Multimedia Đọc Báo in

Vụ 71 người tị nạn chết ngạt - Thảm kịch người nhập cư gây rúng động châu Âu

08:07, 01/09/2015
Trưa 28-8, các nhà điều tra thảm kịch vụ một xe tải chở đầy người tị nạn đã chết ngạt được phát hiện trên đường Qquốc lộ A4, gần thủ đô Vienna của Áo, đã công bố các thông tin chi tiết liên quan tới vụ việc đau lòng này.
 
Một cuộc họp báo ở Vienna với sự tham dự của các nhà điều tra, cảnh sát và Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner cho biết, trên chiếc xe tải đông lạnh bỏ lại bên lề đường, cảnh sát đã phát hiện 71 thi thể người tị nạn được cho là đến từ Syria, trong đó có 59 nam giới, 8 phụ nữ và 4 trẻ em. Chiếc xe này bị bỏ lại trên đường A4 từ ngày 26-8 và sau đó một ngày thì được cảnh sát phát hiện. Đối tượng chủ mưu vụ đưa người nhập lậu này là một người Bulgaria gốc Liban. Ngoài ra còn có thêm hai nghi can nữa, gồm một người quốc tịch Bulgaria và một người có thẻ căn cước Bulgaria, song chưa rõ quốc tịch. Cả ba đối tượng này đều đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra. 
Tìm thấy 71 thi thể người tị nạn trong một chiếc xe tải. (ảnh: AFP)
Tìm thấy 71 thi thể người tị nạn trong một chiếc xe tải. (ảnh: AFP)

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mikl-Leitner gọi đây là "một ngày đau buồn", đồng thời khẳng định sẽ cương quyết với những biện pháp mạnh mẽ nhất nhằm chống lại việc đưa người nhập cư trái phép. Theo bà, những kẻ đưa người nhập cư là những đối tượng phạm tội chứ không phải giúp đỡ người nhập cư. Nữ Bộ trưởng Áo cũng hoan nghênh việc nhà chức trách Áo và Hungary đã kịp thời phối hợp nhanh chóng bắt giữ những kẻ cầm đầu vụ đưa người lậu gây ra thảm kịch đau buồn này.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo, Giám đốc cảnh sát bang Burgenland của Áo, ông Hans-Peter Doskozil, cho biết đứng sau vụ đưa người lậu này là một đường dây buôn lậu người móc nối giữa Bulgaria và Hungary, một cơ cấu tội phạm có tổ chức. Ông cũng cho biết trên chiếc xe tải đông lạnh không hề có hệ thống thông khí và có thể những người trên xe đều bị chết ngạt. Vị cảnh sát cũng cho rằng có thể các nạn nhân là người tị nạn Syria do các nhà điều tra phát hiện có một số giấy tờ của người Syria trong số những vật chứng tại hiện trường.
 
Trong khi châu Âu chưa hết bàng hoàng trước hàng loạt thảm kịch đối với người nhập cư trong những ngày qua, người phát ngôn Cơ quan quản lý biên giới Liên minh châu Âu (Frontex) Izabella Cooper hôm 28-8 cảnh báo, các nước thành viên có thể phải chuẩn bị tinh thần trước những thảm kịch tiếp theo. Cùng với vụ việc phát hiện 71 người tị nạn, trong đó có một bé gái, đã chết trong một chiếc xe tải đông lạnh bị bỏ lại trên một đường cao tốc ở Áo, Libya cũng phát hiện 82 xác người nhập cư trôi dạt vào bờ biển nước này vì thuyền của họ bị đắm. Gần 200 người khác vẫn mất tích và có thể cũng đã chết.
 
Người phát ngôn Cao ủy Liên hiệp quốc (LHQ) về người tị nạn Melissa Fleming cho biết, số người tị nạn và nhập cư tìm cách đến châu Âu qua đường Địa Trung Hải đã tăng lên 332.000 kể từ đầu năm đến nay, nhiều hơn so với 219.000 trong cả năm ngoái. Trong khi đó, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cho biết, kể từ đầu năm đến nay đã có khoảng 2.400 người chết trên đường tìm cách nhập cư vào châu Âu qua Địa Trung Hải. Theo tổ chức này, mỗi ngày có khoảng 1.500 đến 2.000 người đi theo con đường qua Hy Lạp, Macedonia và Serbia đến Hungari và trong thời gian tới con số này có thể tăng lên 3.000 mỗi ngày.
 
