Cử tri Anh ngày càng chia rẽ về Brexit
Chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết với việc Thủ tướng David Cameron không ngừng đưa ra những lý lẽ thuyết phục các cử tri nước này về lợi ích của việc duy trì tư cách thành viên trong khối.
Chỉ còn 10 ngày nữa là các cử tri Anh phải quyết định nước này sẽ “ra đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6. Nếu như so với các cuộc thăm dò tiến hành suốt 1 năm qua, khi mà tỷ lệ người ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu luôn dẫn trước với khoảng cách khá an toàn, thì trong các cuộc thăm dò trong khoảng chưa đầy 1 tháng trở lại đây, đã có sự chia rẽ sâu sắc trong quan điểm của cử tri Anh.
Thủ tướng Anh David Cameron (phải, trước) phát biểu tại thủ đô London. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Càng gần đến ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân, tỷ lệ ủng hộ “ở lại” ngày càng thấp dần, và chỉ cách biệt rất sít sao so với xu hướng muốn “ra đi”. Thậm chí cuộc thăm dò mới đây nhất, công bố ngày 10-6 do hãng ORB tiến hành cho thấy, tới 55% số người được hỏi muốn Anh “ra đi” trong khi chỉ 45% muốn “ở lại”. Hai cuộc thăm dò dư luận khác do hãng YouGov và trang “WhatUKThinks” (tạm dịch là “Người Anh nghĩ gì”) tiến hành cũng cho kết quả tương tự với tỷ lệ người ủng hộ Brexit cao hơn so với tỷ lệ người muốn Anh ở lại mái nhà chung châu Âu.
Trong một chương trình truyền hình của Tổ hợp truyền thông Anh BBC ngày 13-6, thủ lĩnh đảng Độc lập Anh (UKIP) theo xu hướng bài châu Âu và nhập cư Nigel Farage cho rằng, sở dĩ có sự thay đổi về tỉ lệ ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit, là bởi công chúng Anh đã phát chán với các cảnh báo về rủi ro của việc rời khỏi khối này.
Tuy nhiên, cũng trong chương trình truyền hình này, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định chiến dịch vận động Anh ở lại Liên minh châu Âu mà ông đang thực hiện đầy lạc quan và tích cực. Ông Cameron tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ là một sai lầm rất lớn, và nó cũng đồng nghĩa với việc nước Anh tự đẩy mình vào một vị thế kinh tế ít thuận lợi hơn trong thị trường chủ chốt. Ông Cameron nói: “Các nhà sản xuất ô tô, các hãng sản xuất máy bay, các thể chế tài chính, các doanh nghiệp, các công ty bảo hiểm, họ muốn chúng ta ở lại trong một thị trường chung lớn nhất thế giới, vì họ muốn có những cơ hội lớn. Chúng ta sẽ có được thị trường đó và sẽ vẫn duy trì được các thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc hay Mỹ nếu tiếp tục là một phần của thị trường chung đó. Những cơ hội này sẽ không còn nếu chúng ta rời khỏi Liên minh châu Âu, và chúng ta không nên mạo hiểm điều đó”.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tấm gương (Der Spiegel) của Đức cuối tuần qua, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng khẳng định, nước Anh sẽ không thể hưởng lợi từ thị trường chung châu Âu như Na Uy hay Thụy Sỹ nếu rời khỏi khối. Theo ông, “đi” hay “ở” là 2 khía cạnh hoàn toàn khác nhau. Ngoại trưởng Đức cũng cảnh báo, Brexit sẽ tác động tiêu cực đến các nước khác trong bối cảnh làn sóng hoài nghi châu Âu ngày càng gia tăng ở nhiều nước: “Lý do mà người Anh xem xét việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu không chỉ là lý do của riêng nước Anh. Chúng ta có thể thấy những lý do tương tự với nhiều người đang muốn rời khỏi mái nhà chúng này ở nhiều nước, cả Đông Âu cũng như Tây Âu. Nếu Brexit xảy ra và kéo theo hiệu ứng dây chuyền với các nước khác trong khối, thì quá trình hội nhập của châu Âu sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng sâu sắc”.
Chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. (ảnh: Getty). |
Cuộc khảo sát mới đây do trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện cho thấy, tỷ lệ hoài nghi châu Âu tại nhiều nước trong khối, trong đó có cả Pháp và Đức đều đang gia tăng. Thậm chí, tỷ lệ người ủng hộ EU cũng chỉ không quá 50% và đang có xu hướng giảm. Với tình trạng này, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, liệu các nước thành viên khác có tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên như nước Anh hay không. Nếu điều đó xảy ra, thì chắc chắn sẽ là một ”thảm kịch” đối với EU.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, có thể là sự khởi đầu quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây.
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức Bild đăng ngày 13-6, Chủ tịch Tusk nhận định mọi nước trong EU đều sẽ thiệt hại về mặt kinh tế, đặc biệt là bản thân nước Anh. Trong khi đó, về mặt chính trị, Brexit sẽ kích động những người cực đoan chống hội nhập châu Âu từ bên trong nhiều nước thành viên. Theo ông, Brexit có thể khởi đầu cho một quá trình hủy hoại không chỉ EU mà còn toàn bộ nền văn minh chính trị phương Tây.
Chủ tịch Tusk cũng cảnh báo London có thể phải mất đến 7 năm cho tiến trình dỡ bỏ các cam kết mang tính hợp đồng giữa Anh và EU cũng như xây dựng các thỏa thuận mới trong trường hợp xảy ra Brexit. Điều quan trọng là "không có gì đảm bảo rằng tiến trình này sẽ thành công".
Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bày tỏ hy vọng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới, các cử tri Anh sẽ quyết định ở lại EU, đồng thời cho rằng liên minh này cần một nước quan trọng về mặt chiến lược với truyền thống đi biển và giao thương mạnh mẽ.
Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc