Multimedia Đọc Báo in

Ukraine "nóng bỏng" trước mùa đông lạnh giá

18:20, 19/08/2015
Ukraine sẽ không thể vượt qua mùa đông mà không mua khí đốt của Nga, đó là lời khẳng định của nhiều quan chức Ukraine trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt của Kiev giờ đây không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng trong mùa đông sắp tới.
 
Theo Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Vladimir Demchyshyn, tính đến tháng 8 này, các kho lưu trữ ngầm của Ukraine chỉ có 13 tỷ m³ khi đốt, trong khi mùa đông đến, nhu cầu sử dụng phải vào khoảng 19 tỷ m³. “Sẽ khó có cách nào bù đắp khoản thiếu hụt 6 tỷ m³ khí nếu không có nguồn cung cấp từ Nga”, ông Demchyshyn nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Demchyshyn cũng cho hay, Ukraine không sẵn sàng mua khí đốt với giá 247 USD/1.000m³ mà Nga đề xuất, vì theo ông, Mátxcơva không xác định giá cho toàn bộ mùa đông và không đồng ý với việc ký kết thỏa thuận ba bên với sự tham gia của Liên minh châu Âu (EU). “Điều chúng tôi cần bây giờ không chỉ là một đơn giá thấp. Kiev không thể xoay xở với hợp đồng khí đốt chỉ có một nửa mùa đông như vậy”, ông Demchyshyn nói. 
Kiev sẽ trải qua một mùa đông khó khăn khi thiếu khí đốt từ Nga.
Kiev sẽ trải qua một mùa đông khó khăn khi thiếu khí đốt từ Nga.
Bộ trưởng Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine cũng lưu ý rằng Kiev có thể mua khí đốt đảo chiều từ châu Âu với giá 255 USD/1.000m³ nhưng kế hoạch này là rất khó bởi Kiev cần phải có 1,2 tỷ USD. Từ ngày 1-7-2015, Ukraine không mua khí đốt tự nhiên của Nga. Kiev không đồng ý với giá đề nghị là 247 USD/1.000m³. Ukraine cho rằng giá gas hợp lý là 200 USD. Hiện Kiev dựa hoàn toàn vào nguồn khí đốt đảo chiều từ châu Âu.
 
Trong lúc này, tình hình căng thẳng ở miền Đông Ukraine vẫn chưa giảm. Trung tâm thông tin tỉnh Lugansk cho biết, đơn vị trinh sát của lực lượng công an Lugansk đã thu thập được thông tin nói rằng quân đội Ukraine chuẩn bị tấn công lực lượng đòi độc lập ở tỉnh này.
 
Theo nguồn tin trên, các lực lượng vũ trang Ukraine đã thành lập một nhóm tấn công với tên gọi ATO (chiến dịch chống khủng bố) gồm các tiểu đoàn cơ giới 92 và 54 với 5.000 binh sĩ. Nhóm này sắp tới sẽ tiến hành tấn công với sự trợ giúp mạnh mẽ của pháo binh. Nhiệm vụ chính trong chiến dịch tấn công là chiếm thành phố Lugansk. Nguồn tin cũng cho hay quân đội Ukraine đã di chuyển vũ khí và thiết bị quân sự tới các điểm dân cư Zolotoe, Schaschie và đường Bakhmutskaya. Điều này đã được quan sát viên Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại khu vực này xác nhận. Trong các ngày từ 12 đến 14-8, OSCE đã ghi nhận sự di chuyển của thiết bị quân sự Ukraine dọc đường giới tuyến.
 
Trong khi đó, một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và điều phối chung Ukraine, Tướng Boris Kremenetskiy, cũng cho biết tình hình dọc đường giới tuyến ở Donetsk và Lugansk vẫn căng thẳng ngay trước Ngày Độc lập (16-8) của Ukraine. Theo nguồn tin này, ngày nào lực lượng đòi độc lập ở miền Đông cũng vi phạm lệnh ngừng bắn và vẫn sử dụng vũ khí đáng ra phải rút đi. 
 
Trước tình hình căng thẳng vẫn tiếp tục diễn biến ở miền Đông, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã đề xuất với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hình thức đàm phán mới nhằm giải quyết tình hình ở Donbass. Theo đề xuất này, các cuộc đàm phán sẽ có sự tham gia của các nước cường quốc ở châu Âu cũng như các nước láng giềng của Ukraine, trong đó có Ba Lan. Hiện các cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang diễn ra theo hình thức bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức). Kiev đã nhiều lần nhấn mạnh, Mỹ cần tham gia tiến trình này và tuyên bố cần thảo luận cuộc xung đột ở miền Đông nước này theo cơ chế Geneva (gồm Ukraine, EU, Mỹ và Nga). Hồi tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cho biết, Mátxcơva chưa thấy cần thiết phải mở rộng cơ chế bộ tứ Normandy, song không phản đối Mỹ tham gia tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
 
Ngày 16-8, đại diện Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) tại nhóm Tiếp xúc về Ukraine Dennis Pushilin đã tuyên bố DPR vừa đề xuất lên phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ba biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng ở miền Đông Ukraine. 
 
