Multimedia Đọc Báo in

Thời tiết giá rét tiếp diễn ở nhiều nước

10:02, 26/01/2016

Thời tiết giá rét vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều nước trên thế giới.

Ngày 25-1, khoảng 86.000 người bị mắc kẹt ở đảo Jeju của Hàn Quốc sau khi tuyết rời dày khiến sân bay tại đây phải đóng cửa ngày thứ ba liên tiếp. Đây được đánh giá là đợt tuyết rơi nhiều nhất trong ba thập kỷ trở lại đây.

Kể từ ngày 23-1, hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng Jeju đã phải chứng kiến tuyết rơi dày kỷ lục và nhiệt độ giảm xuống mức - 6,1 độ C. Cuối tuần qua, gần 1.100 chuyến bay bị hủy với hàng nghìn người phải qua đêm tại sân bay. Bộ Giao thông Hàn Quốc thông báo sân bay quốc tế Jeju sẽ đóng cửa cho đến 20 giờ địa phương (18 giờ Việt Nam) do tuyết rơi dày và gió mạnh.

Khách du lịch phải nghỉ lại tại sân bay đảo Jeju khi các chuyến bay phải hủy bỏ do tuyết rơi dày, ngày 25-1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khách du lịch phải nghỉ lại tại sân bay đảo Jeju khi các chuyến bay phải hủy bỏ do tuyết rơi dày, ngày 25-1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại thủ đô Seoul, nhiệt độ ngày 24-1 đã giảm xuống -18 độ C, mức thấp nhất trong 15 năm qua. Trước đó một ngày, lần đầu tiên trong 5 năm qua, cơ quan thời tiết Hàn Quốc đã buộc phải phát cảnh báo về thời tiết giá lạnh bất thường.

Trong khi đó, tuyết vẫn rơi nhiều tại các vùng rộng lớn miền Tây và ven biển Nhật Bản như Kinki, Tokai và Chugoku buộc cơ quan thời tiết nước này phải đưa ra cảnh báo về các trận lở tuyết và nguy cơ giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại khu vực Nichinan của tỉnh Tottori ven biển Nhật Bản, tuyết rơi dày đến 50-60 cm và đã có một người thiệt mạng, hai người bị thương do lở đất. Tuyết rơi nhiều cũng khiến 100 xe mắc kẹt trên đường 378 của thành phố Yawatahama, tỉnh Ehime và một số chuyến tàu cao tốc tại thành phố miền Trung Nagoya bị đình trệ.

Hãng hàng không Nippon Airways và Japan Airlines đã phải hủy một số chuyến bay.

Giá rét tại Nhật Bản khiến đảo miền Nam Okinawa vốn thường xuyên có thời tiết ấm áp đã lần đầu tiên có tuyết rơi trong gần 39 năm qua. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại đảo Amami, khi lần đầu tiên trong 115 năm qua khu vực này có tuyết rơi.

Tính đến ngày 24-1, đã có ít nhất 25 người chết, 10.000 chuyến bay bị hủy và hơn 200.000 người sống trong cảnh mất điện do bão tuyết cực kỳ nghiêm trọng tấn công bờ Đông nước Mỹ trong những ngày cuối tuần.  

Theo Hãng tin AP, nhiều khu vực ở thủ đô Washington D.C bị tuyết phủ dày tới 76 cm, vượt mức kỷ lục 71 cm được ghi nhận vào năm 1922; trong khi một số vùng nông thôn thuộc bang Tây Virginia chìm trong lớp tuyết 101 cm. Ngoài ra, nhiều thị trấn ven biển thuộc các bang New Jersey, Delaware và Maryland bị ngập nặng. Trong khi đó, miền Nam bang Alaska lại hứng trận động đất mạnh 6,8 độ richter vào khoảng 1 giờ 30 sáng 24-1 (theo giờ địa phương). Nhiều người ở Anchorage, thành phố đông dân nhất bang cho hay, họ cảm nhận rung lắc rất mạnh và kéo dài. Hiện chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại nhưng động đất đã khiến 4.900 người bị cắt điện tạm thời.  

Tuy nhiên, tại một số bang, ngay khi tuyết ngừng rơi, chính quyền và người dân đã bắt đầu tiến hành dọn dẹp để khôi phục lại hệ thống giao thông. Tại thủ đô Washington, sân bay quốc tế Baltimore ngày 24-1 đã khôi phục một số chuyến nhưng rất hạn chế, trong khi hai sân bay quốc tế  khác là Reagan và Dulles vẫn bị đóng cửa hoàn toàn. Người phát ngôn sân bay quốc tế Reagan và Dulles, ông Chris Paolino cho biết: “Hiện tại vẫn chưa có chuyến bay nào tại Reagan và Dulles được khôi phục. Chúng tôi đang tiếp tục công tác dọn dẹp và sẽ đánh giá lại tình hình cả đường băng và cả đường taxi và các bãi đỗ để sớm đưa ra quyết định khi nào các chuyến bay có thể hoạt động trở lại sớm nhất có thể”.

Còn tại New York, lệnh cấm đi lại đã được dỡ bỏ và giao thông công cộng bắt đầu hoạt động trở lại trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, các sân bay trong khu vực vẫn đóng cửa suốt 3 ngày liên tiếp. Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo cho biết, lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực: “Lệnh cấm đi lại đã được dỡ bỏ. Điều này không có nghĩa là mọi người nên ra ngoài và lái xe đi dạo một vòng. Phần lớn các tuyến đường đã được dọn sạch nhưng vẫn có những khu vực chưa được dọn hết. Vẫn còn tình trạng xe cộ bị mắc kẹt trên đường cao tốc. Vì thế, mọi người vẫn nên thận trọng hết sức khi lệnh cấm đi lại được dỡ bỏ”.

Cơ quan Khí tượng thủy văn Trung Quốc ngày 24-1 đã tiếp tục duy trì lệnh cảnh báo cam - mức nguy hiểm thứ hai trong thang cảnh báo giá rét gồm 4 cấp độ của nước này - do tình hình chưa có dấu hiệu cải thiện. Phần lớn lãnh thổ Trung Quốc đang trải qua đợt giá lạnh tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ gần đây với nhiệt độ tại nhiều nơi xuống dưới âm 40 độ C.

Thời tiết lạnh giá đã ảnh hưởng tới nông nghiệp của nhiều địa phương. Chính quyền tỉnh Chiết Giang cho biết, hơn 5.500 ha hoa màu ở tỉnh này đã bị hư hại do giá rét, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp khoảng 40 triệu Nhân dân tệ (hơn 6 triệu USD). Hàng nghìn người cũng phải nằm viện do sức khỏe bị ảnh hưởng trong đợt rét kỷ lục này.

Trong một diễn biến liên quan, theo Báo cáo Nguy cơ Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay, nguy cơ được đánh giá gây tác động lớn nhất trong năm 2016 là thất bại trong việc giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là lần đầu tiên nguy cơ về môi trường đứng đầu trong các nguy cơ toàn cầu kể từ khi báo cáo thường niên này được xuất bản, và trở thành mối đe dọa lớn nhất trong bức tranh nguy cơ toàn cầu năm 2016.

Các nguy cơ tiếp theo tương ứng lần lượt là vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nguồn nước, cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn và sự “lao dốc” của giá năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ.

WEF cho biết trong suốt 11 năm lập báo cáo đánh giá về những nguy cơ toàn cầu, chưa bao giờ danh sách các nguy cơ trải rộng đến vậy. Lần đầu tiên có tới 4 trong tổng số 5 lĩnh vực, gồm: môi trường, địa chính trị, xã hội và kinh tế, được xếp trong danh sách 5 nguy cơ có ảnh hưởng lớn nhất.

Lĩnh vực duy nhất còn lại không nằm trong danh sách này là công nghệ, với đại diện cao nhất là các cuộc tấn công mạng, cũng chỉ ở vị trí thứ 11 trên cả hai tiêu chí. Những nguy cơ địa chính trị, trong đó xung đột giữa các quốc gia có ảnh hưởng tới khu vực, được xếp vào nguy cơ hiện hữu nhất năm 2015, cũng đang ngày một rõ ràng.

Trong khi xung đột giữa các quốc gia đã tụt xuống vị trí thứ 4 xét về khả năng xảy ra, vũ khí hủy diệt hàng loạt được đưa lên vị trí thứ 2 về tác động, cao hơn một bậc so với năm ngoái và là vị trí cao nhất trong báo cáo của WEF.

Trong khi đó, xét về khả năng xảy ra, nguy cơ mang tính toàn cầu số 1 trong năm 2016 được đánh giá là nạn di cư bắt buộc, xếp trên cả vấn đề thời tiết cực đoan, thất bại trong việc giảm thiểu và thích ứng với sự biến đổi khí hậu, vấn đề xung đột xuyên quốc gia với tác động tầm khu vực và những thảm hoạ thiên tai lớn.

Xe ủi dọn tuyết tại New York ngày 23-1. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Xe ủi dọn tuyết tại New York ngày 23-1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh số nạn nhân tử vong vì những nguy cơ toàn cầu đang ngày một gia tăng. Khí hậu nóng lên trong năm 2015 làm cho nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất lần đầu tiên tăng cao 1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR), số lượng người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa năm 2014 là 59,5 triệu, tăng gần 50% so với năm 1940.

Nguy cơ tấn công mạng cũng được xếp hạng cao về khả năng xảy ra và tác động năm 2016, trong khi các nguy cơ khác như sự sụp đổ của hạ tầng thông tin quan trọng đã bớt đi phần nghiêm trọng.

Đối với hoạt động kinh doanh, thất nghiệp và thiếu việc làm dường như là rủi ro mà các doanh nghiệp lo ngại nhất trong kinh doanh tại hơn 1/4 trong tổng số 140 quốc gia. Đặc biệt, nguy cơ đó được xếp lên hàng đầu tại hai khu vực Cận Sahara châu Phi và Trung Đông-Bắc Phi. Khu vực duy nhất mà nguy cơ này không được xếp vào top 5 là Bắc Mỹ.

Sự sụt giảm giá năng lượng là nguy cơ đứng thứ 2 và xuất hiện trong top 5 nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại 93 nước.

Hồng Hải (Tổng hợp từ VOV, Vietnam+)
 


Ý kiến bạn đọc