Multimedia Đọc Báo in

Anh chọn chia tay Liên minh châu Âu

19:10, 25/06/2016

Ngày 24-6, Thủ tướng Anh David Cameron thông báo sẽ từ chức Thủ tướng sau khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố của ông Cameron được đưa ra sau khi 52% người Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU trong khi 48% muốn ở lại.

"Cuộc hôn nhân không hạnh phúc"

Với tỷ lệ 51,9% số phiếu ủng hộ Brexit và 48,1% số phiếu phản đối, người dân Anh đã tự quyết định đặt dấu chấm hết cho “cuộc hôn nhân” kéo dài 43 năm giữa Anh và EU. Kết quả này không hoàn toàn bất ngờ vì trong suốt 4 tháng vận động quyết liệt của cả hai phe, nhiều người đã tiên đoán được kịch bản Brexit. Cho dù EU đã có nhiều sự nhượng bộ thông qua việc trao cho Anh "quy chế đặc biệt" và các nhà lãnh đạo Anh và châu Âu, cũng như các chuyên gia kinh tế liên tục vẽ ra những viễn cảnh ảm đạm đối với việc Anh rời EU thì rốt cuộc người dân Anh vẫn có sự lựa chọn riêng của họ.

Lịch sử một lần nữa cho thấy khi các cử tri đưa ra quyết định, họ hiếm khi tập trung vào vấn đề chính như các chính trị gia đề cập. Với người dân, lợi ích trước mắt và liên quan trực tiếp mới là quan trọng. Chẳng hạn, như trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến pháp EU năm 2005, người Hà Lan tập trung vào đồng euro, trong khi người Pháp lại lo lắng rằng các thợ ống nước đến từ Ba Lan sẽ lấy đi việc làm của họ. Tâm lý hoài nghi châu Âu vốn dồn nén suốt 43 năm qua đã được thể hiện qua lá phiếu của đa số cử tri Anh. Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, những mối lo ngại về an ninh - khủng bố và sự chán nản cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến nhiều cử tri Anh cảm thấy có lý do chính đáng để lựa chọn ra khỏi EU.

Cơ quan chức năng kiểm phiếu trưng cầu ý dân ở London ngày 24-6. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Cơ quan chức năng kiểm phiếu trưng cầu ý dân ở London ngày 24-6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Thực tế trong vài năm gần đây, tại Anh ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến ủng hộ việc nước này ra khỏi EU. Nhiều công dân Anh cho rằng họ phải gánh trách nhiệm quá lớn của chính phủ, do Anh được coi là một trong những trung tâm lớn của EU và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách của châu Âu. Bản thân những người ủng hộ Anh ở lại EU cũng phải thừa nhận rằng Anh chỉ có thể hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách.

Sự ra đi của Anh chắc chắn sẽ giáng một đòn nặng nề đối với sự hội nhập châu Âu và có thể gây ra sự đổ vỡ cho một quá trình vốn đã mong manh.

Năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng: "Chúng tôi đồng hành với châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó. Chúng tôi có mối liên hệ với châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”. Mãi tới năm 1973, Anh mới gia nhập EU (khi đó lấy tên là Cộng đồng Than Thép châu Âu) một cách do dự, không hề nhiệt tình và đầy sự hoài nghi.

43 năm sau "cuộc hôn nhân gượng ép," cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23-6 càng chứng minh rằng nhận định của Churchill là chính xác. Anh và EU không thể có mối quan hệ hòa hợp và gắn bó.