Theo ông Pushilin, DPR đã nhất trí với phái bộ OSCE ba biện pháp và hiện phái bộ này đang thảo luận với ban lãnh đạo việc thực thi các đề xuất đó. Ba biện pháp nói trên gồm kiểm tra việc rút vũ khí hạng nặng cỡ lớn hơn 120mm, giám sát các vụ nã pháo trong đêm và thúc đẩy ký kết văn kiện về rút vũ khí cỡ dưới 100mm. Ông đồng thời nhấn mạnh DPR sẽ làm tất cả để chuẩn bị thực hiện các biện pháp này. 
Quân nhân Ukraine kiểm tra các xe tăng T-72 tại thành phố miền tây Lviv ngày 7-8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quân nhân Ukraine kiểm tra các xe tăng T-72 tại thành phố miền tây Lviv ngày 7-8. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trước đó, đêm 16-8, không chỉ Donetsk, các thành phố và điểm dân cư gần đường giới tuyến đã phải hứng chịu các vụ nã pháo của quân đội Ukraine. Nguồn tin từ thành phố Gorlovka cho biết các đơn vị vũ trang Ukraine đã tái sử dụng xe tăng tấn công khu vực phía Tây của thành phố. Gorlovka hiện là một trong những "điểm nóng" ở khu vực đường giới tuyến tại Donbass, miền Đông Ukraine. Các vụ nã pháo của quân đội Ukraine đã khiến nhiều trường học, nhà cửa và đường ống dẫn khí đốt ở Donetsk bị hư hỏng. Tính đến đêm 16-8 đã có năm người thiệt mạng và tám người bị thương.
 
Trong khi đó, cùng ngày, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) Igor Plotniskyi cho biết LPR mong muốn giải quyết cuộc xung đột bằng con đường hòa bình. Theo ông Plotniskyi, việc LPR quay trở lại thành một phần của Ukraine cần phải do người dân tại đây giải quyết. Nếu vấn đề này nảy sinh, LPR sẽ tiến hành trưng cầu ý dân và tôn trọng ý kiến của người dân.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 17-8 đã kêu gọi các bên xung đột tại miền Đông Ukraine nghiêm túc thực thi các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk đạt được hồi tháng 2 tại Belarus, đồng thời đề nghị nhóm "Bộ Tứ Normandy" (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) nỗ lực giảm tình trạng leo thang căng thẳng tại khu vực bất ổn này.
 
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh tình trạng xung đột giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine đã đang ngày càng xấu đi. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách là các bên liên quan phải tuân thủ những cam kết đã đạt được và "Bộ Tứ Normandy" thể hiện vai trò lớn hơn nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Nga cũng nhắc lại lời kêu gọi các nước phương Tây gia tăng áp lực với chính quyền trung ương Kiev để sớm nối lại đối thoại với lực lượng đòi độc lập ở khu vực Donbass.
 
Các quan sát viên của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tại miền Đông Ukraine đã xác nhận tình trạng bạo lực gia tăng, các vụ tấn công sử dụng vũ khí hạng nặng liên tiếp nổ ra, vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong thỏa thuận Minsk. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, lực lượng đòi độc lập đã báo cáo có ít nhất 10 người thiệt mạng, trong khi quân đội Ukraine cho biết 2 binh sĩ và 3 dân thường của họ cũng đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ mới.
 
Theo số liệu mới nhất từ Liên hiệp quốc, kể từ tháng 4-2014, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã khiến hơn 6.800 người thiệt mạng và hơn 17.000 người bị thương.
 
Lệnh ngừng bắn tại Donbass có hiệu lực từ ngày 15-2-2015 theo thỏa thuận được các bên ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus. Tuy nhiên, những tuần qua, tình hình tại khu vực này diễn biến rất căng thẳng với số vụ nã pháo, tên lửa và số dân thường thiệt mạng không ngừng tăng lên. Trong tuyên bố gần đây, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine phụ trách chiến dịch quân sự tại Donbass Alexdander Motuzyanik nêu rõ Kiev sẽ đưa trở lại giới tuyến những loại vũ khí đã được rút đi trước đây nếu an nguy của các binh sĩ Ukraine bị đe dọa.
 
H.T (Tổng hợp từ SGGP, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc