Multimedia Đọc Báo in

Vòng đàm phán quốc tế mới về Syria diễn ra ở New York

20:46, 19/12/2015

Ngày 18-12, Ngoại trưởng các nước thuộc Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria đã gặp nhau tại New York (Mỹ), bắt đầu vòng đàm phán nhằm nối lại các nỗ lực hối thúc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và phe nổi dậy ký thỏa thuận hòa bình.

Tham dự vòng đàm phán quốc tế lần này có sự góp mặt của 17 Ngoại trưởng; trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đồng cấp Nga Sergei Lavrov cùng Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-mun, Đại sứ hòa bình của Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề Syria Staffan de Mistura và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria kể từ khi Saudi Arabia tập hợp một liên minh các phe nổi dậy ở Syria và các nhóm đối lập để thành lập một đoàn đàm phán.

Trước đó, tại Hội nghị quốc tế về xung đột Syria diễn ra ở Vienna (Áo) hôm 14-11 vừa qua, các nhà ngoại giao toàn cầu đã ấn định lịch trình cho cuộc chuyển tiếp chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Theo đó một chính phủ chuyển tiếp sẽ được thành lập trong vòng 6 tháng và các cuộc bầu cử được tiến hành trong vòng 18 tháng.

Cũng trong ngày 18-12, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết về hòa bình tại Syria nhưng lại không hề đề cập đến Tổng thống Bashar al- Assad. Theo AP, nghị quyết này có để cập đến một lệnh ngừng bắn giữa các phe phái tại Syria nhằm hướng tới một cuộc đối thoại giữa Chính phủ và phe đối lập. Tuy nhiên, nghị quyết này lại “lờ” đi một nhân tố được coi là đóng vai trò then chốt trong tiến trình hòa bình tại Syria: Tương lai của ông Assad.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc  về nghị quyết khôi phục hoà bình cho Syria (Ảnh: TTXVN)
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về nghị quyết khôi phục hoà bình cho Syria (Ảnh: TTXVN)

Nghị quyết nêu rõ, những đề xuất được nêu ra trong nghị quyết sẽ không giúp chấm dứt cuộc xung đột đã bước vào năm thứ 5 tại Syria và khiến hơn 300.000 người thiệt mạng bởi “rất nhiều tổ chức khủng bố” như IS và Mặt trận al- Nusra sẽ không tuân thủ lệnh ngừng bắn này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã ca ngợi “sự thống nhất chưa từng có tiền lệ của Hội đồng Bảo an” vốn từng chia rẽ sâu sắc về một giải pháp chính trị cho tình hình Syria và gọi nghị quyết này là “một dấu mốc cực kỳ quan trọng”. “Bản nghị quyết này sẽ tạo điều kiện cho người dân Syria có một sự lựa chọn thực chất không phải giữa ông Assad và bọn IS mà là giữa chiến tranh và hòa bình”, ông Kerry nói: “Chúng tôi không hề ảo tưởng về những rào cản còn tồn tại, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tương lai của Tổng thống Assad vốn còn quá nhiều điểm khác biệt”, ông Kerry tuyên bố và nhấn mạnh: “Ông Assad đã mất đi khả năng thống nhất dân tộc”. Tuy nhiên, sau đó, chính ông Kerry lại lên tiếng thừa nhận Mỹ và phe đối lập hiểu rõ rằng, việc đòi hỏi ông Assad phải ra đi ngay trước quá trình đàm phán để đi đến hòa bình tại Syria “chỉ khiến cuộc chiến kéo dài thêm”.

Sau khi nhóm họp, ông Kerry cùng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đặc phái viên Liên hiệp quốc Staffan de Mistura nêu rõ, việc bắt đầu vòng đàm phán hòa bình về Syria vào ngày 1-1-2016 là không khả thi vì chỉ nội việc mời các bên tham gia vòng đàm phán cũng mất gần 1 tháng. Theo ông Kerry, việc bắt đầu vòng đàm phán vào giữa hoặc cuối tháng 1 có lẽ sẽ hợp lý hơn: “Chúng tôi hy vọng sẽ ngồi vào vòng đàm phán vào tháng 1 và sẽ sớm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn”.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tuyên bố trước Hội đồng Bảo an rằng Syria đang bị phá hủy và tại nhiều khu vực bị chiếm đóng “hàng nghìn người phải ăn cỏ và rễ cây để sống”, điều này theo ông Ban là “quá khủng khiếp”. Chính vì thế, theo ông Ban “nghị quyết vừa được thông qua đánh dấu một bước tiến quan trọng mà chúng ta phải đạt được”.

Trước đó, tại cuộc gặp với 17 Ngoại trưởng tham gia cuộc họp, ông Ban tuyên bố, ông đã hối thúc Chính phủ Syria và phe đối lập cần phải tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin với nhau cũng như hỗ trợ để hàng hóa cứu trợ và y tế đến được tay người dân. Các Ngoại trưởng cho biết, họ sẽ nhóm họp lại lần nữa vào tháng 1-2016 và ông de Mistura sẽ có nhiệm vụ thành lập một nhóm đàm phán đại diện cho phe đối lập tại Syria.

Nghị quyết vừa được thông qua cũng kêu gọi ông Ban Ki-moon cần phải triệu tập một cuộc họp giữa Chính phủ Syria và phe đối lập để “tham gia trực tiếp vào cuộc đàm phán chính thức về tiến trình chuyển giao quyền lực ở Syria và đến tháng 1-2016, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu”. Theo đó, trong vòng 6 tháng tiếp theo, tiến trình này sẽ bao gồm việc tạo dựng một Chính phủ “đáng tin cậy và không phân chia phe phái” cũng như mở đường cho việc thiết lập một bản dự thảo Hiến pháp mới tại Syria. Sau đó, Liên hiệp quốc sẽ đứng ra giám sát “các cuộc bầu cử tự do và công bằng” được tổ chức trong vòng 18 tháng sau đó theo bản Hiến pháp mới.

Bản nghị quyết này nêu rõ, tiến trình chuyển giao quyền lực này sẽ do người dân Syria tiến hành và “họ sẽ được quyết định tương lai của Syria”.

Trong khi đó, Đại sứ Syria tại Liên hiệp quốc Bashar Ja'afari lên tiếng chỉ trích sự khác biệt rõ ràng giữa những gì mà Mỹ và phương Tây cho rằng “để người dân Syria quyết định vận mệnh dân tộc với việc những nước này can thiệp trắng trợn vào Syria bằng việc công khai đòi thay thế ông Assad. Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng bày tỏ quan ngại về thành phần đại diện cho phe đối lập tại Syria tham gia cuộc đàm phán vì theo ông Lavrov: “Khủng bố dù là dạng nào cũng không có chỗ cho các cuộc đàm phán” và “việc phân chia khủng bố là tốt hay xấu là rất khó chấp nhận”.

An Nhiên (Tổng hợp theo VOV, TTXVN)
 


Ý kiến bạn đọc