Khủng hoảng chính trị ở Brazil
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đang phải đối mặt với nguy cơ phải hầu tòa sau khi Ủy ban thuộc Quốc hội Brazil phê chuẩn kế hoạch luận tội nhà lãnh đạo này với cáo buộc che giấu thâm hụt ngân sách.
Vào ngày 11-4, Ủy ban Quốc hội Brazil gồm 65 thành viên đã bỏ phiếu với 38 phiếu thuận và 27 phiếu chống. Kết quả này đồng nghĩa với việc kế hoạch đưa Tổng thống Rousseff ra xét xử tại một phiên tòa chính trị đã được thông qua. Trước đó, bà Rousseff bị cáo buộc gian lận nhằm thay đổi sổ sách chính phủ với mục đích che giấu thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Ảnh: Reuters) |
Đề xuất luận tội Tổng thống sẽ được đưa ra trong phiên họp toàn thể của Hạ viện, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15-4 tới đây. Sau đó Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày 17 và 18-4, nếu ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hạ viện đồng ý luận tội bà Rousseff, quá trình luận tội sẽ được gửi tới Thượng viện và Chánh án Tòa án tối cao sẽ giám sát quá trình này. Nếu Hạ viện không thông qua, bà Rousseff sẽ tránh được một cuộc điều tra nhắm vào mình.
Trong khi đó, không lâu trước thời điểm Ủy ban đặc biệt của Hạ viện bỏ phiếu thông qua khuyến nghị, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer đã "gửi nhầm" một đoạn ghi âm dài 15 phút với thông điệp về việc Tổng thống Rousseff đã bị Ủy ban đặc biệt của Hạ viện bỏ phiếu đồng ý thông qua việc đưa ra xét xử ở Quốc hội.
Thông điệp với nội dung ông Temer tuyên bố sẽ nhậm chức Tổng thống tạm quyền đã được gửi tới các nghị sỹ thuộc đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), từng tham gia cầm quyền tới cuối tháng trước với đảng Lao động (PT) của bà Rousseff và sau đó tuyên bố từ bỏ chính phủ để trở thành phe đối lập.
Sau khi thông điệp này được phát đi, văn phòng cố vấn truyền thông của ông Temer cho biết đây là một "tai nạn".
Theo Hiến pháp, nếu bà Rousseff bị phế truất, ông Temer sẽ là người thay thế cầm quyền tới hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2018.
Trong đoạn băng ghi âm, ông Temer tuyên bố trong trường hợp Quốc hội phế truất bà Rousseff, ông sẽ thành lập chính phủ mới cũng như các chính sách sẽ đưa ra trong tương lai nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế trầm trọng hiện nay.
Người dân Brazil biểu tình đòi Tổng thống Dilma Rousseff từ chức ngày 13-3. (Nguồn: AP) |
Từ năm 2011, ông Temer đã làm Phó Tổng thống cùng bà Rousseff từ nhiệm kỳ đầu. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 2015 của bà Rousseff, giữa ông Temer và Tổng thống bắt đầu có rạn nứt, đặc biệt là từ cuối năm ngoái. Ngày 29-3 vừa qua, đảng PMDB của ông Temer, chính đảng lớn nhất Brazil đã đưa ra quyết định rời khỏi nội các.
Tổng thống Rousseff đang phải đối mặt với làn sóng giận dữ từ người dân Brazil. Phe đối lập yêu cầu bà phải từ chức do sự quản lý yếu kém khiến kinh tế trì trệ và tệ nạn tham nhũng tràn lan. Xã hội Brazil hiện bị chia rẽ giữa bên ủng hộ Tổng thống Rousseff và bên hối thúc bà này từ nhiệm. Bà Rousseff, người mà uy tín hiện đang ở mức rất thấp, dưới 11%, tố cáo đây là những âm mưu của phe đối lập hòng đảo chính và phá hoại nền dân chủ.
Theo điều tra của Hãng tư vấn Datafolha vừa được công bố cùng ngày, 61% người dân Brazil ủng hộ bãi nhiệm bà Rousseff và 60% cho rằng bà này nên từ chức.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc