COP 21 phải lùi ngày bế mạc vì các toan tính lợi ích
Do các toan tính lợi ích riêng, Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) sẽ kéo dài sang ngày 12-12 trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử.
Mặc dù đã trải qua thêm một đêm đàm phán căng thẳng, Hội nghị COP21 vẫn chưa đi tới thỏa thuận cuối cùng dù đã chậm hơn thời hạn dự kiến một ngày. Theo nhiều nhà quan sát, nhiều nước chủ chốt đã kiên quyết không nhân nhượng trong một loạt vấn đề chính.
Hãng tin AFP dẫn lại các nguồn tin có mặt trong phiên họp kín kéo dài suốt đêm 11-12 tại trung tâm hội nghị Le Bourget, cho hay nhiều nước như Trung Quốc và các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh đã tỏ ra rất cứng rắn. Theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, có ba chủ đề gây bất đồng lớn là việc chia sẻ nỗ lực giảm khí thải giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển, đóng góp tài chính và mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon (phải), Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) tại một hội nghị của COP 21 ở Paris ngày 4-12. (AFP/ TTXVN) |
Khoảng 100 quốc gia đòi hỏi giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đặc biệt là các đảo quốc đang bị nạn nước biển dâng cao đe dọa. Tuy nhiên, mục tiêu này bị một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Saudi Arabia và Nga phản đối quyết liệt. Thời hạn xem xét theo hướng gia tăng nỗ lực giảm khí thải, để thúc đẩy quá trình chuyển sang nền kinh tế "xanh" cũng bị đẩy đến năm 2025, lịch trình này được coi là là quá chậm theo quan điểm của các tổ chức bảo vệ môi trường.
Về phương diện tài chính, Saudi Arabia và Iraq bác bỏ nguyên tắc đánh thuế carbon, trong khi đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hay Australia cho rằng phần đóng góp của các nước phát triển là "quá lợi cho các nước đang phát triển". Nhật Bản hay Thụy Sĩ không chấp nhận thỏa thuận đi quá xa về mặt này. Theo Thụy Sĩ, các nước phát triển không thể gánh "trách nhiệm lịch sử" một cách "vô giới hạn".
Với 3 đêm liên tiếp đàm phán không ngừng nghỉ, các nhà đàm phán của 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang đứng trước thử thách rất lớn về sức khỏe và sự kiên nhẫn để có thể cho ra đời một thỏa thuận vào sáng 12-12. Điều này cho thấy việc đạt được thỏa thuận – dù ai cũng biết là cần thiết và sống còn, không thể trì hoãn- song cũng không dễ dàng.
Việc đạt được một thỏa thuận làm thỏa mãn các tính toán lợi ích của 195 thành viên của Công ước khung của LHQ là điều rất khó khăn, nếu không nói là không thể nếu các quốc gia không chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau. Nói như khẩu hiệu của nước chủ nhà Pháp rằng 7 tỷ con người nhưng chỉ có một hành tinh; hay như Tổng thư ký Liên hiệp quốc luôn nhấn mạnh rằng các thảm họa của biến đổi khí hậu không phân biệt các đường biên giới và kêu gọi các nước hãy hành động vì lợi ích chung toàn cầu. Trong phòng nghị sự, các cuộc thương lượng vẫn diễn ra căng thẳng, thậm chí thâu đêm, nhằm thông qua được một thỏa thuận lịch sử cho vấn đề biến đổi khí hậu. Bên ngoài phòng họp, các hoạt động và sáng kiến vẫn liên tục được các tổ chức dân sự, giới doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đưa ra.
Nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhóm hoạt động vì môi trường liên tục có các hoạt động kêu gọi tôn trọng “Công lý khí hậu” và vượt qua những tính toán lợi ích chính trị riêng biệt. Nhiều ý kiến rất khác nhau về kỳ vọng đối với hội nghị. Một nhà khoa học của Viện nghiên cứu môi trường CH Séc cho biết: “Chúng ta biết rất rõ ràng đây không phải một hội thảo khoa học mà là một cuộc gặp mang tính chính trị. Chúng ta đều mừng rằng mọi người đều nhận thức là cần phải có một thỏa thuận để ngăn chặn tình trạng nóng lên của trái đất. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi phức tạp bởi các tính toán lợi ích khác biệt, có những khác nhau trong mức phát triển, mức ảnh hưởng của các nước phương Bắc và phương Nam…Vì thế, chúng ta khó có thể hy vọng một kết quả tuyệt hảo bởi vấn đề rất phức tạp và khó có thể dung hòa được hết. Chưa nói là sau khi đạt được thỏa thuận rồi thì phải làm sao giám sát việc thực hiện hay có những tài chế thế nào để buộc các nước phải tuân thủ". Anh Mondano, một nhà hoạt động vì môi trường đấu tranh cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều nơi trên thế giới cho biết: “Tôi không tin lắm vào những gì diễn ra ở đây thỏa thuận có đạt được hay không thì chuyện quan trọng là triển khai thế nào, có tôn trọng và có sự ràng buộc hay không. Tôi không tin là các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ tôn trọng những gì họ đã ký, chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh vì chúng tôi đã chứng kiến những thảm họa khủng khiếp, ở những nơi mọi người không có nước để sinh sống.”
Tuy nhiên, nhìn một cách lạc quan, cho dù thỏa thuận được thông qua sẽ không tránh khỏi còn nhiều điều chưa như mong muốn, song COP 21 những ngày qua thực sự là sự tụ họp của các nỗ lực chung toàn cầu, với sự tham gia đông đảo chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức dân sự bên cạnh các đại diện quốc gia. Hàng nghìn sáng kiến và cam kết của các thành phố, các tổ chức…đã được đưa ra trong cuộc đấu tranh chung bảo vệ trái đất.
Tháp Eiffel biểu tượng của thủ đô Paris (Pháp), nơi đang diễn ra Hội nghị COP21 đã được thắp sáng trong đêm qua nhằm gửi đi thông điệp “khích lệ” hội nghị. Thông điệp này kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới “nói không với kế hoạch B” và hướng tới “giảm cacbon”, giữ tình trạng ấm lên toàn cầu dưới “1,5 độ C”.
Chủ tịch COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tỏ ra rất lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận toàn cầu và khẳng định “mọi việc đang đi đúng hướng”. Ông Fabius nói: “Chúng ta đang có mọi điều kiện để đạt được một thỏa thuận toàn cầu, một thỏa thuận đầy tham vọng. Các nước sẽ phải nhận thấy rằng các điều kiện chưa bao giờ thuận lợi như lúc này để tiến tới một thỏa thuận về khí hậu tại Paris. Và lúc này sẽ là trách nhiệm của các Bộ trưởng để đưa ra quyết cuối cùng”.
Dù COP21 phải trì hoãn thêm một ngày để đạt thỏa thuận cuối cùng, song bầu không khí lạc quan đang bao trùm cuộc họp tại Paris với hy vọng các nhà lãnh đạo 195 nước thành viên Liên hiệp quốc sẽ nắm lấy thỏa thuận mạnh mẽ nhất có thể ràng buộc cả các nước giàu và những nước nghèo cùng chung tay hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon gọi bản dự thảo thỏa thuận 27 trang đang sẵn sàng trên bàn đàm phán là “nền tảng tốt” cho một thỏa thuận khí hậu toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng xác định hội nghị lần này là "cơ hội hành động cuối cùng" để hạn chế những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ và nước biển dâng đe dọa sự tồn vong của các đảo và vùng ven biển.
H.T (Tổng hợp từ VOV, TTXVN)
Ý kiến bạn đọc