Chỉ ít giờ sau khi kết quả chính thức được công bố với thắng lợi của phe ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh David Cameron đã có bài phát biểu tuyên bố ông sẽ từ chức Thủ tướng Anh trước tháng 10 năm nay, thời điểm mà đảng Bảo thủ sẽ họp để bầu ra lãnh đạo mới. Ông Cameron đã không giấu được sự cay đắng trong lời phát biểu này khi nói rằng ông không thể nào đón nhận kết quả trưng cầu dân ý về Brexit một cách nhẹ nhàng được. Có thể nói, đây là một thất bại thê thảm có nguy cơ chôn vùi cả sự nghiệp chính trị đang trên đỉnh cao của ông David Cameron, đặc biệt là nó lại xuất phát chính từ một tính toán sai lầm của ông Cameron. Vào năm 2013 chính ông David Cameron là người đưa ra đề xuất sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit với ý định dùng chiêu bài này xoa dịu sự phản đối của các phe nhóm bài châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ và thu hút phiếu cử tri cho cuộc bầu cử 2015. Kết quả là ông Cameron và đảng Bảo thủ đã thắng vang dội năm 2015 nhưng điều ông không thể ngờ đến là Brexit lại trở thành con dao hai lưỡi, kích động tâm lý bài châu Âu tại nước Anh, dẫn đến kết cục là hôm nay người dân Anh đã bỏ phiếu ra khỏi Liên minh châu Âu.

Các nhà phân tích chính trị Anh dự đoán các ứng cử viên lớn nhất thay ông Cameron sẽ là cựu Thị trưởng London, Boris Johnson, người cầm đầu phe ủng hộ Brexit và 2 Bộ trưởng khác trong nội các hiện tại của ông Cameron là Bộ trưởng Nội vụ Therese May hoặc Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove.

Những hệ quả của việc Anh rời EU

Việc người dân Anh quốc bỏ phiếu rời khỏi EU đã tạo nên cú sốc lớn trên toàn bộ chính trường cũng như thương trường châu Âu. Tới mức ngày 24-6 đã được gọi là “Ngày thứ sáu đen tối” của thị trường toàn cầu.

Những diễn biến đầu tiên dĩ nhiên đến ngay từ chính nước Anh. Đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 và có thể còn tiếp tục giảm. Để xoa dịu dư luận, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Caney đã phải có tuyên bố khẳng định sẽ có những quyết định kịp thời và đúng đắn để giữ ổn định và phát triển nền kinh tế Anh. Một loạt các ngân hàng Pháp, Anh, Nhật đã tuyên bố huy động vốn nếu cần và sẵn sàng bơm tiền vào để ổn định thị trường. Các thị trường chứng khoán chính của châu Âu đều sụt giảm ngay khi mở cửa, từ London, Franfurt cho tới Paris đều giảm từ 9-10 %. Chỉ số Eurostoxx 50, phản ánh các giá trị lớn của châu Âu, chìm sâu tới 12%.

Ước tính, Brexit sẽ khiến Anh mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở các nước EU, dẫn tới thiệt hại 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện có điểm đến là các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU. Giới chuyên gia nhận định nhiều khả năng các ngân hàng quốc tế lớn như Bank of America, Morgan Stanley hay Citigroup sẽ chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn chứ không còn mặn mà với Anh như trước.

Đón đợi kết quả kiểm phiếu với nhiều cung bậc cảm xúc (Ảnh: AFP).
Đón đợi kết quả kiểm phiếu với nhiều cung bậc cảm xúc (Ảnh: AFP).

Hãng Rolls-Royce chuyên sản xuất hệ thống năng lượng, vũ khí và hàng không - không gian hồi đầu tuần này cho rằng Brexit có thể khiến nhà máy thử nghiệm bộ phận động cơ xe ở Đức đứng trước nhiều rủi ro, cũng như khiến lợi thế cạnh tranh rơi vào tay các đối thủ Mỹ. Mối quan ngại của nhà lãnh đạo doanh nghiệp này là tâm trạng chung của nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Anh hiện nay, bởi hoạt động kinh doanh của các công ty đa quốc gia vốn có sự kết nối rộng khắp toàn châu Âu.

Ngoài ra, các chuyên gia dự báo đồng bảng Anh cũng sẽ rớt giá 14-15% chỉ trong vòng một năm, đẩy nước Anh đứng trước nguy cơ mất đi vị trí trung tâm tài chính toàn cầu.

