Multimedia Đọc Báo in

Rò rỉ kho tài liệu trốn thuế của các chính khách nổi tiếng thế giới

08:32, 06/04/2016

Báo Nam Đức (SZ) ngày 3-4 công bố một tài liệu mật về đợt rò rỉ dữ liệu lớn nhất cho tới nay về một "thiên đường trốn thuế" của các nhân vật giàu có và thế lực trên thế giới.

Các thông tin mà báo SZ có được từ một nguồn giấu tên, là tập hợp gồm 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Các tài liệu này được báo Đức đặt tên "Tài liệu Panama" cho thấy cách công ty trên giúp khách hàng trốn thuế và rửa tiền, liên quan tới 214.000 công ty ma.

Báo trên đã chia sẻ các thông tin này với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và một số tập đoàn thông tin khác như BBC và the Guardian. Theo báo trên, có khoảng 140 chính trị gia khắp thế giới đã tìm tới "thiên đường trốn thuế", trong số đó có 12 nhà lãnh đạo các nước. Ngoài ra còn có các nhân vật nổi tiếng, các ngôi sao thể thao (như Lionel Messi) và các trùm ma túy.

Trong số các khách hàng tìm tới Công ty luật Mossack Fonseca có Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Iceland Sigmundur David, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và con trai cựu Tổng thống Ai Cập Alaa Mubarak. Ngoài ra, một số nhà lãnh đạo từng rất có thế lực như cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi cũng là những người tìm tới "thiên đường" Panama. Tổng thống Nga Vladimir Putin không có tên trong tài liệu, song nhà lãnh đạo này có liên quan tới khoản tiền bí mật 2 tỷ USD thông qua các ngân hàng và các công ty bình phong. SZ cũng tiết lộ gia đình của ít nhất 8 thành viên đương nhiệm và cựu lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có người em rể của Chủ tịch Tập Cận Bình.

(Nguồn: bbc.com)
(Nguồn: bbc.com)

Theo báo Đức, với 2,6 TB (terabyte) dữ liệu của 11,5 triệu tài liệu rò rỉ, đây là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất cho tới nay. Người đứng đầu ICIJ Gerard Ryle cho hay các tài liệu là hoạt động hằng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm và đây được xem là cú giáng mạnh nhất vào các hoạt động rửa tiền, trốn thuế trên thế giới.

Công ty Mossack Fonseca ở Panama, một trong số công ty luật hoạt động "lén lút" nhất thế giới, đã bác bỏ mọi việc làm sai trái của mình. 23 khách hàng của công ty này nằm trong danh sách bị trừng phạt do đã hỗ trợ Triều Tiên, Nga, Zimbabwe Iran và Syria. Dù có phạm pháp hay không thì vụ hé lộ thông tin trong “Hồ sơ Panama” cũng khiến nhiều chính trị gia thế giới chịu áp lực lớn.

Một ngày sau khi báo chí công bố vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước tới nay mang tên "Hồ sơ Panama", một loạt quốc gia trên thế giới tuyên bố sẽ tiến hành điều tra các thông tin liên quan tới vụ việc gây chấn động thế giới này. Dư luận đánh giá đây là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử mà truyền thông quốc tế tiếp cận và công bố, đang làm chao  đảo chính trường  nhiều nước trên thế giới.

Trưởng đoàn nghị sĩ Đảng Cánh tả tại Quốc hội Đức hôm 4-4 yêu cầu xem xét thành lập một Ủy ban điều tra ở Quốc hội để điều tra việc trốn thuế, cũng như tuyên bố có hành động cứng rắn và kiên quyết đối với các ngân hàng tiếp tay cho việc trốn thuế. Theo báo chí Đức, hàng nghìn người Đức và ít nhất 28 ngân hàng của nước này bị nằm trong diện điều tra. Trong khi đó, các Công tố viên điều tra tài chính của Pháp cũng cho biết sẽ tiến hành điều tra về vụ gian lận thuế liên quan tới Công ty Mossack Fonseca.

Cùng ngày, giới chức Tây Ban Nha và một số quốc gia như Thuỵ Sĩ, Áo, Na Uy, Thuỵ Điển, Ukraine, Australia và Costa Rica thông báo sẽ điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng có tên trong "Hồ sơ Panama" về khả năng trốn thuế, tiếp tay trốn thuế hoặc gian lận tài chính.

Với mức độ nghiêm trọng được đánh giá gấp nhiều lần so với vụ tiết lộ thông tin của Wikileak hay Edward Snowden, vụ bê bối thông tin này cũng đang ảnh hưởng đến hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, các chính trị gia cũng như làm sâu sắc thêm cuộc khủng  hoảng chính trị đang diễn ra tại một số nước.

