08:09, 01/09/2015
Ngày 27-8, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã bổ nhiệm Chánh án Tòa án tối cao nước này, bà Vassiliki Thanou làm Thủ tướng tạm quyền, để điều hành đất nước và chuẩn bị cho cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng tới.
Bà Thanou, 65 tuổi, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp. Người phát ngôn Chính phủ tạm quyền Hy Lạp Rodolfos Moronis cũng đã công bố thành phần Chính phủ tạm quyền do bà Vassiliki Thanou đứng đầu.
Chính phủ lâm thời gồm 23 thành viên, trong đó lãnh đạo các bộ chủ chốt gồm ông Iorgos Khuliarakis giữ chức Bộ trưởng Tài chính, ông Petros Molivyatis làm Bộ trưởng Ngoại giao và ông Iuannis Ghyakis giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng... Chính phủ lâm thời đã làm lễ nhậm chức tại Dinh Tổng thống. Nhiệm vụ chính của Chính phủ lâm thời là tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn.
|
Bà Vassiliki Thanou. (Ảnh: greece.greekreporter.com) |
Tuần trước, sau 7 tháng đắc cử, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã đệ đơn từ chức, trong bối cảnh nội bộ Đảng cánh tả Syriza của ông xuất hiện những bất đồng và rạn nứt liên quan đến gói cứu trợ tài chính thứ 3. Để có được khoản tiền 86 tỷ euro từ các chủ nợ quốc tế, Hy Lạp tiếp tục phải thực hiện những điều khoản kinh tế ngặt nghèo và hà khắc ít nhất trong 3 năm tới.
Ngày 28-8, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã ký sắc lệnh giải tán Quốc hội để tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 20-9 tới. Một quan chức giấu tên thuộc phủ tổng thống xác nhận: "Sắc lệnh ra lệnh giải tán quốc hội đã được ký. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 20-9”. Theo hãng thông tấn ANA, sắc lệnh của Tổng thống Pavlopoulos còn yêu cầu triệu tập Quốc hội mới vào ngày 1-10.
Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp sắp mãn nhiệm Georges Stathakis ngày 26-8 đã thông báo nước này bắt đầu thực hiện kế hoạch bán một số tài sản công theo đúng cam kết khi nhận được gói cứu trợ quốc tế mới trị giá 86 tỷ euro (96 tỷ USD), bất chấp việc Athens đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn.
Phát biểu trước báo giới về kế hoạch tư nhân hóa cảng Piraeus, công ty đường sắt quốc gia, cùng hàng loạt cảng và sân bay khác của Hy Lạp, ông Stathakis cho biết nhà chức trách nước này đang bắt đầu quá trình tư nhân hóa các cơ cở trên theo đúng thỏa thuận được ký kết với các chủ nợ quốc tế.
|
Các nhà lập pháp bỏ phiếu về thỏa thuận cứu trợ tại phiên thảo luận của Quốc hội ở Athens ngày 14-8. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Kế hoạch này là một phần trong cam kết của Thủ tướng Alexis Tsipras về tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và tiến hành các cải cách kinh tế sâu rộng để Hy Lạp nhận được gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu. Kế hoạch tư nhân hóa nói trên dự kiến sẽ giúp Athens thu được khoảng 50 tỷ euro vào cuối năm 2017 và một nửa trong số đó sẽ được chi cho việc tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp vốn đang cạn kiệt tiền mặt do cuộc khủng hoảng nợ vừa qua.
Cũng trong ngày 26-8, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Tsipras đã bác bỏ việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nếu ông lại chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn sắp tới. Ông Tsipras khẳng định sẽ không hợp tác với các đảng đối lập là Dân chủ Mới theo đường lối bào thủ, đảng Dân chủ Xã hội Pasok hoặc đảng Potami theo đường lối trung tả, nếu đảng Syriza của ông giành chiến thắng nhưng không đủ đa số trong cuộc bầu cử tới. Ông tuyên bố sẽ tiếp tục hợp tác với các đảng đã tham gia chính phủ liên minh vừa qua.
H.T (Tổng hợp từ Vietnam+, VOV)
Ý kiến bạn đọc