10:42, 14/09/2015
Ngày 12-9, hàng chục nghìn người đã tham gia diễu hành tại thủ đô nhiều nước châu Âu để bày tỏ ủng hộ người di cư đến từ các quốc gia đói nghèo và xung đột.
Hoạt động này diễn ra trong khuôn khổ chiến dịch "Ngày hành động" rộng khắp châu Âu với hàng chục sự kiện đã diễn ra tại nhiều quốc gia. Tại thủ đô London (Anh), hàng chục nghìn người đã diễu hành qua trung tâm London tới văn phòng Thủ tướng David Cameron, giơ cao các các áp phích kêu gọi chính phủ "mở cửa biên giới" tiếp nhận người tị nạn.
Tại thủ đô Copenhaghen của Đan Mạch, khoảng 30.000 người cũng đã xuống đường diễu hành ủng hộ người di cư tìm kiếm tị nạn ở châu Âu. Cảnh sát Copenhaghen cho biết cuộc diễu hành đã diễn ra trong trật tự và yên bình. Dự kiến, các hoạt động tương tự cũng diễn ra ở Đức, Tây Ban Nha, Pháp và nhiều nơi khác.
|
Tuần hành ủng hộ tiếp nhận người di cư tại London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Song song với các cuộc diễu hành ủng hộ người di cư, hoạt động phản đối người di cư cũng diễn ra ở một số nước, trong đó có Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia - 3 quốc gia hiện vẫn giữ lập trường cứng rắn trong vấn đề tiếp nhận người di cư.
Theo báo cáo mới nhất ngày 11-9 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), hơn 430.000 người di cư và người tị nạn đã đến châu Âu trong năm nay qua đường biển Địa Trung Hải, trong đó IOM thống kê 309.356 người đã tới Hy Lạp, 12.139 người tới Italy, 2.166 người tới Tây Ban Nha và 100 người tới đảo quốc Malta. Có tới 2.750 người đã thiệt mạng trong hành trình vượt biển đầy nguy hiểm.
Làn sóng người di cư đổ tới châu Âu đã gây ra những bất đồng sâu sắc trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó nhiều nước thành viên khối này đã phản đối mạnh kế hoạch của Uỷ ban châu Âu (EC) phân bổ 160.000 người di cư cho tất cả các nước thành viên EU theo cơ chế hạn ngạch.
Phát biểu trong cuộc họp với ngoại trưởng các quốc gia Đông Âu tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc nhằm tìm tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề người nhập cư, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh tình hình hiện nay đặt ra "thách thức lớn nhất trong lịch sử đối với EU". Ông Steinmeier cho rằng trước thực trạng này, hành động đơn lẻ của bất kỳ một quốc gia nào đều không mang lại hiệu quả, vì vậy ông kêu gọi sự đoàn kết trên toàn châu Âu.
Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đề xuất EU hỗ trợ 3 tỷ euro (3,4 tỷ USD) cho các nước láng giềng của Syria gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan, coi đây là một biện pháp để ứng phó với dòng người tị nạn từ Syria vào châu Âu.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, hãng thông tấn Athens của Hy Lạp cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển nước này đã cứu 24 người di cư từ một thuyền chở người di cư bị lật trên biển Aegean. Tuy nhiên, có 5 người, trong đó có 4 trẻ em, đã mất tích và lực lượng cứu hộ đang tiến hành tìm kiếm.
Ngập trong nợ nần nhưng Hy Lạp vẫn phải nỗ lực thúc đẩy việc xử lý đơn xin tị nạn của hàng trăm nghìn người Syria và nhiều người xin nhập cư từ các nước Trung Đông – Bắc Phi khác. Ước tính trong 4 ngày qua đã có khoảng 15.000 người được cơ quan chức năng Hy Lạp xử lý thủ tục cho rời khỏi đảo Lesbos để đi vào lục địa châu Âu.