Một trong những nhà lãnh đạo thế giới phải đối mặt với sức ép lớn nhất đó là Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson, khi tài liệu cho biết vợ ông sở hữu một công ty bí mật ở nước ngoài với nhiều triệu bảng Anh. Khoảng 10.000 người đã kéo xuống đường tại thủ đô Reykjavik, yêu cầu Thủ tướng từ chức. Lực lượng đối lập cũng kêu gọi ông Sigmundur Gunnlaugsson và Chính phủ từ chức, lên kế hoạch bỏ phiếu tín nhiệm sau bê bối này. Phản ứng trước những cáo buộc, Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson cho biết, các tài sản đó không phải "được cất giấu trong một thiên đường thuế" như báo chí đưa, mà đã được khai báo đầy đủ và đóng thuế tại Iceland. Thủ tướng Iceland cũng khẳng định, ông và Chính phủ liên minh trung hữu của mình luôn đặt quyền lợi của dân chúng lên trên lợi ích cá nhân: “Tôi nghĩ chính phủ liên minh cam kết sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đang làm. Chúng ta đã chứng kiến những bước tiến trong nền kinh tế Iceland và mức sống của người dân tăng lên khi Chính phủ nhậm chức. Nhiều dự án tốt cũng đang diễn ra. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là các cuộc bầu cử diễn ra. Tôi nghĩ đây sẽ là thời điểm để người dân đánh giá về những gì Chính phủ đã làm được”.

Với Liên minh cầm quyền có 38 ghế trong Quốc hội 63 ghế của Iceland, cuộc bỏ phiếu tín nhiệm do lực lượng đối lập phát động dự kiến diễn ra vào cuối tuần này sẽ khó có thể được thông qua. Tuy nhiên, sự bất bình của người dân có thể ảnh hưởng nhiều đến uy tín của ông Gunnlaugsson trong bối cảnh Chính phủ cũng đối mặt với nhiều chỉ trích về việc thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng, sau khi những ngân hàng lớn của Iceland sụp đổ năm 2008, đẩy nền kinh tế đất nước vào khó khăn.

Những tiết lộ của Hồ sơ Panama cũng làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Ukraine. Các nghị sĩ bao gồm cả thành phần trong phe của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã kêu gọi thành lập một Ủy ban điều tra các cáo buộc.  

Tổng thống Poroshenko lên tiếng phủ nhận cáo buộc, nhưng chuyên gia phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho rằng, lực lượng đối lập tại Ukraine có thể dựa vào những tiết lộ này gia tăng áp lực lên Tổng thống. Ông Volodymyr Fesenko cho biết: “Thay vì thảo luận làm thế nào để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng và bỏ phiếu cho Chính phủ và  Thủ tướng mới, các nghị sĩ sẽ thảo luận làm thế nào để đối phó với thông tin này. Không nghi ngờ rằng những phần tử đối lập sẽ cố gắng  tận dụng thông tin này để thực hiện chiến dịch chống lại Tổng thống. Những diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến thành lập một liên minh mới”.

Ảnh: Hindustantimes.
(Ảnh: Hindustantimes.)

Không chỉ tác động đến chính trường Ukraine, bê bối này cũng có thể ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế ảm đạm của đất nước, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Mỹ, Liên minh châu Âu đang đánh giá các hoạt động của Chính phủ để có thể tiếp tục công bố các khoản viện trợ mới.

Còn tại Pakistan, gia đình của Thủ tướng Nawaz Sharif cũng lên tiếng phủ nhận sau khi họ bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. Điều đáng chú ý là gia đình của Thủ tướng Sharif cũng đã đối mặt với cáo buộc tham nhũng trong một thời gian dài mặc dù chưa được chứng minh. Các chuyên gia phân tích cho rằng, các chính trị gia đối lập sẽ sử dụng những tiết lộ mới gây áp lực lên Chính phủ Pakistan, bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình hay kêu gọi cơ quan chống tham nhũng và Ủy ban bầu cử đưa ra hành động pháp lý chống lại gia đình của Thủ tướng.

Lãnh đạo cũng như chính trị gia của một số nền kinh tế đang nổi lên như Argentina, Brazil, Nam Phi… cũng đang đối mặt với sức ép sau tiết lộ. Giới quan sát cho rằng, sẽ mất thêm thời gian để các cơ quan chức năng đánh giá đầy đủ hơn về tính xác thực của các tài liệu.

Trong một số trường hợp, Chính phủ các nước có thể kiểm soát được vụ việc, với việc chứng minh các nhà lãnh đạo của họ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, thông tin về sự giàu có và tài sản khi những nhà lãnh đạo này đang tại nhiệm cũng sẽ gây áp lực lớn lên các chính trị gia có tên trong Hồ sơ. Trong khi đó, bê bối này có thể nối dài thêm các cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng đang diễn ra tại một số nước.

Hồng Hải (Theo TTXVN, VOV)
 


Ý kiến bạn đọc