Toshiba đã phù phép lỗ thành lãi thế nào?
Giới truyền thông những ngày gần đây bận rộn đưa tin vụ scandal gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản: Tập đoàn Toshiba đã phù phép khai khống một khoản tài chính ảo lên tới 151,8 tỷ yên (1,2 tỷ USD). Vụ việc này lớn đến nỗi chỉ xếp sau vụ làm xiếc của tập đoàn Olympus năm 2011 làm biến mất gần 1,7 tỷ USD.
Sự thật phơi bày nhờ điều tra độc lập
Theo hãng tin AP của Mỹ, vụ scandal biến lỗ thành lãi của Toshiba có thể bị “chìm xuồng” nếu các nhà điều tra độc lập không vào cuộc kiên quyết và khẩn trương. Chuyện bắt đầu từ khi Toshiba, hãng chế tạo thiết bị điện tử dân dụng có lịch sử 140 năm của Nhật, rơi vào vòng ngắm của cơ quan giám sát, nhất là trong vòng 7 năm trở lại đây khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu bùng nổ. Toshiba đã “làm xiếc” trước dư luận, biến lỗ thành lãi với số tiền lên tới trên 1,2 tỷ USD. Sự bê bối được chính tổ chức độc lập mà Toshiba thuê để kiểm toán phát hiện. Qua kiểm toán cho thấy, hành vi gian lận của Toshiba mang tính hệ thống trong suốt 15 năm, thông qua những ý tưởng viển vông của Toshiba, nhất là các dự án liên quan đến năng lượng hạt nhân sau khi thảm họa Fukushima xuất hiện năm 2011.
Theo Reuterrs, cuối tháng 7-2015, Ủy ban điều tra độc lập đã công bố báo cáo kiểm toán dài gần 300 trang. Theo đó, Toshiba đã làm sai lệch kết quả kinh doanh các lĩnh vực như hạ tầng hạt nhân, thủy điện, thiết bị điện gió, hệ thống hàng không, đường sắt, điện tử dân dụng, sản xuất chip và sản phẩm kỹ thuật số… Qua điều tra còn lộ rất nhiều sai phạm mang tính chủ ý, cố tình thổi phồng lợi nhuận bằng nhiều thủ thuật kế toán, làm đẹp báo cáo tài chính để che giấu những khoản lỗ khủng đánh lạc hướng các nhà đầu tư và lừa dối khách hàng. Mặc dù làm ăn thua lỗ nhưng Toshiba vẫn liên tục báo lãi, lợi nhuận ròng tăng gấp 5-6 lần, vượt trên 54 tỷ yên (600 triệu USD), nhất là doanh số thiết bị bán dẫn và thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài. Cũng theo kết quả kiểm toán và điều tra, việc phù phép sổ sách kế toán của Toshiba diễn ra nhiều năm, vắt qua 3 đời CEO (tổng giám đốc điều hành), gồm đương kim CEO Tanaka và hai người tiền nhiệm là Sasaki (2009-2013), Atsutoshi Nishida (2005-2009). Đây là hậu quả của một cơ chế quản lý nội bộ kém hiệu quả, không tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh, vi phạm nghiêm trọng các quy định quản trị doanh nghiệp của nhà nước.
Hệ lụy dây chuyền sau vụ bê bối Toshiba
Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, vụ bê bối kế toán ở Toshiba đã gây ra hàng loạt tổn thất nghiêm trọng. Trước tiên, gây mất niềm tin đối với các nhà đầu tư, với khách hàng, làm lu mờ một thương hiệu vốn xưa nay nổi tiếng của Nhật. Nhân sự kiện này, dư luận nhớ đến những vụ scandal tương tự mà Toshiba đã phạm phải, như vụ gian lận giá và vi phạm bản quyền bị phạt gần 90 triệu USD (chính xác là 87 triệu USD) thao túng giá LCD (màn hình tinh thể lỏng) do Tòa án North California (Mỹ) tuyên phạt gây thiệt hại cho khách hàng ở Mỹ. Hay vụ vi phạm về việc điều chỉnh giá linh kiện ống tia cathode trên các sản phẩm tivi và màn hình máy tính truyền thống tại thị trường châu Âu hồi năm 2007.
Ngay từ khi công bố kết quả điều tra hồi đầu tháng 5-2015, giá cổ phiếu của Toshiba đã sụt giảm trên 20%, trong khi đó thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn không ngừng tăng trưởng. Sau sự kiện trên, hàng loạt CEO của Toshiba đã phải ra đi. Bắt đầu vào ngày 21-7, ông Toshiba Hisao Tanaka, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành (CEO) đã tự tuyên bố từ chức trước mặt báo giới, thừa nhận "gây thiệt hại chưa từng có ảnh hưởng đến hình ảnh công ty, vết đen lớn nhất trong suốt 140 lịch sử năm tồn tại của tập đoàn”. Ngoài Tanaka, còn có Phó Chủ tịch Norio Sasaki và Atsutoshi Nishida (cố vấn) cũng phải từ chức. Với hậu quả này, rất có thể Toshiba phải đối mặt với mức phạt lến tới 400 tỷ yên (trên 3 tỷ USD) cho các hoạt động kế toán gian lận kéo dài suốt 15 năm qua.
Duy Hùng
(Theo CNN/Guardian/NT- 7/2015)
Ý kiến bạn đọc