Tấm ảnh bi kịch của cậu bé di cư Syria khiến cả thế giới bàng hoàng
12:50, 05/09/2015
Truyền thông thế giới ngày 3-9 đã đồng loạt đăng tải bức ảnh gây rúng động về cậu bé 3 tuổi người Syria chết đuối dạt vào bờ khi cùng gia đình tìm đường vượt biển sang châu Âu tị nạn. Tấm ảnh được cho là sẽ đánh động tới chính sách của các nước lớn ở châu Âu trong cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay.
Đó là bức ảnh đã thu lại được toàn bộ bi kịch hình thành trong cuộc khủng hoảng người di cư: một người lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhẹ nhàng bế cái xác của một em bé người Kurd tới từ Syria, đã dạt lên bờ biển của một resort nghỉ dưỡng. Thi thể bé trai, vẫn mặc chiếc áo phông màu đỏ sáng và quần ngắn, được phát hiện đang nằm úp mặt trên bãi biển, gần thị trấn nghỉ dưỡng Bodrum, cách thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 300 km. Theo AP, hình ảnh này chứa đựng toàn bộ những gì mà người dân toàn cầu không hề muốn chứng kiến khi đọc tin trên báo, trên truyền hình hay trên điện thoại di động: Sự tàn nhẫn của các cuộc nội chiến, những dòng người nhập cư vẫn nối dài và cái chết của một đứa trẻ vô tội.
Trong khi các chính trị gia ở châu Âu vẫn đang tranh cãi rất hăng, nhằm tìm kiếm một giải pháp chung trong việc xử lý cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, bức ảnh đứa trẻ đã chết ấy khiến cộng đồng mạng dậy sóng.
Đứa trẻ này nằm trong nhóm 23 người di cư đã ra khơi trên 2 con thuyền nhỏ, đi từ bán đảo Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng sẽ tới đảo Kos của Hy Lạp, nơi hàng ngàn người di cư đổ tới cách nay mấy tuần. Cậu bé được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ xác định là Aylan Kurdi, 3 tuổi. Em đã thiệt mạng cùng anh trai Galip, 5 tuổi và mẹ đẻ. Cả gia đình chỉ còn ông bố là sống sót. Có tổng cộng 5 đứa trẻ và 1 người phụ nữ thiệt mạng trong cuộc di cư đó, với 7 người khác được cứu và 2 người bơi vào bờ nhờ áo phao. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hy vọng tìm thấy 2 người mất tích đang mờ dần.
Theo tờ Washington Post, quy mô của cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria đã lớn tới mức khó tưởng tượng. Hiện đã có khoảng 11 triệu người Syria (tức nửa dân số nước này) đã chết hoặc chạy trốn khỏi nhà kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011. Khoảng 4 triệu trong số đó buộc phải rời khỏi đất nước. Trên nền bối cảnh ấy, những cái chết ở Bodrum chỉ là một trong các sự kiện đau lòng diễn ra tại những vùng biên bất ổn ở châu Âu. Các con số do Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu, cung cấp gần đây cho thấy chỉ riêng tuần qua đã có 23.000 người di cư trái phép tới Hy Lạp. Con số này đã tăng tới 50% so với tuần trước, đưa số người tị nạn tới Hy Lạp trong 9 tháng đầu năm nay tăng lên mức 160.000 người - tức đã vượt tổng số người di cư trái phép của năm ngoái.
Người lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ nâng xác cậu bé di cư Syria trôi dạt vào bờ biển ở một resort (Nguồn: Telegraph) |
Được biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã có kế hoạch họp khẩn cấp trong ngày 14-9, để phác thảo ra một kế hoạch điều phối nhằm xử lý, phân loại và cứu trợ hàng ngàn người di cư trái phép tới châu lục.