Không chỉ làm suy yếu nền kinh tế, Brexit còn có thể kéo theo nguy cơ khiến xã hội Anh trở nên bất ổn. Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU, có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội. Ngoài ra, Brexit cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến Xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh.

Hiệu ứng dây chuyền của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước châu Âu khác, dễ dàng nhất là trường hợp của Tây Ban Nha. Sự lựa chọn của cử tri Anh có thể là tiền lệ xấu cho một số vùng như xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha.

Bản thân các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với sự mất ổn định chính trị trong nước, trong khi EU sẽ suy yếu bởi sự gắn kết lỏng lẻo giữa các quốc gia thành viên. Việc Anh rời EU sẽ khiến liên minh này phải phụ thuộc vào một hoặc một số cường quốc trong khi giảm vai trò của các nước "nhỏ" còn lại.

EU cũng sẽ mất dần "sức nặng" trên trường quốc tế, trong khi Anh sẽ trở thành quốc gia riêng rẽ với EU khi ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác quốc tế. Khi tiếng nói của Anh không còn nhiều "trọng lượng" như khi còn nằm trong EU thì rõ ràng vai trò của Anh trên các diễn đàn quốc tế cũng suy giảm.

Phản ứng của các nước

Trong lúc này thì các nước châu Âu đang đưa ra các phản ứng rất khác nhau. Tại 2 nước đầu tàu của Liên minh là Đức và Pháp, giới chức hai nước nhìn chung là bi quan về kết quả Brexit. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã cho họp Hội đồng Bộ trưởng gấp để đưa ra các phản ứng nhằm trấn an thị trường. Chỉ số CAC 40 ở Thị trường chứng khoán Paris đã sụt giảm gần 8%, tương đương mức giảm ở Thị trường London.

Tuy nhiên, cũng không phải chính trị gia nào ở Pháp cũng bi quan. Cựu Thủ tướng Pháp Michel Rocard tuyên bố Brexit là điều tốt vì “nước Anh đã cản trở EU tiến lên trong suốt những năm qua”.

Những người ủng hộ rời EU vẫy cờ và ăn mừng khi chờ đợi kết quả bỏ phiếu ở Millbank Tower. (Nguồn: belfasttelegraph.co.uk)
Những người ủng hộ rời EU vẫy cờ và ăn mừng khi chờ đợi kết quả bỏ phiếu ở Millbank Tower. (Nguồn: belfasttelegraph.co.uk)

Đức, nền kinh tế mạnh nhất EU, đón nhận tin Brexit với sự lo lắng. Ngoại trưởng Đức Steinmeier tuyên bố đây là ngày buồn với châu Âu.

Thêm một điều mà các nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng nữa là đối phó với hiệu ứng của Brexit từ các đảng đối lập trong nước. Ngay lập tức trong sáng nay, đảng Mặt trận quốc gia ở Pháp và đảng cực hữu ở Hà Lan đã lên tiếng kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý tại Pháp và Hà Lan về việc có ở lại với EU hay không. Các đảng này cho rằng người dân cần phải được lựa chọn như dân chúng Anh.

Cùng lúc đó thì các lãnh đạo EU đón nhận với sự bi quan nhưng thận trọng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng cần phải nhanh chóng khẳng định Liên minh 27 nước vẫn sẽ đoàn kết và phải cấp thiết cải tổ EU. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng tuyên bố tôn trọng ý nguyện của người dân Anh nhưng phải xem đây là động lực để EU giải quyết bức xúc ở các nước thành viên khác.
Dự kiến, ngày 27-6, Tổng thống Pháp Hollande sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn các biện pháp đối phó với tác động của Brexit còn Hội đồng châu Âu sẽ họp vào hai ngày 28 và 29 để chính thức tiếp nhận yêu cầu rời EU của nước Anh và tiến hành các thủ tục tiếp theo. Tất cả các bên đều đang nỗ lực ổn định tình hình và tránh tạo ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính châu lục.

Hồng Hải (Theo VOV, TTXVN)


 


Ý kiến bạn đọc