Người phát ngôn Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) Joel Millman nhấn mạnh: “Khi thiếu một chiến lược quản lý nhập cư, những cái chết như vụ việc xảy ra ở Áo đã nhắc nhở tất cả chúng ta về hậu quả của việc để cho những người muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp và an toàn hơn rơi vào tay những kẻ buôn người. Cũng như những gì chúng ta đã chứng kiến trên Địa Trung Hải trong 3 năm qua, những thảm kịch tương tự đang ám ảnh châu Âu trừ khi chúng ta sớm hành động để tất cả những người nhập cư này được an toàn”. Tổ chức Di trú quốc tế cũng chỉ trích cách ứng phó của Hungari trước cuộc khủng hoảng nhập cư, cho rằng nước này đang làm vấn đề buôn bán người trở nên trầm trọng hơn bằng những chính sách mạnh tay nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư.
 
Chính phủ Hungary ngày 28-8 quyết định tăng cường các hình phạt đối người vượt biên trái phép và bọn buôn người trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư đang ồ ạt kéo tới nước này từ phía Serbia. Chính phủ đã đưa ra mức phạt tù ba năm đối với những người di cư ba lần vi phạm lệnh cấm trèo qua hàng rào ngăn cách giữa biên giới nước này với Serbia, trong khi những kẻ buôn người sẽ phải lãnh mức án tù cao hơn, được quy định trong gói 13 điều sửa đổi bổ sung của luật tị nạn ở nước này. Dự luật mới cũng cho phép thiết lập "các vùng quá cảnh mới" tại biên giới để người tìm kiếm tị nạn tạm trú trong khi chờ xử lý thủ tục. Dự luật này sẽ được trình lên Quốc hội Hungary vào tuần tới và nếu được thông qua, hầu hết các biện pháp này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15-9 tới.
 
Trong khi đó, trước bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ tấn công nhằm vào người tị nạn tại bang Sachsen, miền Đông nước Đức, Chính phủ nước này ngày 28-8 đã triển khai lực lượng cảnh sát tới bang này, đồng thời ban hành lệnh cấm tụ tập nơi công cộng trong thị trấn Heidenau từ 14 giờ ngày 28-8 tới 6 giờ ngày 31-8. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin ngày 29-8, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định chính phủ sẽ hỗ trợ hết sức cho cảnh sát bang Sachsen trong việc giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ người tị nạn.
Bà Merkel cho biết Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere đã xem xét các điều kiện thực tế để hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát ở Heidenau.  
Người di cư vượt qua hàng rào dây thép gai gần Roszke, giáp giới Serbia. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người di cư vượt qua hàng rào dây thép gai gần Roszke, giáp giới Serbia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng di cư trái phép, giới chức Thụy Sĩ ngày 28-8 cho biết nước này cùng với Đức và Italy sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để phát hiện, truy đuổi và triệt phá các mạng lưới buôn người tị nạn và di cư vào châu Âu. Lực lượng đặc nhiệm chung sẽ đặt trụ sở tại thị trấn Chiasso của Thụy Sĩ trên biên giới với Italy và sẽ bắt đầu hoạt động trong tháng tới.

Cùng ngày, Estonia cho biết nước này cũng đang lên kế hoạch tăng cường giám sát tại khu vực biên giới trên bộ dài 136km với Nga bằng công nghệ cao nhằm đối phó với hoạt động buôn bán và vượt biên trái phép. Lực lượng biên phòng Estonia cho biết sẽ sử dụng các thiết bị cảm ứng, camera và rađa hiện đại để giám sát an ninh tại khu vực biên giới của nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) này.
 
Ngoài làn sóng di cư từ phía Nam, Tổng thống Ba Lan Adrzej Duda cũng cảnh báo rằng, căng thẳng leo thang ở nước láng giềng Ukraine cũng có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhập cư tại đây: “Chúng tôi rất lo ngại về xung đột ở Ukraine vì nó sẽ khơi mào làn sóng tị nạn khỏi đây để sang Ba Lan. Chúng tôi có chính sách nhập cư khá hiệu quả nhưng nếu xung đột leo thang ở Ukraine thì Ba Lan cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng”.
 
Tuần qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải thừa nhận rằng khối này đã thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở biên giới. Thủ tướng Đan Mạch Lokke Rasmussen cho rằng, thậm chí khi các nước Liên minh châu Âu đạt được nhất trí về việc chia sẻ gánh nặng người tị nạn thì chỉ một mình giải pháp đó chưa thể chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Theo ông, chỉ khi giảm được số người muốn xin nhập cư vào châu Âu thì các nước trong khu vực mới có thể tập trung giúp đỡ những người tị nạn thật sự cần giúp đỡ.
 
H.T (Tổng hợp từ TTXVN, VOV)
 

Ý kiến bạn đọc