Thế nhưng khi đặt chân lên “miền đất hứa” này, không phải người nhập cư hay tị nạn nào cũng nhận được sự tiếp đón mà họ vẫn hy vọng. Với số lượng người tị nạn đổ về quá lớn, các trung tâm tiếp nhận ở Hy Lạp cũng như Italy, Hungary, những nước nằm ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng này, đang bị quá tải.
Cho rằng nền kinh tế sẽ không đủ sức tiếp nhận một lượng người nhập cư lớn đến thế, chính phủ Hungary vẫn tiếp tục tăng tốc xây dựng 175km hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Serbia vốn dự kiến hoàn thành vào tháng 11 tới. Nhưng từ 15-9 này, Hungary đã bắt đầu đóng cửa biên giới ở thị trấn Roszke, điểm tập trung nhiều người tị nạn vì là nơi đặt tuyến đường sắt giữa Hungary và Serbia, để ngăn chặn dòng người đi bộ từ nước láng giềng này dọc theo đường sắt sang Hungary. Đêm 12-9, Hungary đã điều hàng chục binh sỹ tới làng Roszke.
Tuần trước, một gói các quy định khẩn cấp được Quốc hội Hungary thông qua nhằm xử phạt những hành vi vượt biên trái phép. Theo đó, người phạm tội sẽ bị xét xử, bỏ tù hoặc bị trục xuất. Người phạm tội sẽ bị xét xử, bỏ tù hoặc bị trục xuất. Phá tường rào biên giới cũng sẽ bị coi là tội phạm. Hình phạt đối với những kẻ buôn lậu, đưa người trái phép qua biên giới cũng sẽ được siết chặt hơn.
|
Người tị nạn ở nhà ga Munich, Đức. (ảnh: Reuters). |
Nhiều tổ chức nhân đạo đã bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch này của Hungary có thể khiến chặng đường di cư của người tị nạn trở nên khó khăn hơn. Đại diện của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn tại khu vực Trung Âu Montserrat Feixas Vihe cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ để bảo đảm vẫn có con đường cho mọi người có thể đi vào Hungary, vào châu Âu và tìm kiếm cơ hội nhập cư. Tôi nghĩ rằng sẽ có thêm áp lực bởi vì sẽ có thêm một nút thắt cổ chai nữa và mọi người phải đợi lâu hơn hoặc tìm con đường khác”.
Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực tìm tiếng nói chung để giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư này trong khi dư luận ở mỗi nước cũng có nhiều phản ứng trái chiều.
Ở Slovakia ngày 12-9 diễn ra cùng lúc 2 làn sóng biểu tình ủng hộ và phản đối người nhập cư. Cùng ngày tại Ba Lan, hàng nghìn người tuần hành phản đối việc chấp nhận thêm người nhập cư vào nước này. Tại các thành phố lớn của Tây Ban Nha ngày 12-9 cũng diễn ra các cuộc tuần hành thể hiện sự ủng hộ với những người tị nạn khỏi các nước chiến tranh như Syria. Với khẩu hiệu “Chào đón người tị nạn, Vì một chính sách châu Âu có trách nhiệm”, những người tham gia tuần hành kêu gọi một chính sách công bằng vào hào phóng hơn đối với người tị nạn. Tổng thư ký Ủy ban viện trợ cho người tị nạn của Tây Ban Nha (CEAR) Estrella Galan Perez cho rằng: “Điều không thể chấp nhận được là các nước đang nỗ lực đàm phán về số lượng người tị nạn mà họ sẽ tiếp nhận. Hãy tính đến số lượng người tị nạn trên thế giới. Chúng ta không thể quên rằng có 4 triệu người tị nạn Syria nhưng trên tổng số 60 triệu người tị nạn trên toàn thế giới”.
Giới chức châu Âu đã đưa ra được một số quyết sách để bước đầu giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay nhưng vẫn chỉ “như muối bỏ bề” và thực sự chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nước có nền tảng kinh tế vững mạnh hơn và những nước khó có thể một mình gánh lấy trách nhiệm đối với người tị nạn.
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, VOV)
Ý kiến bạn đọc