Nhưng chuyện đã là quá muộn với đứa trẻ xấu số trong bức ảnh chụp ở gần Bodrum. "Điều khiến tôi bị sốc nhất là đôi giày nhỏ của cậu bé, chắc chắn đã được cha mẹ đi rất cẩn thận vào chân bé, khi họ chuẩn bị cho con thực hiện một hành trình đầy hiểm nguy" - Peter Bouckaert, Giám đốc Tổ chức giám sát nhân quyền viết trên blog cá nhân - "Khi nhìn sâu vào bức ảnh, tôi đã không thể ngăn nổi mình tưởng tượng rằng đó chính là đứa con trai bé bỏng của tôi, đang nằm bất động vô hồn trên bãi biển lạnh giá ấy".
“Bức hình ấy thực sự quá thương tâm”, Peter Bouckaert, Giám đốc Tình trạng khẩn cấp tại tổ chức Giám sát Nhân quyền, chia sẻ: “Nước mắt tôi đã không ngừng rơi ngay trong lần đầu tiên tôi nhìn thấy hình ảnh đó trên điện thoại. Tôi đã phải nghĩ rất nhiều không biết có nên chia sẻ hình ảnh đó hay không”. Nhưng rồi cuối cùng, ông Bouckaert vẫn quyết định chia sẻ hình ảnh này bởi theo ông, mọi người cần phải nhìn vào bức ảnh đó để hối thúc chính phủ các nước đồng lòng giúp đỡ những người nhập cư.
Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng, bức ảnh này khó có khả năng khiến mọi người phải “xắn tay vào hành động”. Nếu may mắn, bức ảnh này có thể trở thành một bức ảnh “hằn sâu vào tâm trí” của nhân loại như hình ảnh một con kền kền bay trên đầu một đứa trẻ chết đói tại Sudan hay bức hình một đứa trẻ nằm gọn trong tay của một lính cứu hỏa trong trận đánh bom thành phố Oklahoma. Ngược lại, bức ảnh nói trên cũng có thể “chìm nghỉm” trong hàng triệu bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội hiện nay.
Dù vậy, ông Al Tompkins, một chuyên gia cao cấp của Viện Poynter, chuyên nghiên cứu về truyền thông, nhận định: “Dù công nghệ có thay đổi thế nào đi chăng nữa, những bức ảnh mang tính biểu tượng như thế này vẫn có thể chạm đến trái tim chúng ta bằng cách này hay cách khác”. Một điều đáng buồn là, những bức ảnh thương tâm ấy thường mô tả về số phận của những trẻ em. Điều khiến nhân loại trên toàn thế giới không khỏi nhức nhối.
Bà Kathleen Fetters-Iossi, một nhà văn 47 tuổi tại Wisconsin, bày tỏ hy vọng, mọi người sẽ chia sẻ những bức hình thương tâm ấy để nâng cao nhận thức của mọi người. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại rằng, sẽ khó có thể biến những lo ngại ấy thành hành động cụ thể. “Hầu hết những người Mỹ quan tâm đến vấn đề này sẽ cho rằng chúng ta không thể làm gì cả. Họ luôn nghĩ rằng, chúng ta không thể giải quyết được vấn đề nhập cư trong nước chứ đừng nói gì tại châu Âu. Mạng xã hội có thể giúp nâng cao ý thức của họ, tuy nhiên, việc chỉ theo đuổi clicktivism (tạm dịch là Chủ nghĩa kích chuột) sẽ không giúp gì cho những người nhập cư cả”, bà Fetters-Iossi nói.
Hình ảnh của bé Aylan Kurdi cũng tràn ngập trên trang nhất mọi tờ báo lớn của Brazil, quốc gia có tỷ lệ người bị giết cao nhất thế giới theo thống kê của Liên hiệp quốc, và đã gây ra làn sóng thất vọng đến cùng cực của người dân tại đây. Anh Ary Cordovil, một thợ cắt tóc 35 tuổi sống gần một khu ổ chuột ở Rio de Janeiro, nơi các băng đảng ma túy thường xuyên đụng độ nhau đến nỗi không ai dám ra đường khi trời tối, chia sẻ: “Tôi đã quen với tình trạng bạo lực ở nước mình nhưng bức hình đó quả thật quá tang thương. Đó chỉ là một cậu bé đang cố chạy trốn một cuộc chiến. Sự kinh khủng của bức tranh ấy vượt quá cả những gì chúng tôi thường phải chứng kiến”.
Hải Hà (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc