và họ hy vọng trông cậy vào sự giúp đỡ của những người thân. 
Người di cư tại khu vực biên giới Macedonia - Hy Lạp ngày 22-8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư tại khu vực biên giới Macedonia - Hy Lạp ngày 22-8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, chính sách của Anh đối với người nhập cư lại khác hẳn. London có rất ít điều khoản ưu đãi dành cho người tị nạn. Cho dù được hỗ trợ về nhà ở và chăm sóc y tế, được ghi danh miễn phí cho con đi học như ở Pháp nhưng trung bình, một người tị nạn ở Anh chỉ hưởng trợ cấp thấp hơn 11 EUR so với Pháp. Trong trường hợp đó, theo giới quan sát, người nhập cư vào nước Anh sẽ cố ý không khai báo với sở di trú để dễ bề luồn lách. Vì vậy, theo Tổ chức Hỗ trợ người nhập cư Asylum Aid của Anh, khó có thể biết chính xác về số người nước ngoài đến định cư tại vương quốc này. Năm 2014, chính phủ Anh đã siết chặt luật nhập cư và dưới áp lực của công luận, nhất là các đảng có khuynh hướng bài ngoại, một lần nữa, nội các của Thủ tướng David Cameron chuẩn bị bổ sung thêm vào luật nhập cư để giới hạn số lượng người muốn thâm nhập vào lãnh thổ Anh bằng mọi giá.

Hungary có cách tiếp cận vô cùng cứng rắn với vấn đề người nhập cư. Thủ tướng nước này, ông Viktor Orban, mới đây đã tuyên bố: Người nhập cư trái phép là mối đe dọa đối với Hungary và châu Âu. Theo Thủ tuớng Orban, nhập cư bất hợp pháp dính líu đến khủng bố và làm gia tăng hành động tội ác, phạm pháp và tình trạng thất nghiệp. Thủ tướng Hungary không ngần ngại công khai về chủ trương dành châu Âu cho riêng người châu Âu của mình.
 
Chính vì cách tiếp cận này, Hungary đã triển khai dự án “bức màn sắt” giữa lòng châu Âu để ngăn chặn người nhập cư từ biên giới Serbia. Mục tiêu nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và xin tị nạn phần đông đến từ Iraq, Afghnistan, Syria và châu Phi. Những người này thường tìm cách vào Hungary, để từ đây đến các nước khác, thông qua hai ngả Áo và Đức. Trong các tháng vừa qua, đã có 80.000 người xin tị nạn tại Hungary, trong lúc cả năm 2014, chỉ có 43.000 người. Trước đó, Quốc hội Hungary cũng đã đề xuất những quy định ngặt nghèo hơn về quy chế tị nạn, đồng thời cho phép chính quyền giam giữ người nhập cư trong các trại giam tạm thời. Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Hungary đã thông báo hàng rào cao 4m, chạy dài trên 175km này sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 8, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến.
 
Còn tại Italia, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy vì lý do tài chính, 40 % người Italia phản đối Chính phủ nước này cứu vớt người di cư trên Địa Trung Hải. Hiện Rome chi trung bình từ 35 - 40 EUR cho mỗi người nhập cư đến nước này. Chi phí đó nhằm bảo đảm chỗ ở và lương thực cũng như tiền thù lao cho các nhân viên tiếp nhận người nhập cư nước ngoài và kể cả khoản chi tiêu 2,5 EUR cho mỗi người nước ngoài tay trắng đặt chân lên Italia. Đối với một số đảng phái chính trị cũng như một phần người dân Italia, tiếp đón như vậy là “quá mức tử tế và nhân đạo”. Tình trạng bài ngoại gia tăng cũng được ghi nhận ở một số khu vực ở Italia. Ngày 18-7 vừa qua, tại thị trấn Quinto, gần thành phố Treviso, ở vùng Veneto, chính quyền địa phương đã buộc phải đáp ứng yêu cầu của người dân. Với sự ủng hộ của liên minh Lega Nord theo chủ nghĩa dân túy và đảng cực hữu Forza Nuova, người dân đã biểu tình đòi chính quyền phải dời chỗ ở của hơn 100 người xin tị nạn. Trước đó hai hôm, tại thành phố Casale San Nicola, ngoại ô thủ đô Rome cũng xảy ra vụ xô xát giữa người tị nạn và các thành viên phong trào cực hữu CasaPound (CPI), buộc cảnh sát Italia phải can thiệp… Giấc mơ về miền đất hứa của người di cư quả thật quá nhiều chông gai.
 
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, SGGP)
 

Ý kiến bạn đọc