Multimedia Đọc Báo in

Hungary đóng cửa biên giới với Serbia, căng thẳng tại các nhà ga

12:54, 05/09/2015
Ngày 4-9, Hãng tin AFP trích dẫn thông báo của cảnh sát Hungary cho biết 300 người di cư đã vượt qua hàng rào của trại tị nạn Roszke gần biên giới với Serbia để trốn thoát ra ngoài.
 
Cảnh sát đã có mặt kịp thời để bắt giữ họ. Thông báo cũng cho hay để ngăn chặn những tình huống tương tự, cảnh sát tạm thời đóng cửa đường giao cắt mô tô Roszke giữa Hungary và Serbia,  hướng các phương tiện chuyển sang đường khác.
Hàng rào kẽm gai tại biên giới Hungary - Serbia (Ảnh EPA/Zoltan Mathe)
Hàng rào kẽm gai tại biên giới Hungary - Serbia (Ảnh EPA/Zoltan Mathe)

Trong một diễn biến khác, hàng trăm người tị nạn mắc kẹt bên ngoài nhà ga quốc tế Keleti ở thủ đô Budapest đã gói ghém hành lý và bắt đầu hành trình đi bộ sang thủ đô Vienna của Áo. Họ nói rằng họ không thể chờ đợi để lên các chuyến tàu tới Áo sau khi Hungary đã hủy các chuyến tàu  từ thủ đô Budapest đến Tây Âu xuất phát hai ngày trước đó. Hiện hàng nghìn người khác vẫn còn cắm trại bên ngoài nhà ga chờ đợi chính quyền Hungary thay đổi quyết định mở lại các chuyến tàu sang Áo và Đức. Một số khẩu hiệu đã được viết vội, bày tỏ mong muốn được sang Đức, hoặc đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp.

Trong khi đó căng thẳng bước sang ngày thứ hai tại một nhà ga xe lửa ở thị trấn Bicske, tây bắc Budapest, nơi có một trong số năm trại tị nạn trên toàn quốc.  Hàng trăm người tị nạn cố thủ trên tàu, không chịu xuống và di chuyển về trại theo yêu cầu của cảnh sát. Nhiều người có vé sang Áo hoặc Đức. Theo hãng tin AP, họ không muốn xin tị nạn tại Hungary, mà thay vào đó là Áo hoặc Đức - nơi có điều kiện kinh tế tốt hơn Hungary.
 
Theo AFP, Hungary có kế hoạch triển khai quân đội tại biên giới phía Nam nước này giáp Serbia, một phần trong chiến dịch đối phó với làn sóng người di cư ồ ạt và trấn áp những kẻ buôn người.
 
Ngày 3-9, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Quốc hội nước này đang xúc tiến việc thông qua các biện pháp mới sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới nghiêm ngặt hơn ở khu vực biên giới. Khi được hỏi liệu quân đội có được triển khai để bảo vệ biên giới hay không, ông Orban nói “có" . 
Ông đồng thời cho rằng vấn đề di cư không phải của châu Âu mà đó là vấn đề của nước Đức, bởi tất cả người di cư đều muốn tới Đức chứ chẳng ai muốn ở lại Hungary cả.
 
Ông cũng đồng thời cảnh báo làn sóng người di cư và người tị nạn mà phần lớn là người Hồi giáo tràn vào châu Âu cũng như chính sách nhập cư thất bại của Liên minh châu Âu (EU) đang có nguy cơ làm suy yếu nguồn gốc Cơ Đốc giáo của châu Âu.
 
Thủ tướng Serbia, ông Alexandar Vucic ngày 3-9 cảnh báo người tị nạn trên biên giới giữa Serbia và Hungary có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nhân đạo khi Hungary thắt chặt qui chế nhập cư vào giữa tháng 9 tới. 
 
Phát biểu trong chuyến thăm một trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở miền Bắc, Thủ tướng Vucic cho rằng, nếu Hungary đóng cửa biên giới với người tị nạn, Serbia sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, trong đó có nguy cơ một cuộc khủng hoảng về nhân đạo khi hằng ngày vẫn có hàng nghìn người vượt biên giới sang Hungary.  
Người di cư tại nhà ga Keleti ở Budapest, Hungary ngày 1-9. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư tại nhà ga Keleti ở Budapest, Hungary ngày 1-9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Vucic kêu gọi Liên minh châu Âu có hành động khẩn cấp trước khi biện pháp mới này của Hungary có hiệu lực. Ông cũng khẳng định mặc dù không phải là thành viên của Liên minh Châu Âu, song Serbia sẵn sàng chia sẻ gánh nặng, nhưng điều quan trọng là khối này cần phải có một giải pháp toàn diện. Trước đó Thủ tướng Vucic cũng đã chỉ trích quyết định của Hungary xây dựng hệ thống hàng rào dây thép gai dọc biên gới với Serbia, và cho rằng đây không phải là giải pháp khả thi để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay.  

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3-9 tuyên bố nước này và Pháp đã nhất trí rằng Liên minh châu Âu (EU) cần đặt ra các chỉ tiêu về số lượng người di cư mà các nước thành viên bắt buộc phải tiếp nhận. Trả lời báo giới nhân chuyến công du tới thủ đô của Thụy Sĩ, bà Merkel nói: "Sáng nay tôi đã thảo luận với Tổng thống Pháp. Lập trường của hai nước là chúng tôi nhất trí cần áp đặt các hạn ngạch bắt buộc trong EU để cùng chia sẻ gánh nặng. Đó là nguyên tắc của sự đoàn kết".
 
Cùng ngày, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya thông báo đã giải cứu 104 người di cư châu Phi, trong đó có 14 phụ nữ, trên một xuồng cao su quá tải đang di chuyển tới châu Âu và sắp bị chìm ở ngoài khơi bờ biển Tripoli.
 
H.N (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc