Multimedia Đọc Báo in

Nhiều vụ tấn công khủng bố ở châu Á

10:08, 21/01/2016

Nhà chức trách Pakistan cho biết, đến nay đã có ít nhất 30 người, chủ yếu là sinh viên, thiệt mạng và hơn 60 người khác bị thương trong vụ tấn công khủng bố tại Trường Đại học Charsadda, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan vào ngày 20-1.

Nhóm khủng bố có tên Tehreek-e-Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm với tuyên bố nhằm trả thù một chiến dịch quân sự mới đây của lực lượng an ninh Pakistan. Giới chức địa phương lo ngại, số người chết còn có thể tăng lên nhiều hơn nữa khi lực lượng an ninh rà soát hết tất cả các phòng học cũng như các khu ký túc xá sinh viên. Ngoài ra, rất nhiều người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.

Theo Phó Tổng thanh tra Pakistan Saeed Wazir, toàn bộ sinh viên và giáo viên đã được sơ tán và cuộc đấu súng giữa cảnh sát với những kẻ tấn công ẩn nấp trong khuôn viên trường học đã kết thúc. Lực lượng đặc nhiệm Pakistan đã tiêu diệt 4 tay súng.

Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công tại Pakistan có thể tiếp tục tăng (Nguồn: news.yahoo)
Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công tại Pakistan có thể tiếp tục tăng (Nguồn: news.yahoo)

Bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, Tổng thống Pakistan Mamnoon Hussain và Thủ tướng Nawaz Sharif đã lên án vụ tấn công, đồng thời yêu cầu các cơ quan an ninh nhanh chóng truy tìm và tiêu diệt vết khủng bố. Lãnh đạo nhiều nước láng giềng của Pakistan ngay sau đó cũng đã gửi lời chia buồn và lên án kịch liệt vụ thảm sát, cam kết tiếp tục sát cánh cùng Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.

Được biết, ngôi trường vừa bị tấn công đang đào tạo khoảng 3.000 sinh viên và đang đón khoảng 600 khách tham dự một chương trình hôm 20-1. Vào buổi sáng, lợi dụng sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn, nhóm khủng bố đã đột nhập cửa sau và thực hiện vụ thảm sát đẫm máu vừa nêu.

Trước đó, hồi tháng 12-2014, Taliban đã thực hiện một vụ thảm sát trường học ở thành phố Peshawar ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa khiến 134 học sinh thiệt mạng.

Cùng ngày 20-1, Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết một vụ đánh bom xe liều chết đã xảy ra gần Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kabul của quốc gia Nam Á này.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Afghanistan Najib Danish thông báo: "Vụ tấn công xảy ra gần Đại sứ quán Nga. Chúng tôi lo ngại là có thương vong trong vụ đánh bom này".

Hiện chưa có nhóm nào nhận tiến hành vụ đánh bom nói trên.

Vụ việc xảy ra chỉ 2 ngày sau vòng thứ hai của cuộc đàm phán quốc tế, có sự tham gia cả các phái đoàn từ Afghanistan; Pakistan; Trung Quốc và Mỹ, nhằm khôi phục đàm phán hòa bình với Taliban.

Trước đó, vào ngày 19-1, cảnh sát Bali (Indonesia) cho biết họ đã nhận một bức thư nặc danh đe dọa rằng hòn đảo du lịch này sẽ là mục tiêu kế tiếp của một cuộc tấn công khủng bố. Cảnh sát trưởng Bali Sugeng Priyanto nêu rõ: “Bức thư nặc danh được gửi từ khu vực Buleleng, cảnh sát đang tiến hành điều tra và tìm hiểu xem ai đã gửi bức thư này. Tuy nhiên, tôi kêu gọi người dân Bali không nên sợ hãi, mà hãy đề cao cảnh giác”. Nhà chức trách cho biết đã tăng cường an ninh tại các trung tâm mua sắm và các địa điểm khác thu hút nhiều đám đông ở Bali.

Hồi năm 2002, hòn đảo du lịch được ưa chuộng này là mục tiêu tấn công của Jemaah Islamiyah - nhóm khủng bố đặt căn cứ ở Indonesia có quan hệ với Al-Qaeda. Vụ đánh bom gây nhiều chết chóc ở Bali đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch của Indonesia và mở ra một thập niên với nhiều âm mưu khủng bố tại nước này, do các phần tử ở Đông Nam Á có liên kết với Al-Qaida gây ra.

Sau cuộc tấn công tuần trước tại trung tâm thủ đô Jakarta, khiến 8 người thiệt mạng, kể cả 4 kẻ tấn công, các lực lượng an ninh Indonesia đang lo ngại sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công khác, gây nhiều chết chóc hơn nữa, do các nhóm ủng hộ tổ chức Nhà Nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện.

Lo ngại trước nguy cơ khủng bố, các nước Đông Nam Á đã triển khai nhiều biện pháp thắt chặt an ninh.

Ngày 20-1, Bộ Nội vụ Singapore (MHA) thông báo lực lượng chức năng nước này đã bắt giữ 27 đối tượng nam giới người Bangladesh hồi cuối năm ngoái do những đối tượng này "ủng hộ tư tưởng cực đoan của các nhóm khủng bố," trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và al-Qaeda.

Trong một tuyên bố, MHA cho biết các đối tượng này làm việc trong ngành xây dựng ở Singapore, bị bắt giữ từ ngày 16-11 đến 1-12-2015 theo Luật An ninh nội địa. Theo MHA, giấy phép lao động của các công dân Bangladesh này đã bị hủy và 26 người trong số đó đã bị trục xuất. Công dân còn lại hiện bị giam giữ do tìm cách rời khỏi Singapore bất hợp pháp và đối tượng này cũng sẽ bị trục xuất khi mãn hạn tù.

Theo tuyên bố của MHA, nhóm trên đã dùng nhiều biện pháp hòng che mắt các cơ quan chức năng, bí mật chia sẻ tài liệu liên quan đến tư tưởng cực đoan và tổ chức các cuộc họp hằng tuần về các cuộc xung đột và lực lượng thánh chiến có vũ trang liên quan đến người Hồi giáo, đồng thời tuyển mộ các thành viên. Cơ quan chức năng Singapore đã thu giữ một lượng lớn tài liệu có tư tưởng cực đoan như sách, video.

An ninh Indonesia luôn được đặt ở mức báo động sau vụ tấn công khủng bố ở Jakarta. (Nguồn: ABC News)
An ninh Indonesia luôn được đặt ở mức báo động sau vụ tấn công khủng bố ở Jakarta. (Nguồn: ABC News)

MHA cũng cho biết một số thành viên trong nhóm có ý định thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài, nhưng không có âm mưu tấn công khủng bố tại Singapore.

Ngày 20-1, lãnh đạo Cục xuất nhập cảnh Thái Lan, Tướng Natthorn Ratisoontorn khẳng định, Thái Lan sẽ tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh tại các cửa khẩu.

Ông Natthorn cũng cho biết, sau các cuộc tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia, các cơ quan chức năng Thái Lan đã trao đổi, tìm kiếm thông tin liên quan đến các nghi phạm. Đến nay, Cục xuất nhập cảnh Thái Lan chưa phát hiện đối tượng liên quan tới các vụ khủng bố trên đã thâm nhập vào Thái Lan. Tình trạng người nước ngoài hết hạn thị thực vẫn còn lưu trú tại Thái Lan đã gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Ông Natthorn tin rằng, luật xuất nhập cảnh mới của Thái Lan có hiệu lực từ ngày 20-3 tới, sẽ hạn chế số lượng người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp và những vấn đề phức tạp do họ gây ra.

Trước đó ngày 15-1, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon khẳng định, các nhóm khủng bố IS đang hoạt động tại khu vực ASEAN nhưng không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ IS đang hoạt động tại Thái Lan. Tuyên bố của ông Prawit đã phần nào xua đi những lo lắng của người dân cũng như khách du lịch tại Thái Lan về việc có IS xâm nhập vào Thái Lan mà cơ quan an ninh Nga đã cảnh báo.

Hội đồng An ninh quốc gia Malaysia (NSC), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Najib Razak ngày 19-1 cũng đã họp để thảo luận các biện pháp an ninh nhằm giải quyết các mối đe dọa khủng bố.

Thủ tướng Najib cho biết, Hội đồng An ninh quốc gia đã quyết định tăng mức độ an ninh của đất nước và tăng cường tuần tra chung giữa cảnh sát và quân đội tại các khu du lịch và khu vực công cộng. Hội đồng muốn mọi người dân cảm thấy an toàn với sự hiện diện nhiều hơn của cảnh sát và quân đội tại các khu vực công cộng. Các cơ quan an ninh khác cũng đã được chỉ đạo tăng cường nỗ lực đối phó với mối đe dọa khủng bố trong nước sau các vụ tấn công khủng bố tại một số thành phố lớn trên thế giới, mà gần đây nhất là cuộc tấn công khủng bố ở Jakarta, Indonesia.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Najib cho hay hoạt động tuần tra chung của cảnh sát và quân đội sẽ được tiến hành ngay lập tức để cho công chúng biết rằng chính quyền kiểm soát được tình hình an ninh trong nước. Ông Najib cũng cho biết cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 129 đối tượng tham gia tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo tin tình báo, cho đến nay có 55 người Malaysia đã gia nhập IS ở Iraq và Syria, trong đó 17 người đã thiệt mạng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết an ninh tại các cửa khẩu trọng điểm như sân bay, nhà ga xe lửa và các cảng tại Malaysia đã được tăng cường như một biện pháp phòng ngừa các cuộc tấn công khủng bố. Các sân bay, nhà ga được lắp đặt thêm thêm nhiều thiết bị, hệ thống giám sát, trong khi Cục Nhập cư Malaysia tiến hành theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của những người Malaysia chiến đấu cho IS tại Syria.

An Nhiên (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
 


Ý kiến bạn đọc